Dòng sự kiện:

Hướng dẫn cha mẹ cách ứng xử khi con yêu sớm

21:48 03/08/2016
Khi yêu, những đứa trẻ lúc nào cũng như đang ở trên chín tầng mây và luôn cảm thấy phấn khích bởi bản thân chúng chưa từng có những cảm xúc như vậy.

Tuổi mới lớn là giai đoạn khá “đáng sợ” cho con trai hay con gái của bạn. Khi những đứa trẻ bước vào tuổi thiếu niên, chúng sẽ bắt đầu quan tâm quá mức tới vẻ bề ngoài. Con gái bắt đầu có kinh nguyệt, ngực nở dần và cao thêm từ 5-6 cm. Con trai bắt đầu mọc lông và vỡ giọng. Chúng thường sẽ có những suy nghĩ mơ mộng và hay tranh cãi. Cảm xúc có phần cực đoạn, dễ biến đổi và ngay cả những sự kiện nhỏ cũng dễ dẫn đến phản ứng thái quá ở lứa tuổi này. Con bạn sẽ có biểu hiện muốn dành thật nhiều thời gian bên bạn bè cùng trang lứa, thay vì ở bên gia đình.

Trong tất cả những biểu hiện trên đều xuất hiện trong giai đoạn tuổi mới lớn của con cái, nhưng một vấn đề vừa làm bạn hồi hộp và sợ hãi nhất lại là khi con bạn bắt đầu tìm hiểu về tình yêu đôi lứa. Chắc chắn cha mẹ nào cũng phải thừa nhận rằng điều đáng lo nhất là khi con cái bắt đầu thay đổi từ việc kết bạn với bạn cùng giới sang những sự gắn kết lãng mạn hơn với bạn bè khác giới.


Lúc con bắt đầu biết yêu cũng là lúc bố mẹ thêm chồng chất lo lắng.

Tuổi mới lớn trong tình yêu 

Patty Campos-Domingo – nhà tâm lý học và cũng là bà mẹ ba con (có hai cậu con trai tuổi 14 và 18), đã diễn tả tình yêu đôi lứa trong lứa tuổi thiếu niên: “Đó là một trải nghiệm hết sức háo hức. Khi yêu, những đứa trẻ lúc nào cũng như đang ở trên chín tầng mây và luôn cảm thấy phấn khích bởi bản thân chúng chưa từng có những cảm xúc như vậy. Chúng muốn ở cạnh người yêu mình cả 24 giờ trong ngày. Chúng sẽ tâm sự không ngừng nghỉ về người đó, đặc biệt là với bạn thân".

Trong giai đoạn tuổi mới lớn, những rung động thường bắt nguồn từ những nét thu hút về ngoại hình (“Anh chàng thật dễ thương” hay “Cô ấy có mái tóc thật tuyệt”). Chúng ta phải ghi nhớ rằng ở giai đoạn này, con cái luôn tự ý thức về ngoại hình và trở nên xinh đẹp, cuốn hút giúp chúng tự tin hơn. Nhưng khi bắt đầu yêu ai đó, chúng sẽ để ý đến những yếu tố khác nữa. Tính cách và tài năng đóng vai trò rất quan trọng (“Anh ấy hát hay quá!”, “Cô ấy chơi thể thao giỏi lắm”, “Anh ấy thật thông mình”, “Cô ấy suy nghĩ rất thấu đáo”,v.v.).


Tình yêu ở tuổi teen thường bắt đầu từ những rung động từ ngoại hình rồi mới đến những yếu tố khác.

Phải làm gì khi con bạn bắt đầu biết yêu?

Như đã đề cập, tình yêu trong giai đoạn này luôn khiến mọi thứ có màu hồng và đưa chúng lên chín tầng mây. Nhưng sự tươi đẹp không kéo dài mãi. 

- Cha mẹ thường lo rằng con họ sẽ xao lãng mọi thứ (trường học, gia đình, ăn ngủ,v.v) để dành sự quan tâm cho người yêu.

- Một số thiếu niên trở nên thu mình, ám ảnh quá mức hay trầm cảm (tệ hơn là cả ba).

- Mẫu thuẫn gia đình dễ dàng xảy ra nếu con cái có các hành vi thân mật vượt quá tiêu chuẩn của cha mẹ.

Chính vì vậy, cha mẹ cần có sự chuẩn bị cho giai đoạn này và cùng nhau nghĩ về những trường hợp có thể xảy ra. Dưới đây là một số chỉ dẫn có ích trong việc giúp con bạn cân bằng giữa tình yêu đôi lứa và những mặt khác của đời sống:

1. Lập ra những giới hạn

Tuổi thiếu niên thường bị vây quanh bởi những cảm xúc mới lạ. Chúng sẽ chẳng nhận ra việc ôm ấp và hôn hít nhau trong nhà bạn làm bạn khó chịu đến mức nào. Cũng như việc chúng có quyền riêng tư, thì bạn cũng có quyền giữ ngôi nhà yên tĩnh và quy củ. Hãy cùng con bạn thỏa thuận về những nơi mà chúng có thể ở bên nhau và nơi nào thì không. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra thường xuyên để chắc rằng không có gì đi quá giới hạn trong tình yêu của bọn trẻ. 

2. Tôn trọng con và bạn của con

Khi nói chuyện với con, hãy nói như thể con là một người lớn thực thụ. Hãy tỏ ra tôn trọng con để con tự giác có thái độ tôn trọng đối với bạn. Tránh những từ ngữ dễ khiến con cảm thấy bị xem thường và bẽ mặt. Bạn cũng đừng nên cười chê khi thấy con có những câu nói quá đỗi ngây thơ. Đừng đưa ra những nhận xét tiêu cực về người con thích. Bởi nếu không, con sẽ tự tạo ra khoảng cách với bạn. Bạn cũng nên tránh phê bình bạn bè của con một cách trực tiếp, thay vào đó hãy góp ý thật khéo léo và tinh tế.

Bố mẹ hãy ngồi xuống cùng con nói chuyện và đặt ra những giới hạn.

3. Thỏa hiệp với con về các quy tắc

“Chúng phải biết về trách nhiệm về mọi việc mình làm. Nếu chúng nghĩ những quy tắc bạn đưa ra là thiếu hợp lý, hãy giải thích thật kĩ” – theo nhà tâm lý Domingo. Những đứa trẻ trong giai đoạn này chưa có sự nhận thức đầy đủ về tính đúng sai trong các hành động của mình, cũng như chưa hiểu về các quy tắc nghiêm khắc nhưng hiệu quả. Vậy nên chúng sẽ than phiền rất nhiều. Tuy nhiên, đến lứa tuổi 16, con cái sẽ dần điều hòa được cuộc sống của bản thân và thông cảm hơn về những kì vọng của cha mẹ. Điều này cho phép chúng trân trọng và thấu hiểu điều cha mẹ cần ở con và về những phép tắc. Những đứa trẻ đã ở giai đoạn cuối của tuổi mới lớn thậm chí còn có thể dùng các kĩ năng thỏa hiệp để bàn bạc với cha mẹ về quyền riêng tư, kỉ cương và đặc quyền của mình. 

4. Nói chuyện với con về vấn đề tình dục

Bố mẹ nên cần nhớ rằng việc đảm bảo rằng con có đầy đủ kiến thức về tình dục an toàn cũng như phòng tránh mang thai là vô cùng quan trọng. Bố mẹ nên quan tâm và theo sát con để chắc chắn rằng con vẫn an toàn, nhưng đồng thời cũng không nên xâm phạm quá nhiều đến sự riêng tư của con.

Mặc dù có thể hơi xấu hổ nhưng hãy đảm bảo rằng con bạn có nhận thức đầy đủ về những vấn đề tình dục.

Jean Robb, một bác sĩ tâm lý, cũng là một ông bố tâm sự: “Tôi đã giải quyết vấn đề tế nhị này với hai cậu con trai bằng cách mua bao cao su cho chúng. Tôi không muốn biết là con đã quan hệ hay chưa, cũng không muốn con nghĩ là mình đang khuyến khích chúng làm việc đó. Nhưng tôi không muốn con cảm thấy xấu hổ khi tự mua cho bản thân nên quyết định làm liều. Chúng rất xấu hổ và tôi cũng thế, nhưng thà xấu hổ một tí còn hơn là mang thai ngoài ý muốn hay những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.”

5. Dành thời gian cho bản thân

Như là một phần của việc đấu tranh dành nhiều tự do hơn khi yêu, những cô cậu tuổi teen sẽ thường cố chấp và có những lời nói hoặc hành động làm tổn thương bố mẹ. “Khi việc đó xảy ra, bạn phải tự nói với bản thân: “Mình đã cố gắng hết sức có thể với vai trò là một người bố/mẹ và bây giờ mình sẽ chăm lo hơn cho bản thân. Mình sẽ luôn đưa ra những lời khuyên tốt nhất, nhưng mình cũng quan trọng chứ”, Jean Robb nói.

Khi con bạn làm bạn phiền lòng hay thất vọng, thì đó không phải lúc để cãi nhau với con. Đó là lúc bạn nên làm cái gì mình muốn, để tự nhắc nhở tầm quan trọng của bản thân.

Theo PNO