Dòng sự kiện:

Học sinh tranh cử chức chủ tịch: Khi nào thì phù hợp?

18:35 31/08/2015
"Tôi không tán thành việc cho trẻ em chức vụ khi trẻ còn đang đi học tiểu học...", T.S Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Liên quan đến dự kiến đưa chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản vào cấp tiểu học thay cho vị trí lớp trưởng gây tranh cãi trong thời gian qua, trao đổi trên báo Vietnamnet, T.S Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Tôi không tán thành việc cho trẻ em chức vụ khi trẻ còn đang đi học tiểu học. Tôi nghĩ chức vụ có lẽ chỉ nên bắt đầu từ cấp 2. Bởi vì cấp 1 chúng ta nên đạt tới một cái gọi là giáo dục công bằng. Tất cả các vị trí đều như nhau, các em đều giống nhau từ ở thành phố, nông thôn, miền núi. Điều này tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm nhưng làm chưa đến nơi. Ví dụ chúng ta đã cho các em mặc đồng phục. Cái này cũng là muốn tạo sự công bằng với tất cả các em. Việc cho các em chức vụ rõ ràng là đã không tạo ra sự công bằng. Tôi hi vọng là một thời gian sau chúng ta sẽ sửa đổi để đạt được một mức độ công bằng tốt hơn".

T.S Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo T.S Hương, trẻ em khi được tham gia một hoạt động như vậy thì chắc chắn các em sẽ tự tin hơn rất nhiều. Các em sẽ dám nói và dám làm. Ngoài ra, các em cũng rất khao khát và mong muốn làm những công việc như vậy.

"Chúng ta thấy trẻ em Việt Nam vốn rất thiếu tự tin. Đây cũng là một cách dạy cho trẻ em tự tin hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với lứa tuổi nhỏ thì chức vụ cũng sẽ mang lại nhiều hậu quả. Có lẽ chúng ta nên dời việc này đến cấp cao hơn là THCS. Còn với các em, chúng ta nên nghĩ ra hoạt động khác để gia tăng tính tự tin cho trẻ", T.S Hương băn khoăn.

Các nhóm học tập trong lớp học ở mô hình trường học mới. Ảnh: VnExpress

Bà Hương cũng cho biết, bà đã nhiều lần đề xuất lên Bộ GD-ĐT là nên đạt cấp độ công bằng ở cấp tiểu học. Nghĩa là tất cả các em đều không có chức vụ gì cả và tất cả các em đều như nhau trong mắt các thầy cô giáo.

Tuy nhiên, chúng ta còn quá đông học sinh trong một lớp và việc quản lý các em cũng không đơn giản, cho nên việc quản lý các bạn có giá trị trợ giúp các thầy cô rất nhiều. 

Mặc dù vậy, bà Hương cho biết, đây cũng là một hoạt động rất là thú vị đối với trẻ - một hoạt động rất mới. Trẻ em được phát biểu ý kiến và được đưa ra những lời hứa và trẻ chắc chắn sẽ phải thực hiện những lời hứa như vậy. Dù vậy, theo lời bà Hương, nếu như đây là một buổi tranh cử thực sự do trẻ em hoàn toàn tự chủ thì rất tốt. Nhưng nếu như có sự chỉ đạo của người lớn, ví dụ như viết kịch bản hộ các em thì chắc chắn là không hay.

Trước đó, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới, trong đó có đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Nội dung dự thảo cho biết, lớp trưởng tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tên gọi "chủ tịch hội đồng tự quản" giúp học sinh đứng ra tổ chức, bàn bạc, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh.

Học sinh làm chủ tịch, phó chủ tịch… dân chủ hơn lớp trưởng. Bởi, học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin.

“Nhiều người suy diễn chức vụ này tạo cho các em tính háo danh từ bé là không đúng. Bởi khi ở vị trí này, trước mỗi việc, các em đều phải trao đổi, bàn bạc với các bạn khác trong ban và cô giáo chủ nhiệm mới đưa ra quyết định. Ngược lại, các em cũng có sự tự tin khi được đề xuất mong muốn về học tập, vui chơi, dù là rất trẻ con với giáo viên”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay.

Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Mô hình trường học mới tại 24 trường tiểu học. Năm học 2012-2013, mô hình trường học mới đã được thực hiện ở gần 1.500 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành của cả nước. Năm học 2013-2014 số trường tham gia mô hình VNEN là hơn 1.700 trường và năm học 2014-2015, cả nước có 1.039 trường tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia mô hình VNEN là hơn 2.500.

Trước nguyện vọng của phụ huynh học sinh, Bộ Giáo dục cũng đã thực nghiệm mở rộng VNEN tại 24 trường (48 lớp) Trung học cơ sở của 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa.


Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]Z2xBNK7qcr[/mecloud]