Dòng sự kiện:

Hàng nghìn trẻ em phải nhập viện mỗi ngày do thời tiết giao mùa

17:21 14/09/2016
Mỗi ngày có tới hàng nghìn trẻ em phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virus và sốt xuất huyết... do thời tiết giao mùa.

Sau 3 tháng hè nóng bức, tuần qua miền Bắc đã chuyển sang tiết trời Thu mát mẻ. Tuy nhiên, vào mỗi thời điểm thời tiết giao mùa như dịp này, số trẻ em bị ốm phải nhập viện lại tăng vọt. 

Đài tiếng nói Việt Nam dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã có gần 30.000 lượt bệnh nhi đến khám, tức là trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhi. Không chỉ số lượng bệnh nhi tăng nhiều so với trước giai đoạn chuyển mùa mà còn tăng so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virus và sốt xuất huyết…

Trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM, BS. Phan Thị Ngọc Lan - khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương, năm nào cũng vậy, tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp và tiêu chảy ở trẻ.


Vào mỗi thời điểm thời tiết giao mùa như dịp này, số trẻ em bị ốm phải nhập viện lại tăng vọt. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Nguyên nhân do thời tiết đang chuyển sang thu, ngày nắng nóng, sáng và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng. Thậm chí, có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.

BS Lan cho biết năm nay không có bệnh gì bất thường ở trẻ. Do thời tiết thay đổi nên cơ địa trẻ còn yếu, không thích nghi được nên dễ mắc những bệnh thông thường như viêm hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết...

Theo BS Lan, điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh cho trẻ là các mẹ phải tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Thứ hai là giữ vệ sinh cho trẻ, làm sao để không khí trong phòng ở được lưu thông; trẻ được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ..

Ngoài ra, dinh dưỡng cũng là một kênh quan trọng trong việc chăm sóc các bé. Trong thời tiết giao mùa, các mẹ nên cho trẻ ăn những đồ ăn giàu vitamin C, giàu kẽm, đủ dinh dưỡng để các bé có đủ sức khỏe, tự bản thân các cháu có thể chống lại được bệnh tật.

Riêng về việc tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ, Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ trên báo Công an Nhân dân, nhiều người thấy con sốt, ho, chảy mũi là tự hỏi bạn bè hoặc tự đi mua kháng sinh cho con uống. 

Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng. Ảnh: Công an Nhân dân

Việc mua và sử dụng kháng sinh dễ dàng, không cần có đơn của bác sĩ là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có. Ở Việt Nam, gần đây đã có một số loại vi khuẩn kháng thuốc. Tại Mỹ cũng đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng sinh vào tháng 5-2016. Hơn thế, việc dùng kháng sinh bừa bãi còn có thể dẫn tới các tác dụng phụ mà chỉ có thể phát hiện sau nhiều năm dùng thuốc. 

Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải cho rằng, chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm vi khuẩn và phải theo nguyên tắc đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn. Cơ thể trẻ còn non nớt, chức năng gan, thận còn chưa hoàn thiện, trong khi các thuốc sử dụng đều thải qua gan, thận, nên dùng nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng các cơ quan này.

Để chữa bệnh cho trẻ an toàn, tránh các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam