Dòng sự kiện:

Hàng loạt trẻ em bị kiến ba khoang tấn công, xử lý thế nào?

03:31 01/12/2015
Nhiều trẻ em ở chung cư Hà Nội bị kiến ba khoang đốt ở những vùng hở như: cổ, mặt, tay, chân… khiến phồng rộp da rất khó chịu.

Nhiều ngày nay, một số khu chung cư ở Hà Nội xuất hiện kiến ba khoang tấn công, nhất là vào buổi tối khi có ánh sáng của đèn điện.

Anh Nguyễn Văn Tân ở nhà E3A - khu đô thị Ecohome 1 (Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, khoảng gần một tháng nay, nhà anh liên tiếp xuất hiện kiến ba khoang. Nhất là vào thời điểm buổi tối khi bật điện nhưng quên không đóng cửa sổ thì hàng có tới hàng chục con kiến ba khoang bay vào nhà.

Kiến ba khoang tấn công các khu chung cư ở Hà Nội.

Chị Nhung ở cùng khu này cũng cho biết, con gái chị đang học bài nhưng một lát lại í ới kêu có kiến ba khoang bay vào, chị lại nhẹ nhàng lấy giấy lót tay mới dám xử lý đám kiến nguy hiểm này.

Nhiều hàng xóm nhà anh Tân, chị Nhung cũng bị kiến ba khoang tấn công, nhiều em bé sáng ngủ dậy bị kiến ba khoang đốt phồng rộp hết cả cổ.

Chia sẻ với PV, chị Hải Yến cho biết, có một đêm ngủ quên không đóng cửa mà 2 đứa con của chị đều bị kiến đốt gây phồng rộp khắp cổ khiến bé rất khó chịu nên quấy khóc. Lúc đầu chị tưởng con chị bị zona nhưng đi khám bác sĩ nói vết rộp, loét trên là do dịch của kiến ba khoang gây nên.

Trẻ em rất dễ bị kiến ba khoang tấn công gây tổn thương da. Ảnh: Minh Sang

Trên nhiều diễn đàn khu chung cư ở Hà Nội, nhiều hộ gia đình mách nhau lắp lưới chống côn trùng hoặc phun thuốc để hạn chế việc kiến ba khoang tấn công.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong những năm gần đây kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Đặc biệt từ tháng 9 đến 10/2015 nhiều vụ kiến ba khoang xâm nhập nơi ở của người dân gây tâm lý hoang mang.

Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1cm, ngang 2 - 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh; về màu sắc, đôi khi có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra). Một đôi cánh trong suốt gấp gọn bên dưới cánh cứng. Đầu nhỏ có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Có một cái đầu đen, sau bụng và elytra (cấu trúc này bao gồm các cánh và 3 phân đoạn bụng đầu tiên), và một phần ngực màu đỏ và phía trước bụng trong một xen kẽ màu đen - đỏ - đen - đỏ - đen, tương ứng với đầu - ngực – elytra - trước bụng - sau bụng.

Phòng chống kiến ba khoang

Để phòng chống kiến ba khoang đốt người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

+ Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào.

+ Nên ngủ trong màn.

+ Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Xử lý kiến ba khoang

Để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện ở khu dân cư, bà con nên liên hệ ngay với đơn vị y tế chuyên trách (các Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, các Trung tâm YTDP huyện/thị...) để hướng dẫn và phối hợp xử lý.

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles). Thực ra nó không phải là con kiến nhưng vì hình dạng giống như kiến nên gọi là kiến ba khoang, ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,... , thuộc giống Paederus (có 622 loài), họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ cánh cứng. 

Minh Sang

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]um6LLgNtuZ[/mecloud]