Dòng sự kiện:

Khéo léo... cãi vã trước mặt con

22:13 16/10/2015
Nhiều bố mẹ cho rằng khi trẻ còn nhỏ thì chẳng thể nhận thức được gì nên vô tư cãi nhau, đánh nhau trước mặt con.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng điều đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sau này của trẻ. Những đứa trẻ dưới 11 tuổi phải đối mặt với những bất hòa  của gia đình sẽ làm giảm sút sự phát triển trí óc và gây những vấn đề tâm lý ở trẻ. Trẻ bị sốc tâm lý và có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nặng nề như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, stress.

Trẻ thường cảm thấy vô cùng sợ hãi, khóc lóc, kêu la. Từ đó, mỗi lần tiếp xúc với bố hoặc mẹ, những hình ảnh tiêu cực trước đây lại tràn về, khiến trẻ sợ và cố tình lảng tránh như một cách để tự vệ.

Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ do thường xuyên chứng kiến những cảnh mâu thuẫn, cãi vã giữa bố mẹ đã trở nên chai lỳ cảm xúc. Trẻ không còn thấy thương bố mẹ nữa, coi chuyện cãi nhau là thường ngày và dần trở nên vô cảm trước những người thân yêu nhất của mình.

Đặc biệt, trẻ ở tuổi dậy thì có thể hình thành tâm lý chống đối, phản kháng khi trẻ ý thức được cái “tôi” của mình.

Không một gia đình nào tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng. Tuy nhiên, bố mẹ cần giải quyết mâu thuẫn một cách khéo léo, tế nhị.

Nếu không thể tránh được cãi vã, hãy nhớKhông phải bất cứ đề tài nào bạn cũng có thể tranh luận trước mặt con, nhất là những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ vợ chồng hoặc những chuyện liên quan đến việc giáo dục bé. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là cha mẹ hãy cố gắng kiểm soát cơn giận của mình, nếu giữa hai người xảy ra mâu thuẫn cũng nên cố gắng tránh cãi vã, xô xát trước mặt con thơ.

Kiểm soát âm lượng và giọng điệu: Việc thường xuyên chứng kiến cha mẹ to tiếng với nhau cũng làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, đáng kính của bạn trong mắt trẻ. Một số bé còn đặc biệt nhạy cảm sẽ buồn bã và cảm thấy áp lực từ chính những lời quát tháo của cha mẹ. Hãy tranh luận trong không khí hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, kiểm soát âm lượng và giọng điệu của bản thân để không làm bé lo lắng

Chú ý các biểu hiện của bé: Nếu bé bỗng trở nên ngày càng lầm lì, ít nói thậm chí hay nóng nảy và dễ nổi cáu khác bình thường thì rất có thể bé đã chịu tác động từ những trận cãi vã của cha mẹ. Lúc này, việc bạn cần làm là bồi đắp tình cảm gia đình cho bé. Cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho nhau và cho mình sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng của bé.

Dù cha mẹ có cãi nhau to thế nào thì sau đó cũng cần xác nhận trước mặt con rằng hai bạn đã làm hòa với nhau. Đồng thời, bạn cũng nên thừa nhận với bé rằng những hành vi như la hét, quát mắng là không đúng, tránh việc bé sẽ bắt chước sau này.

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]ezm7BIGa7Z[/mecloud]