Dòng sự kiện:

Hiểu tâm lý, tình cảm của con tuổi dậy thì để không bị 'sốc'

15:00 22/09/2015
Hiểu được những đặc điểm tâm lý của con trong giai đoạn này, cha mẹ sẽ biết cách giáo dục trẻ và không bị sốc khi thấy con mình bỗng dưng trở nên bướng bỉnh.

Dần trưởng thành trong suy nghĩ

Ở độ tuổi từ 10-13, trẻ bắt đầu hình thành tư duy trừu tượng và dần trưởng thành trong suy nghĩ. Lúc này con bắt đầu nghĩ rằng mình không còn là trẻ con nữa nên mong muốn được cha mẹ và người khác tôn trọng mình như một “người lớn thực thụ”.

Tò mò

Ở tuổi teen, trí tò mò thôi thúc trẻ có những hành động vượt ra khỏi khuôn khổ nhằm khám phá những điều mới lạ để khẳng định mình đã lớn. Giai đoạn này trẻ cũng luôn thích khám phá tò mò về cơ quan sinh dục và các hành vi liên quan đến tính dục. Tuy nhiên nhiều trẻ dễ bốc đồng, hành động theo bản năng mà không ý thức được nguy cơ.

Quan tâm đến hình thức

Ở độ tuổi 14-16, trẻ dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến diện mạo, vóc dáng, ưu nhược điểm trên cơ thể. Các bé gái thường trở nên nhạy cảm thái quá, dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm trên cơ thể của mình và tự hỏi “sao mình không cao bằng bạn Lan?”, “mình không đẹp bằng bạn Hằng”, “sao mình béo quá”….

Nhu cầu mở rộng “quan hệ xã hội” 

Sự thay đổi về hormone và các đặc điểm sinh học của cơ thể thôi thúc trẻ quan tâm nhiều hơn đến bạn bè và nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Lúc này tính cách trẻ phát triển theo xu hướng mưu cầu sự độc lập, tự khẳng định bản thân, muốn tách khỏi kiểm soát của gia đình. 

Trẻ rất xem trọng tình bạn và thường chịu ảnh hưởng của bạn bè, dù đó là bạn tốt hay xấu.

Rung động đầu đời

Những rung động đầu đời dễ khiến trẻ nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu. Tuy nhiên dù sao lúc này con vẫn là trẻ con với những đặc điểm dễ thay đổi tình cảm kiểu sớm nắng chiều mưa.

Tố Tâm (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam