Dòng sự kiện:

Không đủ tiền nhập học, tân sinh viên bật khóc

22:41 11/09/2015
Không có đủ 4,6 triệu đồng đóng học phí, tân sinh viên Nguyễn Văn Sỹ có nguy cơ phải từ bỏ giấc mơ đại học.

Nguyễn Văn Sỹ (quê xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã ngồi sụp xuống sân trường vì buồn bã, thất vọng. Chứng kiến cảnh ấy, những người có mặt tại đại học Bách Khoa Đà Nẵng chiều 4/9 không kìm được xúc động. 

Xin “khất” tiền nhập học


Nguyễn Văn Sỹ có nguy cơ từ bỏ giấc mơ đại học 

Những ngày này, Sỹ vẫn đang đạp xe xuôi ngược khắp nơi tìm một công việc làm thêm với hi vọng gom góp được đủ tiền làm thủ tục nhập học.  “Còn hơn 20 ngày nữa chị ạ. Trong khoảng thời gian ấy, nếu như em không kiếm đủ số tiền 3,5 triệu đồng thì em đành phải dừng việc học…”, Sỹ ngồi thất thần trong căn phòng trọ mới thuê, giọng đứt quãng...

Trước đó, gia đình đã rất vui mừng khi Sỹ đỗ đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông với số điểm 21,75. Ngày 4/9, Sỹ bắt xe buýt đến trường làm thủ tục nhập học. Tới nơi, Sỹ mới biết số tiền học quá lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình mình. Hơn 7 năm nay, cha em mắc bệnh xơ gan, tất cả tài sản có giá trị trong nhà đã lần lượt phải bán đi để lo tiền thuốc thang.

“Khi đến trường làm thủ tục, em mới nhận được giấy báo và hoảng hốt khi nhìn thấy số tiền phải nộp lên đến hơn 4,6 triệu đồng. Khi ra Đà Nẵng, mẹ bán hơn nửa tạ thóc được gần 300 ngàn rồi đưa cho em đóng tiền học. Nhưng số tiền thiếu quá nhiều nên không làm thủ tục được, em đành trở về” - Sỹ nghẹn giọng.

Sỹ đã gọi điện “cầu cứu” chị gái đang làm công nhân may mặc cho một xí nghiệp tại xã Điện Ngọc. Nhưng với mức lương công nhân thử việc bèo bọt, chị gái Sỹ cũng không giúp được em mình. Cô đành đứt ruột khuyên Sỹ nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Mẹ Sỹ, bà Trần Thị Thảo cũng chỉ biết khóc lên khóc xuống vì không thể xoay đâu ra số tiền lớn như vậy, trong khi, tiền thuốc thang chữa bệnh  nợ người thân hàng chục triệu đồng đến nay vẫn chưa trả được. Ngày Sỹ nhập học, một tạ thóc cuối cùng trong nhà, cũng được chia một nửa bán đi để đưa cho Sỹ nộp học phí.

Thương hoàn cảnh của Sỹ, chị Nguyễn Sinh, người bà con xa đã đồng ý cho em mượn 1,1 triệu đồng và khuyên em đến trường gặp hiệu trưởng xin “khất” học phí. Chị Sinh chia sẻ: “Tôi thấy em chạy vạy mấy ngày nay nhưng vẫn không ai có thể giúp em. Cả hai bố mẹ em đều mù chữ, sức khỏe yếu nên một mình em cứ tự gồng mình đi vay tiền. Tôi thương vô cùng nhưng chỉ giúp được có vậy”.

Ngày 5/9, Sỹ đánh liều đến gặp thầy hiệu trưởng của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng xin được tạo điều kiện để em có thể kịp thời vào học năm học mới. Sỹ trình bày hoàn cảnh gia đình với lãnh đạo nhà trường và bày tỏ ước mơ theo đuổi con chữ. Cảm thông gia cảnh khó khăn của Sỹ, trường ĐH Bách khoa đã đồng ý để Sỹ đóng trước 1,5 triệu đồng một số khoản đầu năm và cho học tạm đến ngày 1/10. Số tiền còn lại hơn 3,5 triệu đồng, trước ngày 1/10 nếu không đóng cho trường, Sỹ sẽ phải dừng việc học.

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm

Từ những năm cấp ba, Sỹ đã quen với việc đi làm thêm để có tiền lo cho bản thân. Mỗi dịp Tết, em đều phải xa nhà đi làm ở các quán cà phê. Từ hôm ra Đà Nẵng, Sỹ vẫn chưa tìm được việc, trong khi hạn chót đóng các khoản tiền sắp hết. 

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của Sỹ, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên cho biết: “Gia đình em Nguyễn Văn Sỹ thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Nhiều năm nay, Sỹ đến trường nhờ sự hỗ trợ của nhà trường và các thầy cô. Bây giờ em đậu đại học, rất cần sự chung tay giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để chắp cánh ước mơ cho em”.

Thương con, mấy ngày nay, mẹ của Sỹ cũng đành gác việc đồng áng, lên xe buýt cùng con trai ra Đà Nẵng tìm việc. Bà khóc nghẹn: “Tôi biết làm sao đây, bây giờ ai thuê gì tôi làm tất. Trước mắt, tôi phải kiếm số tiền còn lại để con nộp học rồi sau đó tính đến chuyện ăn học của con trong bốn năm tiếp theo. Cả đời tôi lam lũ, biết chữ nghĩa là cái chi. Nay con hiếu học, tôi không thể nào để con nghỉ được”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Văn Sỹ, địa chỉ: Số nhà 62/12, Kiệt 144 Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). SĐT: 0120 279 4542. Hoặc Trần Thị Thảo, thôn 5, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. SĐT: 0121 639 6201.

Hoặc Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng, 19 Ngô Gia Tự (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). SĐT: 05113 828 039.

SÔNG THAO

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm:

[mecloud]qN5OVZk7Bt[/mecloud]

 


TAG