Dòng sự kiện:

Học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1: Gia đình, nhà trường nói gì?

20:06 03/10/2016
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, cho biết qua kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường ngã ngửa khi V. không làm được bài kiểm tra, kể cả tên họ viết cũng không rõ.

Liên quan đến vụ học sinh L.S.V - lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP.Sóc Trăng) không biết đọc, biết viết nên bị trả về lớp 1, ông Châu Triều Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, cho biết qua kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường ngã ngửa khi V. không làm được bài kiểm tra, kể cả tên họ viết cũng không rõ. Trong khi học hằng ngày, giáo viên phát hiện học lực V. rất kém, không làm được bài tập, không đọc, viết được. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển cho học lại từ lớp 1.

Lý giải vì sao có chuyện học sinh học hết lớp 5 mà không biết đọc, biết viết, một giáo viên Trường tiểu học Lý Đạo Thành (xin không nêu tên), nói: “Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường... Bên cạnh đó, nhiều trường có quy định nếu lớp nào có học sinh yếu thì giáo viên tự bồi dưỡng để làm sao học sinh đạt học lực trung bình trở lên. Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích”.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với báo chí, cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, hiệu trưởng trường tiểu học Lý Đạo Thành cho biết, Ban giám hiệu trường phân công cứ mỗi buổi sáng một giáo viên kèm cặp riêng cho em V. học lại bắt đầu từ chương trình lớp 1 để khắc phục, tuy nhiên em V. học được vài ngày rồi nghỉ học. Hiện Ban giám hiệu trường Lý Đạo Thành đang liên hệ gia đình em V. vận động em đến lớp lại.

Theo cô Hạnh, trường hợp em V. lỗi một phần do nhà trường quá tin tưởng giáo viên. Trong khi hằng năm để học sinh lên lớp nhà trường luôn tổ chức kiểm tra, đánh giá rất công tâm.

Ngoài trường hợp em V. thì tại TP. Sóc Trăng còn nhiều tình trạng tương tự là học sinh được lên lớp nhưng cũng không biết đọc, biết viết. Đơn cử tại trường tiểu học Lê Hồng Phong có 8 em học lớp 3 không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần. Điều oái ăm là các trường đều đạt chuẩn Quốc gia.

Tình trạng học sinh không biết đọc, biết viết được cho lên lớp đang diễn ra ở một số trường tiểu học TP. Sóc Trăng. Ảnh: Khám phá

Nói về việc học sinh ngồi "nhầm lớp", bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Sóc Trăng lý giải do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc, khả năng tiếp thu của các em còn hạn chế, ngoài ra một phần nữa do năng lực của giáo viên nên dẫn đến tình trạng học sinh lên lớp nhưng không biết đọc, biết viết.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Tiền phong, chị Tô Thị Q. Gi. - mẹ học sinh V. cho hay, chị đã rất vui khi con trai được tuyển vào lớp 6, tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì được nhà trường thông báo con chị chưa biết đọc biết viết nên được đề nghị học lại chương trình lớp 1 ở trường cũ.

Theo gia đình, trong hai năm Vũ học cuối cấp tiểu học, họ có phát hiện kiến thức của con không đạt nên yêu cầu trường cho em ở lại lớp, nhưng không được chấp nhận. "Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao", chị Gi. tâm sự.

>> 'Té ngửa' khi con học lớp 6 không biết viết tên mẹ, bị trả về lớp 1

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam