Dòng sự kiện:

Hãi hùng chuyện nửa đêm quật mồ trộm xương người bị sét đánh

13:08 08/09/2015
Dân gian khắp nơi vẫn đồn thổi những chuyện ly kỳ về những bộ xương bị sét đánh. Người ta đồn rằng, bọn trộm chuyên nghiệp rất ao ước có được bàn tay người bị sét đánh.
Người đàn ông ở Điện Biên tham gia vụ quật mồ người chết do bị sét đánh đang ngày ngày phải vật vã trả nợ cho việc làm khủng khiếp ông ta gây ra.

Ở TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), dù câu chuyện trôi qua đã lâu, nhưng lớp người lớn tuổi đều biết đến một câu chuyện kinh dị, đó là chuyện trộm xương cốt của nữ y tá.

Chẳng biết có liên quan gì đến chuyện tâm linh không, nhưng những người liên quan đến vụ đào mộ này đều gặp thảm họa: quan chức vào tù, những kẻ đào trộm mộ cô không chết chóc vì bệnh tật, thì cũng cháy rụi cửa nhà.

Chuyện ấy đến nay vẫn đồn đại ầm ĩ, và mỗi người kể một kiểu. Người thì bảo, đại gia Trần S., đã lấy xương cô gái xấu số thả vào nồi cao hổ, để bồi bổ sức khỏe, người thì bảo ông ta dùng xương bàn tay của cô đề làm bùa, luyện phép biến hình, biển thủ công quỹ dễ dàng, người thì bảo gã bán sang Lào cho các pháp sư với giá cao, để có tiền chạy lên chức giám đốc…

Lời đồn về xương người bị sét đánh

Dân gian khắp nơi vẫn đồn thổi những chuyện ly kỳ về những bộ xương bị sét đánh. Người ta đồn rằng, bọn trộm chuyên nghiệp rất ao ước có được bàn tay người bị sét đánh. Chúng tin rằng, khi đi ăn trộm, mang theo bàn tay của người bị sét đánh, thì chúng sẽ trở nên vô hình, không ai nhìn thấy được và cứ thế vô tư ra vào nhà đối tượng như chỗ không người.

Chẳng biết việc cầm xương bàn tay người bị sét đánh có giúp tên trộm có khả năng đó không, nhưng lời đồn đó ở vùng đất nào cũng có.

Tuy nhiên, những người không tin vào dị đoan, thì giải thích rằng, chính bàn tay của người bị sét đánh có một năng lượng nào đó, mà khiến chủ nhà ngủ say, nên bọn trộm cứ thế mà tung hoành, vơ vét của cải.

Nhiều gia đình đổ bê tông chôn chặt người bị sét đánh. Ảnh minh họa.

Những người nghiên cứu về mật tông, thì giải thích rằng, các pháp sư người Lào, Thái Lan sử dụng xương người bị sét đánh để luyện bùa. Những người bị sét đánh, nếu chết, thì đều là chết bất đắc kỳ tử, chết oan ức, nên linh hồn của họ không siêu thoát được, mà cứ luẩn quẩn ở nhân gian.

Các pháp sư cao tay là những người giỏi dùng thuật để sai khiến các oan hồn, bắt oan hồn làm nô lệ, tay sai cho họ. Oan hồn bị sét đánh cứ quẩn quanh ở bộ xương, nên các pháp sư dùng bộ xương bị sét đánh đó để giam hãm các oan hồn, và sai khiến oan hồn làm việc cho họ những khi họ cần.

[mecloud]KozYb0EI7s[/mecloud]

Người ta đồn rằng, năng lượng từ bộ xương bị sét đánh, cộng với khả năng thần thông của "oan hồn" người chết, có thể làm được những việc nhỏ như chữa bệnh, truyền năng lượng cho người yếu, đến "bắt ma" cho các bệnh nhân tâm thần, thậm chí là làm cho người khác phát điên, hoặc chết bất đắc kỳ tử.

Thế nên, pháp sư nào sở hữu một bộ xương bị sét đánh, thì chẳng khác gì sở hữu một kho báu, hay một lưỡi tầm sét, không chỉ nâng cao vị thế, uy tín trong giới pháp sư, mà còn có thể kiếm tiền như nước. Vì lẽ đó, giới pháp sư sẽ bỏ ra rất nhiều tiền để sưu tập cho được những bộ xương bị sét đánh. Càng sở hữu được nhiều bộ xương, sai khiến được nhiều "oan hồn", thì năng lực của họ càng mạnh.

Hồi tìm hiểu về thuật Thiên Linh Cái ở vùng Thất Sơn, tôi còn nghe kể rằng, các pháp sư ở núi Tà Lơn, bên Campuchia, đều sở hữu những mảnh xương người bị sét đánh.

Khi có bộ xương tích điện thiên lôi, họ mang trong người, thì có khả năng biến hình (thoắt ẩn thoắt hiện như Tôn Ngộ Không), khinh công (lướt đi như gió), đặc biệt là thân thể sẽ thành mình đồng da sắt, đạn bắn không thủng, cung nỏ bắn vào chỉ bật ra (?!).

Ở Điện Biên, trong những ngày tìm hiểu về vụ đào mồ cuốc mả kinh dị này, thì tôi được nghe mấy bợm nhậu kháo nhau chuyện dùng xương người bị sét đánh để… nấu cao.

Vùng Sơn La, Điện Biên vốn nhiều hổ, lại giáp nước Lào, là thủ phủ của hổ, hiện chúa sơn lâm vẫn hàng ngày từ Lào tuồn về hai tỉnh này để chui vào nồi cao, nên chuyện đồn đại quanh nồi cao cũng lắm ly kỳ.

Giới mê cao hổ đồn rằng, bộ xương hổ mà thiếu xương bánh chè, thì nồi cao bỏ đi. Dù chẳng có căn cứ khoa học nào, nhưng người ta cứ đồn vậy, và khi bộ xương hổ bày ra, người ta quan tâm đầu tiên đến mẩu xương bánh chè nhỏ xíu.

Tuy nhiên, không chỉ có thế, ở Điện Biên và Sơn La, giới sành cao hổ thường rỉ tai nhau rằng, nếu kiếm được một mẩu xương người bị sét đánh, thả vào nồi cao hổ, thì nồi cao hổ ấy giá trị không khác gì vàng.

Nồi cao hổ có mẩu xương người bị sét đánh, sẽ tăng năng lượng cho nồi cao, khiến những người đau nhức xương cốt ăn vào khỏi bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ của những kẻ nấu cao, nhằm thêm phần huyễn hoặc cho những nồi cao hổ của chúng.

Cũng chính vì những lời đồn thổi vô căn cứ về tà thuật của xương người bị sét đánh, mà ở ba nước Đông Dương và Thái Lan, hễ có người bị sét đánh, là người thân đào sâu chôn chặt, rồi đổ bê tông phủ kín quan tài, để bọn trộm không đào phá được mộ. Nhiều gia đình còn cẩn thận kéo điện ra mộ trông ngày, trông đêm.

Thậm chí, có gia đình chôn luôn người thân trong vườn nhà, để tiện bề trông nom trước sự thèm thuồng của bọn trộm. Thế nhưng, ở Điện Biên, cô y tá chết thảm do sét đánh, không có người thân bên cạnh, lại chôn ở nghĩa địa hoang vắng, thì chẳng khác gì làm mồi cho bọn trộm.

Diện kiến người đào mộ

Dò hỏi loanh quanh mãi, rồi tôi cũng tìm thấy nghĩa địa Noong Bua, nằm ở rìa TP. Điện Biên Phủ. Nghĩa địa nằm sau khu dân cư, trên một quả đồi rậm rịt cây cỏ. Những ngôi mộ lúp xúp, xanh đỏ lẫn trong đám cỏ dại, cây cối.

Nhiều ngôi mộ xây to, nhưng không có sự chăm sóc của con người, nên dây leo quây kín. Một cảm giác lành lạnh, rờn rợn khi bước chân vào nghĩa địa này, dù nó chỉ nằm ngay sau khi dân cư.

Dường như, nơi đây, người sống ít chăm bẵm cho người chết, nên mồ mả đều hoang lạnh. Gió thổi vào những bụi bương, khiến thân bương chạm vào nhau phát ra tiếng kêu "cót két" rợn cả người.

Đang lang thang ở rìa nghĩa địa, thì một người đàn ông trung tuổi đi tới. Tôi kéo lại hỏi về vụ áo đào trộm mộ cô gái bị sét đánh, thì ông dắt tôi đến một doi đất như cái hủm bên một bụi bương khổng lồ và bảo rằng, đó chính là nơi chôn cất cô Vũ Thị L, cô gái xấu số bị sét đánh chết, rồi bị nhóm người liều mạng đào mồ trộm xương.

Đường vào nghĩa địa Noong Bua.

Người dân quanh vùng đều biết đến chuyện đó, vì nó quá nổi tiếng, quá ầm ĩ suốt một thời gian dài. Kể lể một hồi, rồi ông chỉ tôi đến nhà ông Đoàn Văn Diệp, ở phường Noong Bua, cách nghĩa địa chừng 500 mét. Theo người đàn ông này, thì ông Diệp chính là người quật mồ trộm xương cô gái bị sét đánh. Ông dặn đi dặn lại tôi rằng, không được tiết lộ ông là người chỉ đường đến nhà ông Diệp.

Hỏi han lòng vòng, thì tôi cũng tìm được nhà ông Đoàn Văn Diệp trên một quả đồi nhỏ đông dân cư nhưng cây cối rậm rạp, tối tăm. Đại gia đình nhà ông Diệp tụ tập sống trong mấy ngôi nhà tềnh toàng, lúp xúp bằng gỗ, đã lên màu đen bóng. Chiếc cổng sắt thấp tè, hoen rỉ như thể cho có nửa đóng nửa mở.

Thấy tôi, người phụ nữ béo lùn, khuôn mặt không thiện cảm lắm, cứ chằm chằm nhìn tôi, rồi tiến lại hỏi tìm ai.

Khi tôi giới thiệu là nhà báo, thì bà tỏ ra khó chịu, tìm mọi cách xua đuổi. Miệng bà cứ vừa xua đuổi, nhưng lại tiên tục kể lể, kêu than: "Tôi sợ lắm rồi, tha cho tôi đi. Vì chuyện của ông ấy, mà gia đình tôi khốn khổ, tôi cũng khốn khổ. Tôi chỉ muốn mọi thứ được ngủ yên thôi, mà nào có được yên đâu. Cứ thi thoảng cô ấy (cô L. - người bị ông Diệp quật mộ) lại hiện về dọa nạt, khiến tôi hú vía".

Nghe vợ ông Diệp nói vài câu, cũng đủ biết người đàn bà này mê tín dị đoan, tin vào những chuyện tâm linh huyễn hoặc. Bà kể liên tục những chuyện không đầu không cuối về ma quỷ ám gia đình bà suốt 30 năm qua.

Sau khi kể chán chê chuyện ma mị liên quan đến gia đình bà, thì bà mới thở dài bảo: "Ông nhà tôi cũng chỉ là phận làm thuê, chuyên nghề bốc mộ, chứ có định trộm xương cốt ai đâu, mà phải gánh chịu điều tiếng ghê thế chứ? Người ta đồn ông nhà tôi được nhiều vàng bạc, đô la lắm, nên mới đi trộm mộ…".

Nắm được chuyện người phụ nữ này than thở, tôi liền bảo: "Chính vì không ai hiểu rõ, nên người ta cứ đồn thổi này nọ. Bác cứ để ông Diệp chia sẻ rõ ràng, để mọi người hiểu chuyện, thì người ta cũng thôi đồn thổi, mà bác Diệp cũng được nhẹ lòng". Nghe tôi nói vậy, người đàn bà này mới giãn khuôn mặt cau có và cho tôi số điện thoại để gọi ông Diệp.

Ông Đoàn Văn Diệp.

Tôi giới thiệu là nhà báo, không ngờ ông Đoàn Văn Diệp lại vồn vã, hứng khởi đến vậy. Chỉ loáng cái, ông đã có mặt ở nhà.

Ngày nào cũng vậy, cứ sáng bảnh mắt, ông Diệp đã dậy, dắt ông chú, là chồng của dì ruột vợ ông, đi dạo khắp phường Noong Bua. Bữa trưa, ông tranh thủ dắt chú về ăn trưa, rồi lại dắt nhau đi đến tối. Ông chú này đã 92 tuổi, rất khỏe, ăn tốt, ngủ tốt, nhưng lại bị bệnh teo não do chứng bệnh alzheimer, không nhớ được gì, phóng uế bừa bãi. Bà vợ cũng bị tai biến nằm liệt. Con cái đều là cán bộ, bận mải công tác, mà ông Diệp thì rỗi rãi, nên nhận chăm sóc chú.

Ông Diệp bảo: "Đời tôi đã phạm sai lầm lớn, là tham gia quật mồ trộm mả của cô gái trẻ đáng thương. Phần cuối đời, tôi phải làm nhiều việc tốt, bất kể cho ai, để mong thanh thản anh ạ. Vợ tôi thì sợ nhà báo, nhà văn, chứ tôi thì không ngại gì mà chia sẻ. Tôi cũng chỉ là nạn nhân trong vụ đó mà thôi, chứ nếu tôi là chủ trò, thì giờ làm gì mà còn sống ngồi đây kể chuyện cho anh nữa. Tất cả những người tham gia đào mộ, đều bị ám cả, đã chết hết rồi. Tôi bị cháy hết nhà cửa, nhưng mạng sống vẫn còn. Tôi sẽ kể với anh toàn bộ chuyện này, không giấu điều gì sất".

Câu chuyện của nhóm trộm mộ cô gái xấu số bị sét đánh, trong đêm tối giữa nghĩa địa hoang vắng không một bóng người, được ông Đoàn Văn Diệp kể lại, dù đã trôi qua gần 30 năm, nhưng vẫn khiến người nghe rùng mình sợ hãi.

Còn tiếp…

Theo VTC News

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]W0N2AjpAE1[/mecloud]