Dòng sự kiện:

Không được coi thường khi trẻ cắn móng tay

17:28 08/10/2015
Nếu bé cắn móng tay đi kèm những hành vi đáng lo như kéo lông mi, kéo rụng tóc... là lúc tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, hành vi cắn móng tay ở trẻ nhỏ là do một số nguyên nhân như tò mò, chán nản, stress, thói quen, hay bắt chước.

Nếu con bạn thỉnh thoảng cắn móng tay mà không làm tổn thương tay hoặc cắn một cách vô thức thì đó chỉ là cách trẻ đối phó với những căng thẳng nhỏ. Bạn không cần phải quá lo lắng. Khi lớn lên, bé sẽ dần từ bỏ thói quen này.

Tuy nhiên nếu bé nhà bạn cắn móng tay gây đau đầu ngón tay hoặc chảy máu; cắn móng đi kèm những hành vi đáng lo như kéo lông mi, kéo rụng tóc hoặc khi thói quen ngủ của bé có thay đổi đáng kể, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

Những điều cha mẹ cần làm khi trẻ có thói quen cắn móng tay:

Tìm hiểu lý do

Trước hết cha mẹ cần kiểm tra xem liệu có căng thẳng nào trong cuộc sống mà con bạn phải đối mặt. Nếu bạn nghi ngờ những chuyện có thể xáo trộn tinh thần bé, chẳng hạn, chuyển bé sang trường lớp mẫu giáo mới hay chuyện ly hôn của cha mẹ, hãy nỗ lực cùng bé nói chuyện về những bất an của bé.

Không quát mắng, đánh đòn hoặc trừng phạt

Việc quát mắng, đánh đòn hay trừng phạt bé khi chúng cắn móng tay không giúp chúng ngừng thói quen này hiệu quả. Ngay cả người lớn cũng có những thói quen không dễ gì từ bỏ cơ mà.

Ngược lại hành động trên còn khiến trẻ sợ hãi và tiếp tục cắn móng tay vì chúng giúp trẻ thư giãn và có cảm giác an toàn. 

Tốt nhất bạn nên cắt tỉa móng cho con gọn gàng để bé không bị cám dỗ. Giữ tay sạch sẽ còn giảm tiếp xúc của bé với vi trùng và hướng sự chú ý của bé tới những nơi khác.

Bất kỳ sự can thiệp nào, như bôi dầu vào đầu ngón tay đều khiến bé cảm thấy như một hình phạt, dù bạn không có ý đó. Nếu bạn tăng áp lực cho bé, vô tình bạn chỉ nhận thêm stress, còn bé càng phát triển thói quen này. 

Trợ giúp khi bé muốn dừng lại

Nếu các bạn mẫu giáo trêu chọc bé về việc cắn móng tay, bé có thể sẵn sàng để từ bỏ và bé cần bạn giúp đỡ. Trước tiên, hãy nói chuyện với bé về những lời trêu chọc, khuyến khích bé nói lại với các bạn ở lớp thể nào cho phù hợp. Hãy nhắc nhở bé rằng, bé không phải khác các bạn ở lớp chỉ vì cắn móng. Sau đó, gợi ý cho bé các giải pháp thay thế.

Giúp bé nhận thức tốt

Khuyến khích bé có ý thức hơn về chuyện cắn móng. Đồng thời, có một lời nhắc nhở bí mật cho mỗi lần bé quên, một mật mã chẳng hạn. Động viên bé tham gia vào một hoạt động thay thế như trò đi xe, xếp hình…

Dùng mẹo

Một số bé từ bỏ thói quen cắn móng với những mẹo nhỏ của mẹ. Bạn có thể thảo luận hình thức với bé và để bé thử, ví dụ, đính miếng dán màu sắc lên móng tay của bé hoặc dùng thuốc bôi ngón tay có vị đắng (bán ở các hiệu thuốc) để bé cai cắn móng. Mỗi bé thích nghi với những kỹ thuật “cai” cắn móng khác nhau nhưng nếu bé chịu hợp tác thì nhiều khả năng sẽ thành công. Bạn cũng đỡ phải stress vì con.

Khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động

Dù lý do của việc trẻ cắn móng tay là gì, khi tham gia các hoạt động, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng các ngón tay thay vì đút ngón tay vào miệng ngậm và cắn móng. 

Các hoạt động sử dụng tay được trẻ yêu thích và có thể giúp trẻ bỏ thói quen cắn móng tay hiệu quả gồm:

- Vẽ tranh 

- Nặn đất

- Xếp hình

- Lắp ráp xe đồ chơi

Ngoài ra, bất kể trò chơi nào bé thích và không có hại cho bé cũng có thể là điều kiện tốt để trẻ “cai” cắn móng tay. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý khi cho trẻ chơi để đề phòng trường hợp bé ngậm và nuốt đồ vào bụng, nhất là trẻ nhỏ.

[mecloud]vz98TwtSyF[/mecloud]

Tố Tâm (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam