Dòng sự kiện:

Huyền thoại “sống” – Má Mười Riều đã ra đi

18:10 27/07/2015
Sau nhiều năm lâm trọng bệnh, ngày 24/7, “Bà má huyền thoại” - người đã ủng hộ 23 cây vàng cho cách mạng - má Mười Riều đã ra đi, hưởng thọ 95 tuổi.

 

 

 

Bà má huyền thoại - Má Mười Riều trong một lần trò chuyện cùng báo chí

Được gọi bằng nhiều cái tên” “Bà má huyền thoại”, “Người bán gia tài đóng tàu không số”…, nhưng má Nguyễn Thị Mười (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) gắn bó hơn cả với cái tên Mười Riều, bí danh trong suốt thời gian hoạt động cách mạng. Đây cũng là cái tên bà có từ khi lấy chồng, liệt sĩ Lê Văn Riều (hi sinh năm 1970 – PV).

Câu chuyện “đi kháng chiến” của má Mười Riều chẳng giống ai. ““Ông ấy hoạt động cách mạng từ đầu những năm 1950. Lúc đầu, ổng giấu không cho tui biết, chỉ nói là đi mần ăn. Sau rồi tôi hỏi riết, ông ấy mới khai thật đi làm cách mạng. Tôi đòi đi theo, ông không cho vì sợ sức tôi không kham nổi. Tôi quả quyết “khó khăn mấy cũng theo được”. Thế là ông ấy cho theo”, má Mười kể. Hai vợ chồng cùng tham gia đơn vị 555, sau đổi tên là đoàn 1.500. Nhiệm vụ chính của đoàn là “tiếp quản”  bến Lộc An (nay thuộc xã Lộc An, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa, Vũng Tàu), đưa người ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí.

Năm 1961, đơn vị 555 phụ trách việc  mua sắm phương tiện, ghe thuyền. Trên đường về căn cứ, không may đoàn bị phục kích, toàn bộ số tiền mua thuyền bị mất. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, má Mười Riều lẳng lặng về nhà lấy 10 cây vàng tích cóp được đưa cho ông Dương Quang Đông (còn gọi là anh Năm), cán bộ phụ trách tổ chức bến Lộc An. Số tiền vừa đủ để mua thuyền, dầu máy và lương thực, lưới chài ngụy trang.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ, má Mười Riều đã bán cả gia sản gồm 23 cây vàng và đôi hoa tai vốn là “của hồi môn”, đem hết số tiền  mua gỗ đóng tàu cho con trai mình là Lê Hà (một trong những thuyền trưởng của đoàn tàu không số) và năm chiến sĩ ở đơn vị 555 vượt biển ra Bắc chở vũ khí đạn dược vào cho chiến dịch Bình Giã.

Năm 1970, sau khi chồng hi sinh, má Mười vào hoạt động ở chiến khu Đ, làm nhiệm vụ tại đoàn Hậu cần 84. Khi đoàn Hậu cần 84 lên kế hoạch cài người vào nhà Trưởng ty Cảnh sát (tên thường gọi là Sáu Chống) ở khu vực Bà Chiều (Sài Gòn), lãnh đạo Đoàn đã gặp riêng má Mười để “đặt vấn đề” vì đây là nhiệm vụ vừa quan trọng vừa nguy hiểm, cần người vừa trung thành, can đảm, vừa khéo léo, nhanh trí.

Má Mười đồng ý không chút đắn đo. Gửi con trai thứ hai cho đồng đội, má phải “tân trang” toàn diện  để che mắt địch, thậm chí phải nhổ hết hai hàm răng thật để lắp răng giả. Má được chuẩn bị hai bộ răng để thay đổi khi cần thiết: Một bộ răng vàng, một bộ răng xương. Tổ chức đưa má vào làm ở nhà Sáu Chống với “thân phận” là người bà con đến giúp việc.

Sau một thời gian, nhờ “chịu thương chịu khó”, má đã chiếm được lòng tin của Sáu Chống và đám lính trong nhà. Nhờ vậy, má đã chuyển được nhiều tin tức quan trọng về cho chiến khu, giữ được an toàn cho các chuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm. Má hoạt động nội gián “siêu” đến độ khi Sáu Chống bị cảnh sát ngụy bắt do “nghi ngờ có dính líu đến Việt cộng”, Sáu Chống khai toàn bộ số người làm việc cùng nhưng không khai ra má.

Cuộc đời má Mười Riều đầy những tình tiết “khó tin”. Chính vì vậy, má được gọi bằng cái tên “Bà má huyền thoại”.

Lễ truy điệu má Mười Riều được tổ chức vào lúc 6h sáng nay (27/7). Má được an táng tại nghĩa trang Phước Hải quê nhà.

SÔNG THAO (tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin