Dòng sự kiện:

Khát khao sống của cậu bé 15 năm "vật lộn" với bệnh suy thận

16:44 26/06/2015
Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia thì Đức lại phải chịu đau đớn, một tuần ba lần đến viện chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Vật lộn với căn bệnh suy thận suốt 15 năm qua, cậu thanh niên 18 tuổi gầy như que củi khô này chưa một giây phút nào ngừng khát khao được sống.

Uống thuốc thay…cơm!

Tìm đến căn phòng nhỏ cạnh đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi không khỏi xót xa trước hình ảnh một cậu thanh niên gầy như que củi, trên da chi chít những vết sẹo thâm tím, đang nằm khoèo trên chiếc giường ở góc nhà. Đó là em Trần Minh Đức (sinh năm 1997, quê ở Cầu Thia, Nghĩa Lộ, Yên Bái), bị suy thận nhiều năm nay, hiện đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện E Hà Nội.

Sự sống mong manh trên cơ thể gầy còm, ốm yếu, chằng chịt những vết sẹo thâm tím của Đức.

Không giấu nổi những giọt nước mắt chảy tràn trên má, anh Trần Văn Trọng (SN 1961), bố của Đức cho biết, Đức là con thứ hai trong gia đình có hai chị em. Gia đình thuần nông nên kinh tế cũng không dư dả gì. Năm lên 3 tuổi, Đức mắc hội chứng thận hư. Từ đó, vợ chồng anh đã đi khắp các viện lớn, nhỏ trong tỉnh để điều trị cho con nhưng kết quả không mấy khả quan. Sau đó, anh chị lại lặn lội gần 200 cây số đưa con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) để chữa trị. Có bao nhiêu tiền của đều dồn vào viện phí, thuốc thang cho con. Cứ như vậy, suốt 13 năm (2000 – 2013) cậu bé tội nghiệp phải theo đuổi cuộc hành trình Yên Bái – Hà Nội diễn ra đều đặn mỗi tháng một lần để đi tìm sự sống.

Theo chỉ dẫn của bác sĩ, mỗi ngày Đức phải uống rất nhiều loại thuốc khác nhau, chế độ ăn cũng phải kiêng đủ thứ. Đức lớn lên nhờ thuốc men nên cơ thể của em chẳng khác nào một “bộ xương di động”. Hầu như mọi việc trong nhà em đều không phụ giúp được gì nhiều. Đến năm 2013, khi đang học lớp 10, Đức phải nghỉ học giữa chừng vì bệnh tình ngày càng trầm trọng. Từ đó, Đức phải xuống Hà Nội cấp cứu rồi điều trị lâu dài. Gia đình anh Trọng thuê luôn phòng trọ và định cư ở Thủ đô, làm thuê, làm mướn để lấy tiền chữa bệnh cho con.

Ngày chạy thận, tối vật lộn vì đau

Từ ngày con phải chạy thận để duy trì sự sống, bao nhiêu đồ đạc có giá trị trong nhà, vợ chồng anh Trọng đều đã bán hết, số nợ ngân hàng và anh em họ hàng ngày một chồng chất. Cùng với đó, cô con gái đầu trúng tuyển và theo học một trường đại học ở Thủ đô càng khiến nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai anh chị. Thường bị cơn đau dạ dày và bệnh thấp khớp hành hạ, thuốc men triền miên, anh Trọng cũng không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc, anh xin làm bảo vệ cho một siêu thị điện máy gần nơi trọ để tiện việc đưa đón con đi chạy thận. Chị Thiện, vợ anh, nhận giúp việc gia đình theo giờ để kiếm thêm thu nhập. Cả hai vợ chồng làm việc quần quật từ sáng đến đêm khuya để kiếm tiền lo viện phí cho con mỗi tháng. Hết giờ làm, anh chị lại cùng nhau về nhà chăm sóc đứa con tội nghiệp.

Sau những giờ chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, Đức thường bị cơn đau hành hạ, cơ thể mệt mỏi, ngứa ngáy khó chịu. Em được đưa về phòng trọ nghỉ ngơi để tiện cho việc trông nom. “Đêm đến, cháu thường xuyên mất ngủ, cứ lăn qua, lăn lại, vật lộn với cơn đau. Vợ chồng tôi phải thay nhau xoa bóp, dỗ dành để con quên đi mệt mỏi. Có lúc cháu cứ ngồi gãi sột soạt đến toạc da, máu chảy tung tóe vẫn chưa ngừng. Khi chúng tôi can ngăn thì thằng bé mếu máo: “Con ngứa lắm, không chịu được nữa”. Nhìn con đau đớn, vợ chồng tôi cũng như đứt từng khúc ruột”, anh ngậm ngùi.

Anh kể, có lần như không chịu được bệnh tật giày vò, Đức gào khóc, tự đánh vào người mình và có những lời không hay với bố mẹ. Nhưng khi tỉnh lại, biết mình sai, em rất hối hận và xin lỗi mọi người. “Ở cái tuổi đáng ra phải được vui chơi cùng bạn bè thì con lúc nào cũng lủi thủi một mình. Đến phòng bệnh chạy thận chủ yếu là các cụ già, cháu nhà tôi là người trẻ nhất, về nhà cháu lại nhốt mình trong căn phòng chật chội nên tính tình thay đổi cũng là điều dễ thông cảm. Vợ chồng tôi không hề trách con mà càng thương con hơn”, anh Trọng chia sẻ.

Dang dở ước mơ

Chia sẻ về quãng thời gian Đức còn đi học tại quê nhà, anh Trọng cho biết: “Sau mỗi đợt xuống Hà Nội điều trị, phải mất vài ngày sau cháu mới khỏe dần khiến việc theo chương trình học trên lớp gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, cháu lại rất thông minh và chăm học, chịu khó mượn vở của các bạn về chép và học lại. Cháu rất thích học Toán và các môn khoa học. Cháu ước muốn sau này được làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin”. Anh cho biết thêm, trong quá trình đi học, nhiều năm liền Đức đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu quý, tín nhiệm bầu làm lớp trưởng nhưng em phải từ chối vì không đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.

“Nếu con không mắc căn bệnh quái ác mà được khỏe mạnh như các bạn, có lẽ giờ này cháu đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của đời học sinh. Mang bệnh tật trong người nhưng cháu nó nghị lực lắm, rất chịu khó uống thuốc, nghe lời bác sĩ và bố mẹ. Đau đớn đến mấy vẫn cố gắng chịu đựng với hi vọng nhanh khỏi bệnh để được quay lại theo học, tiếp tục theo đuổi ước mơ. Thế nhưng…”, người bố ở cái tuổi đã qua bên kia dốc cuộc đời ôm mặt khóc nức nở như một đứa con nít. Mất vài phút để lấy lại bình tĩnh, anh tiếp tục giãi bày: “Giờ con tôi chỉ còn biết tìm niềm vui qua những cuốn sách khoa học chị gái mua cho, đọc những tờ báo để biết thêm thông tin. Bao ước mơ hoài bão đành phải gác lại và không biết cháu có cơ hội để thực hiện hay không?!”.

Mai Nguyễn/Báo Gia đình & Xã hội