Dòng sự kiện:

"Hiến kế" cách xử lý khi con khóc thét trong siêu thị, quán ăn

19:00 01/08/2015
Tuần qua, hai câu chuyện về em bé quấy khóc trong bữa sáng ở quán ăn và em bé bỗng nhiên khóc thét trong siêu thị làm xôn xao cộng đồng mạng trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

  • Vì sao chỉ nên sắm điện thoại “cục gạch”cho con?
  • Phải làm gì khi bé nói “Con ghét mẹ”
  • Tuyệt chiêu dạy con của ông bố hài hước nhất Bố ơi, mình đi đâu thế?
Đây có lẽ là tình huống mà bất cứ người làm cha mẹ nào cũng từng phải trải qua, cùng đọc và rút kinh nghiệm để có cách xử lý phù hợp cho riêng mình nhé.

1. Chuyện xảy ra ở quán ăn bình dân Marcy’s Diner thuộc bang Maine vào một buổi sáng trời mưa trong chuyến du lịch của cả gia đình chị Tara Carson. Khi chị Tara (một nhà quản lý maketing ở NewYork) cùng chồng và 2 con tới quán để ăn sáng, chị được thông báo là sẽ phải đợi khoảng 30 phút mới có bàn. Dù không được lý tưởng cho lắm nhưng nghĩ rằng một buổi sáng cuối tuần ở thị trấn du lịch này thì quán ăn nào cũng thế thôi, gia đình chị quyết định ngồi đợi.

Cuối cùng thì cũng có bàn trống và chị gọi bánh kếp cho 2 con gái. Lúc này, con gái thứ hai của chị mới 21 tháng tuổi bắt đầu tỏ ra khó chịu. Chị Tara cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do phải ngồi một chỗ và chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị vẫn quyết định ở lại quán, còn hơn là ra khỏi đó khi trời đang mưa. Trong quán ăn ồn ào, chị không thấy bất cứ ai nhìn gia đình chị và tỏ ra khó chịu khi bé Keira khóc - chị nói.

40 phút sau, bánh kếp mới được phục vụ. Lúc này, cô bé nhặng xị lên và hai vợ chồng chị quyết định ăn nhanh chóng để rời khỏi quán.

Đúng lúc đó, Darla Neugebauer - chủ quán - đi ra, “ném hộp đựng đồ ăn vào chồng tôi và hét lên “Con bé hoặc anh chị phải rời khỏi đây”.

Hai vợ chồng chị Tara chưa nhìn thấy chủ quán trước đó và không hề biết Neugebauer là ai. Mặc dù cảm thấy Neugebauer có phần không chuyên nghiệp nhưng hai vợ chồng không nghĩ là cô nói nghiêm túc.

Tara tiếp tục cho con ăn bánh sau khi đã phải chờ đợi tới 40 phút. Vài phút sau, Neugebauer đi ra, đập tay xuống bàn thu ngân, chỉ tay vào mặt bé Keira, hét lên: “Ngậm miệng lại”.

“Chồng tôi đáp: “Cô nói nghiêm túc chứ? Cô đang hét vào mặt một đứa trẻ đấy?” – Tara kể lại.

“Nghiêm túc giống như cơn đau tim mà tôi đang phải chịu đựng đây” – Neugebauer nói với đôi mắt đầy vẻ tức giận.

“Tôi sẽ không bao giờ quên được vẻ sợ hãi trên khuôn mặt con tôi” – Tara kể.

Sau đó, cô quay sang con gái và bình tĩnh nói: “Đây chính xác là cái thái độ mà mẹ muốn con không bao giờ nên có”.

Gia đình cô thanh toán bữa ăn, boa cho bồi bàn 25% và ra khỏi quán.

Sau đó, Tara có đăng tải một “status” kể câu chuyện của mình trên chính trang Facebook của quán Marcy Diner. Không dừng lại ở đó, Neugebauer đáp trả bằng một “status” khác mà Tara cho là rất thô tục khi gọi con cô là “một con thú và một đứa trẻ hư” cũng như văng ra nhiều câu chửi thề khác.

Câu chuyện bắt đầu được các trang tin lấy lại và lan truyền. Ngay lập tức, hàng nghìn người lạ lao vào đánh giá khả năng làm mẹ của Tara.

Không ít người đồng tình với quan điểm của chủ quán mặc dù hành xử của cô có phần không chuyên nghiệp.

Trong khi đó, bà mẹ Tara cho rằng việc hét vào mặt một đứa trẻ, nhất là khi người đó lại là chủ một nhà hàng, là điều không thể chấp nhận được. “Bạn nên quan tâm tới việc phục vụ khách hàng. Neugebauer cũng có thể nói với chúng tôi một cách lịch sự rằng con bé đang làm phiền mọi người, chứ không nên ném bất cứ thứ gì hay hét lên, rồi chửi thề người khác” - bà mẹ 2 con nói.

Chia sẻ trong một bài viết riêng trên tờ Washington Post, Tara tâm sự: “Tôi muốn nuôi dạy con gái biết cư xử đúng mực trên máy bay, trong nhà hàng và ở những nơi công cộng khác. Con bé là một đứa trẻ bình thường, vui vẻ, tò mò và ngoan ngoãn. Con bé có hoàn hảo không ư? Không hề. Tôi có là một bà mẹ hoàn hảo không ư? Tất nhiên là không. Nhưng tôi biết rằng những chuyện này vẫn cứ xảy ra. Con khóc và đôi khi các bà mẹ phải chịu đựng một cơn giận dữ trong quán ăn và đi ra ngoài giữa trời mưa. Là cha mẹ, đôi khi chúng tôi phải trông chờ vào lòng tốt và sự cảm thông của những người lạ - những người biết rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể.

Lòng trắc ẩn chính là điều mà tôi đang cố gắng làm gương cho con gái mình. Tôi mong là những người khác cũng thế”.

2. Trong khi đó, câu chuyện của một phụ nữ tâm sự trên một diễn đàn làm cha mẹ cũng làm xôn xao cộng đồng mạng trong nước. Chị kể: “Tôi không có tiền thuê người trông trẻ nên thường đưa con gái cùng đi siêu thị. Một lần, khi tôi đang tìm mua một chiếc quần jeans thì con bé bắt đầu đá, la hét và cong lưng phản đối. Phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt, thế nên, tôi đã để con khóc cho tới khi chọn đồ xong.

Rất nhiều ánh mắt nhìn tôi như muốn nói: “Con cô khóc kìa, sao không dỗ nó đi”; có người lại nhìn như thể tôi đang làm gì đó khó chịu khủng khiếp. Mọi người có đồng ý với cách xử sự của tôi không? Các bạn có cách khác hay hơn không?”.

Ngay khi câu chuyện được chia sẻ, rất nhiều bà mẹ đã vào bình luận, trao đổi kinh nghiệm.

Ảnh minh họa

* Tôi đồng ý với bạn việc để cho con khóc. Tôi có ba đứa con và chồng tôi rất bận rộn. Tôi phải làm nhiều việc nhà nên bọn trẻ dù muốn hay không vẫn phải đi cùng mẹ. Chúng cần học cách cư xử ngoan hơn khi phải xếp hàng hoặc chờ đợi lâu.

Bạn hãy nói với con rằng, ngay cả người lớn cũng rất mệt mỏi và cáu vì chờ đợi nhưng đó là quy tắc, văn hóa nơi công cộng; chúng ta phải tuân theo nếu muốn mua đồ. (Angela)

* Con gái tôi cũng từng như con bạn. Lúc đó, quá bối rối, tôi chỉ biết nói lời xin lỗi với người tỏ thái độ khó chịu. Tuy nhiên, tôi không thoải mái. Họ không ở trong hoàn cảnh của tôi nên không thể hiểu được. Vì vậy, tôi mỉm cười, chào và đưa con đi chỗ khác. (Emma)

* Tôi có hai đứa con. Các con tôi đều là những đứa trẻ khá nghịch và hiếu động khiến tôi từng gặp rất nhiều rắc rối. Sau đó, tôi nghĩ ra một cách. Sau khi con quấy, tôi nói với các con rằng việc gây ồn ào nơi công cộng là không đúng, các con sẽ không được đi cùng mẹ nếu còn như vậy.

Khi con tái phạm, tôi lập tức rời khỏi cửa hàng/ siêu thị và quay xe về nhà. Hãy để con bạn biết hành vi như vậy sẽ không được chấp nhận. Thêm nữa, cần cho con biết không ai thích một đứa trẻ hay la hét và khóc nhè. Bạn cũng nên lựa chọn thời điểm con mình không thường quấy khóc, tránh các giờ dùng bữa hoặc giờ ngủ của bé, để tranh thủ đưa con đi mua đồ. (Gail Miller)

* Tôi cũng gặp trường hợp như bạn. Con gái tôi khóc, đá, bỏ chạy… sau đó quay lại ôm mẹ. Tôi ôm và dỗ con nhưng bé lại tiếp tục khóc, đá. Tôi không cố dỗ dành nữa mà bình tĩnh nói: “Mẹ rất yêu con. Con có thể nín khóc bây giờ không?”. Bé vẫn không thay đổi. Tôi bình tĩnh nhắc lại lần nữa. Thật hay, bé đã nín khóc. Tôi nhận ra, đôi khi, trẻ bị căng thẳng khi ta cố nhấn mạnh hoặc làm điều gì đó hơi gay gắt. (Karen)

* Tôi đã giảng dạy về văn hóa nơi công cộng và đưa ra quy tắc để các con sẵn sàng… ngoan. Tôi không bao giờ cho phép các con khóc hay la hét khi đi siêu thị mà không bị khiển trách. Bạn không nên cho con đi mua sắm nếu không quản lý được bé. Mọi người đều là khách hàng và bận rộn, không chỉ có mình bạn ở đó. Xin lỗi vì tôi đã nói vậy. (Anna)

* Trẻ rên rỉ hoặc rơi vài giọt nước mắt thì tạm được chứ khóc thét là chuyện hoàn toàn khác. Lần sau, bạn có thể đặt chiếc quần xuống, đưa con đi ăn và giải thích cho bé hiểu không được phép giận dữ nơi công cộng. Ngày còn nhỏ, tôi đã đòi hỏi và quấy khóc khi đi cùng mẹ. Khi mẹ cố dỗ dành tôi bằng việc băng qua đường mua thứ tôi thích, bà đã qua đời vì tai nạn giao thông. Bạn có thể kể với con mình câu chuyện của tôi. (Tyz)

* Có lần, con gái bốn tuổi của tôi khóc thét, giận dỗi khi bé muốn vài thứ mà tôi không đáp ứng. Sau này, mỗi lần đi siêu thị, mẹ con tôi có giao kèo trước, rằng con sẽ mua món đồ chơi nào hoặc tôi sẽ lựa chọn cho con. Nếu không đồng ý, con sẽ ở nhà. (Victoria)

* Một cách khá đơn giản là bạn nhờ chồng đi mua cùng. Chồng trông con và bạn lựa chọn đồ. Gia đình tôi đã có những buổi mua sắm thú vị, vui vẻ và lãng mạn bên nhau. (Sian)

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]mMKVs1XGnM[/mecloud]