Dòng sự kiện:

Hàn Quốc: Ông bà đi học cách chăm cháu chuẩn thế kỷ 21

18:13 07/09/2015
"Việc chăm sóc một đứa trẻ bây giờ rất khác so với thời xưa tôi làm mẹ" – cô Kim Jae Sook, 58 tuổi, cho biết.
Một nhóm phụ nữ cao tuổi đang bế búp bê tại Trung tâm chăm sóc thai sản Songpa ở Seoul, Hàn Quốc. Họ chăm chú quan sát giáo viên dạy cách tắm, quấn tã cho bé sơ sinh. Tuy nhiên đây không phải là những bà mẹ mới sinh con. Họ là những người bà đang đi học cách chăm sóc cháu thế kỷ 21.

"Việc chăm sóc một đứa trẻ bây giờ rất khác so với thời xưa tôi làm mẹ" - cô Kim Jae Sook, 58 tuổi, một thành viên lớp học nói.

Trong bối cảnh tỷ lệ dân số già tăng, tỷ lệ sinh giảm, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích phụ nữ đi làm trở lại và mở nhiều dịch vụ trông giữ trẻ miễn phí. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi các con bị lạm dụng ngày càng tăng, khiến các bà mẹ trẻ phải nhờ cậy ông bà nội ngoại chăm cháu. Và lớp học chăm cháu dành cho ông bà đang là một xu hướng đang nổi lên ở Hàn Quốc.

Một nhóm các bà học cách tắm cho trẻ sơ sinh trong một lớp học chăm sóc em bé được tiến hành tại Trung tâm Chăm sóc Songpa thai sản ở Seoul. Ảnh: straitstimes

Một số người có thể cho rằng, ông bà đã có kinh nghiệm làm cha mẹ thì trông cháu sẽ ổn. Tuy nhiên, những thách thức trong thời đại CNTT ngày nay đòi hỏi việc trông trẻ cũng cần kỹ năng và kiến thức. Tại các lớp học chăm sóc trẻ em, ông bà được dạy cách xoa bóp để em bé phát triển đều, những loại nhạc nên cho trẻ nghe để não bộ phát triển,…

Ngoài ra, giáo viên còn dạy cho ông bà cách giải quyết xung đột với bố mẹ bé, cách cho cháu uống sữa và các bậc dinh dưỡng.

Bà Hwang Soon Ja, 72 tuổi, người đang chăm một cháu trai 5 tuổi và cô cháu gái 21 tháng tuổi tham dự một lớp học hướng dẫn cách chuẩn bị thức ăn bổ dưỡng cho cháu, cho biết lớp học chăm trẻ là một ý tưởng rất hay.

Bà đã áp dụng những gì được học để chăm cháu - những kiến thức như làm thế nào để tắm và quấn em bé, xoa bóp, những đồ chơi nào phù hợp với từng giai đoạn phát triển và dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. "Các bài học rất hữu ích. Họ hướng dẫn bằng hình vẽ nên chúng tôi có thể nhớ những gì để làm," bà nói.

Trong khi con trai và con dâu đang bận rộn trong công việc, bà Hwang sẽ nấu ăn cho trẻ em, đọc sách cho các cháu nghe và cho chúng ngủ.

"Trước đây tôi đã làm việc quá bận rộn và không có thời gian để chăm sóc con trai. Vì vậy bây giờ tôi dành tình yêu cho các cháu của tôi, bà nói.

Bà Hwang Soon Ja cùng hai đứa cháu. Ảnh: straitstimes

Khi chăm cháu, bà đã phải cắt giảm các hoạt động xã hội như lớp âm nhạc, vũ đạo. Tuy nhiên bà thấy mình hạnh phúc vì cô cháu gái luôn mang lại cho bà niềm vui to lớn. “Hai đứa muốn thuê người trông trẻ nhưng tôi nghĩ tôi có thể làm được. Tôi phải nghỉ các lớp học nhạc, học nhảy nhưng không sao cả, tôi rất vui vì được chăm sóc cháu gái.” – bà Hwang nói.

Tại các khu dân cư đời sống cao, ông bà sẵn sàng chung tiền thuê giáo viên về hướng dẫn riêng. Chi phí có thể từ 300.000 – 800.000 won/ tháng.

Ngoài ra, các Trung tâm chăm sóc trẻ em cũng mở lớp cho ông bà đến học miễn phí. Tại trung tâm Songpa, đã có 900 người tham gia 33 lớp học từ tháng 3/2014 đến nay, trong đó có khoảng 10% là các ông.

Với những ông bà không có điều kiện đi học, họ vẫn sẽ chăm sóc cháu theo kinh nghiệm từ trước đến nay.

Theo nghiên cứu mới đây, việc chăm sóc trẻ em có ảnh hưởng tích cực đến tinh thần của các ông bà. “Việc chăm sóc trẻ em mang lại môi trường tương tác và luôn phải tư duy để dạy dỗ, chơi với trẻ", Giáo sư Jun Hey Jung thuộc khoa nghiên cứu Gia đình và Trẻ em, Đại học Yonsei nói.

Anh Tuấn(Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

>> Video đang được quan tâm: 

[mecloud]yLELTome6D[/mecloud]