Dòng sự kiện:

Hạt giống tâm hồn: Hãy cho đi yêu thương!

22:38 05/11/2015
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để gió cuốn đi…” - Trịnh Công Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

Cô bé sinh ra sau chiến tranh và có một phần tuổi thơ trải qua thời bao cấp. Những năm tháng khó khăn chung ấy, mỗi khi mất mùa, người dân nông thôn lại tràn về thủ đô để xin ăn. Người Hà Nội dù chẳng dư dả gì vẫn sẵn lòng “lá lành đùm lá rách”.

Hễ có người ăn xin gõ cửa, nếu là người già hay trẻ nhỏ, bà của cô bé luôn ân cần mời vào nhà nghỉ chân. Bà rót nước mời “khách” uống rồi xuống bếp đong lon gạo lên cho. Bà cũng niềm nở hỏi chuyện và lặng nghe họ  kể lể nỗi niềm.

Cô bé nhớ là  hồi đó, ai cũng tốt với người ăn xin y như bà vậy. Nếu nhà chẳng còn tiền hoặc còn ít gạo quá thì xới bát cơm, gắp mấy miếng thức ăn mang ra cho. Riêng bà của cô bé thì hay mở cửa mời người ăn xin vào ăn chung cùng cả nhà.

Đã quen với cách đối xử ấy, sau khi bà về quê, mỗi khi có người ăn xin gõ cửa, cô bé cũng luôn vui vẻ và thân thiện “tiếp đón”.  

Thế rồi một hôm, có một bà lão nhà quê đến xin ăn. Trông bà già yếu, mệt mỏi và ăn mặc rách rưới. Nhà chẳng còn gạo, cô bé bèn lấy gói xôi mẹ chuẩn bị để mình ăn sáng mang ra cho bà lão. Cũng giống như bà mình trước đây, em niềm nở trò chuyện với bà cụ ăn xin và nghe  bà kể về gia cảnh nghèo khó, rồi chuyện gói xôi sẽ được xẻ làm đôi, một nửa bà ăn cầm hơi, một nửa mang về cho thằng cu cháu đang nhịn đói.

Cô bé thương bà cụ ăn xin lắm. Và thế là từ đó, sáng nào, em cũng ngóng bà ghé qua, chỉ để cho hai bà cháu một thứ gì đấy. Bà lão có lẽ đã quen chân, mỗi ngày, lại đến nhà cô bé, nhận gói xôi, cái bánh mì, vắt cơm nắm… từ bàn tay nhỏ xíu, và luôn đứng lại nói dăm ba câu chuyện rồi mới đi. Tất nhiên là ngoài nhà cô bé, bà còn đi “xin ăn” một vòng quanh các nhà khác. Nhưng chắc chắn một điều, ở khu tập thể cũ kỹ này, không có ai ngoài cô bé ngóng bà đến mỗi ngày.

Vì lấy phần ăn sáng của mình đem cho  nên cô bé giữ kín câu chuyện về bà lão ăn xin, không dám kể với bố mẹ. Lâu dần, cô bé mất luôn thói quen ăn sáng. Nhưng em vui lắm vì giúp được bà lão và “thằng cu cháu nhịn đói ở nhà” của bà. 

Cứ thế cho đến mấy năm sau, bỗng dưng một ngày, cô bé không thấy bà lão ăn xin ghé nhà. Ngày hôm sau và hôm sau nữa cũng vậy, bà lão không bao giờ trở lại nữa.  

Rất nhiều năm đã trôi qua, cô bé trở thành thiếu nữ, rồi thành một người phụ nữ trưởng thành. Đôi lúc, chị vẫn nhớ đến bà cụ ăn xin năm nào, một trong những bí mật tuổi thơ của mình.

Có lần, chị cũng tự hỏi: Liệu ngày đó mình có “ngốc” quá không? Liệu có bao giờ mình bị bà lão “lừa” không? Có thể lắm chứ. Vì chẳng có một người ăn xin nào lại hành động giống như bà cụ ấy, ròng rã mấy năm trời, ngày nào cũng lấy phần ăn sáng của một đứa trẻ.

Nhưng rồi, thắc mắc vụt tan biến. Năm xưa, bà lão ăn xin có lừa chị hay không cũng không quan trọng. Vì chị luôn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ về cái thời sáng sáng ôm gói xôi trong đôi tay nhỏ xíu ngóng bà cụ đến nhà. Đó là kỷ niệm đẹp về một thời sẵn sàng “cho đi” mà không hoài nghi, không đòi hỏi phải được nhận lại, điều mà hiện tại có khi chị không làm được. Và biết đâu, ngày ấy, quả thực đã có một cậu bé được no lòng nhờ những gói xôi bà mang về…

SÔNG THAO

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm:

[mecloud]RqaSut853Y[/mecloud]