Dòng sự kiện:

Khi con có tính kiêu ngạo mẹ đừng bó tay

23:24 06/07/2015
Bản chất của tính kiêu ngạo chính là sự tự tin thái quá. Trẻ có tính này thường tự mãn, luôn cho rằng mình là nhất, từ đó dẫn đến chểnh mảng học hành cũng như các hoạt động khác.

Kiêu ngạo sẽ khiến trẻ tự tách mình ra khỏi đám đông

Nhiều khi cả hai dòng họ nội ngoại chỉ có một đứa cháu thì khó tránh khỏi việc người lớn xem trẻ như báu vật. Do đó, dù trong đầu óc non nớt, nhiều trẻ cũng nhận ra rằng mình là người quan trọng; nhiều trẻ khác hiểu được rằng cha mẹ, ông bà mình là người giàu có, có thế lực nên tự thấy mình “không giống” với những người khác. Tính kiêu ngạo tự nhiên sinh ra khi cái tôi được đề cao quá mức. Lúc trẻ biểu hiện kiêu ngạo, người lớn lại không điều chỉnh thì dần thành một đặc điểm của tính cách.

Kiêu ngạo khiến trẻ tự tách mình ra khỏi đám đông. Trẻ tự cho mình có quyền chê bai, bài xích những trẻ đồng lứa khác, thậm chí với cả người lớn. Tính khinh người có thể đã hình thành từ lúc đó. Ở trường, trẻ chỉ chơi với những bạn mà trẻ cho là con nhà quyền quý, giàu có và coi thường những bạn con nhà bình dân; ở nhà, trẻ có thể quát nạt, hỗn hào với người giúp việc; với láng giềng, trẻ biểu hiện thiếu lễ độ, nhất là với những người mà chính cha mẹ không tôn trọng.

Trẻ kiêu ngạo luôn coi mình là nhất.

Từ khinh người sẽ đến hách dịch, ngạo mạn, ích kỷ, khoe khoang… Những biểu hiện tính cách đó sẽ làm hại trẻ. Bởi trẻ sẽ mất tính hòa đồng, khó làm việc nhóm, không được lòng bạn bè và nhiều người khác…

Có khi, vì tự cho mình tài giỏi, giàu có, đến lúc va chạm thực tế mà thất bại thì trẻ dễ nản chí, tuyệt vọng, có thể dẫn đến những hành động dại dột, sai trái.

Điều chỉnh tính kiêu ngạo của con trẻ

Trẻ kiêu ngạo, tự tin thái quá thường nảy sinh tâm lý ảo tưởng, đánh giá không đúng về bản thân, đặt mình cao hơn người khác. Vì thế, cha mẹ nên có sự điều chỉnh, giúp con nhận ra các giá trị cuộc sống ngay từ nhỏ để hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ.

Nếu trẻ có chút thành tích đã vội coi thường người khác thì không chỉ làm tổn thương đối phương mà đối với trẻ, đó là sự bắt đầu của thất bại. Để “hãm phanh” sự kiêu ngạo của con, các bậc cha mẹ nên:

Giúp trẻ tự ghi chép lại ưu, nhược điểm của bản thân để đánh giá: Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ ghi lại những việc trẻ thực hiện đạt kết quả tốt, đồng thời cũng ghi lại cả những sai lầm, thiếu sót và tác hại của những việc sai trái đó. Mỗi khi trẻ có thành tích, phụ huynh vừa tỏ thái độ ghi nhận vừa đưa ra những hạn chế của cháu để chỉnh đốn, rút kinh nghiệm. Tạo điều kiện cho trẻ nói ra ý kiến của mình. Những suy nghĩ đánh giá của chính bản thân trẻ giúp chúng tự ý thức, có thái độ sống tích cực và có kỹ năng tự đánh giá đúng bản thân. Khi nhận thức được giá trị của bản thân, trẻ sẽ bớt tự mãn, kiêu ngạo và hòa đồng hơn với mọi người.

Cùng trẻ bàn bạc, chia sẻ cách giải quyết những hạn chế, tồn tại của con. Việc này nghe có vẻ to tát, nhưng bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. Chẳng hạn, bạn có thể nói cụ thể với con rằng con giỏi hơn bạn cái này, nhưng cái khác bạn giỏi hơn. Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường nhất định, mình mạnh mặt này nhưng yếu mặt khác, không ai toàn diện cả. Vì thế, con đừng vội cho rằng mình là nhất và coi thường người khác.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL