Dòng sự kiện:

Hơn 1.200 sinh viên mắc bệnh do kiến ba khoang 'tấn công'

15:00 05/10/2015
Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP HCM Trần Thanh An cho biết hiện đã có hơn 1.200 sinh viên bị kiến “tấn công”, trong đó có khoảng 500 sinh viên bị nặng đang được điều trị.
Hai tuần trở lại đây, do thời tiết mưa kéo dài làm độ ẩm tăng cao khiến lượng kiến ba khoang tại khu vực ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của nhiều sinh viên.

Theo báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP HCM Trần Thanh An cho biết hiện đã có hơn 1.200 sinh viên bị kiến “tấn công”, trong đó có khoảng 500 sinh viên bị nặng đang được điều trị.

“Chúng tôi không thể chủ quan với số lượng hơn 500 sinh viên đang điều trị. Tính đến nay đã có khoảng 1.200 sinh viên mắc bệnh do kiến gây ra, nhiều bạn bị nhẹ bôi thuốc đã khỏi. Có thể nói đây là con số lớn so với tất cả các nơi. So với cùng thời điểm này, năm ngoái có 215 ca bệnh”, ông An cho biết.

Được biết, hiện nay, Trung tâm đưa ra phương pháp dùng đèn để nhử kiến. Đặt chậu nước phía dưới bóng đèn để hút kiến vào đó.

Chia sẻ điều này, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP HCM cho hay: “Hiện tượng kiến 3 khoang thực sự nằm ngoài ý muốn của chúng tôi. Chúng tôi xin được chia sẻ với các bạn và kêu gọi là khi dính vào kiến 3 khoang, các bạn nên nhanh chóng xuống trạm y tế. Hiện nay, chúng tôi có những phác đồ thuốc tốt nhất để điều trị. Đặc biệt, sinh viên hãy tự phòng vệ bằng nhiều cách theo hướng dẫn trên mạng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra như tờ rơi, trang web hay các video clip đã chiếu ở ký túc xá rất nhiều lần. Mong các bạn chú ý và thực hiện đúng”.

Các cán bộ y tế, quá trình điều trị các vết cắn của kiến ba khoang ngắn nhất cũng mất 5 ngày, những vùng rộng thì 10-15 ngày mới lành, gây đảo lộn lịch sinh hoạt và học tập của các em. Trong số hơn 500 sinh viên đang điều trị có 3, 4 trường hợp vùng viêm da tiếp xúc lớn.

Theo bác sĩ và kinh nghiệm của nhiều người, khi bị kiến ba khoang bò trên người thì không nên giết chết chúng mà nên thổi, gẩy bay hoặc để chúng tự bò đi. Vì nếu chà xát hoặc giết kiến ba khoang ngay trên người, nọc kiến sẽ bám vào da và gây ngứa rát, thậm chí thối thịt do nọc của chúng rất độc.

Trong trường hợp nếu bị kiến ba khoang cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.

 Nọc độc của kiến ba khoang không gây nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu gây tổn thương trên da nhưng với số lượng lớn vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng.

Lời khuyên của bác sĩ:

Đặc điểm của kiến ba khoang là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế chúng bay vào nhà.

Vào mùa sinh sản của chúng (tháng 9, 10, 11) nên hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh, có thể bật đèn ban công để thu hút côn trùng vào chỗ đó, giảm bớt mật độ bay vào nhà. Ngoài đường nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng, trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng, đỏ.

Để đạt hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt kiến 3 khoang, ngay bên dưới đèn ánh sáng mạnh để dụ kiến, nên để thêm 1 chậu nước. Do kiến 3 khoang có cánh nên khi bị rơi xuống nước, chúng sẽ bị ướt cánh và không thể bay đi chỗ khác được.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Video đang hot: [mecloud]Q7GFO7Qrnn[/mecloud]