Không giàu như Warren Buffett, Bill Gates bạn vẫn có thể để tài sản "khủng" cho con
Tin liên quan
- "Tròn mắt" trước cách nuôi dạy con không giống ai của bố mẹ Đức
- Bối rối chọn cách dạy con kiểu Mỹ, Nhật, Do Thái hay thuần Việt?
- Những cách dạy con ngoan thế giới phải khâm phục mẹ Nhật
- Ông bố Nhật “bắt” con uống rượu - Chuyện dạy con bố mẹ Việt nào cũng nên đọc
Các tỉ phú như Warren Buffett, Bill Gates, Yu Pang-Lin (tỷ phú Hong Kong) đều không để lại tiền thừa kế cho con, mà có chung một quan điểm rằng tài sản lớn nhất để lại cho con đó là Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân. Học tập họ, mình cũng nghĩ tuy không giàu nhưng vẫn có thể để lại cho con "tài sản" theo cách như vậy.
Mình nghĩ rằng ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân phải đi liền với tính quyết đoán. Vì nhất là ở Việt Nam, nơi mà bố mẹ muốn quyết định cho con quá nhiều. Những câu kiểu như "Con không được thi trường này, con phải thi trường kia", "Con đừng lấy cô bé này, để mẹ chọn cho con cô khác hợp hơn", "Con làm ở đó không ổn định, để mẹ xin cho con vào chỗ X, chỗ Y", quá quen thuộc.
Cho nên mình nghĩ để có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân, đầu tiên phải quyết đoán, phải có quyền được quyết. Và hạt giống đó phải được gieo thật sớm thì lớn lên mới nảy mầm, vươn cao vững chắc được. Rõ ràng bạn không thể quyết định cho con, lựa chọn cho con suốt 18 năm, thậm chí 28 năm của cuộc đời, rồi một ngày đẹp trời bảo "Giờ con lớn, con tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình đi". Như thế chả khác gì đẩy lính ra trận mà không hề được đào tạo trước. Và với mình, đó là sự vô trách nhiệm!
Mình muốn Kapi thành một người đàn ông có trách nhiệm, đầu tiên là với chính bản thân con, sau đó là với gia đình, xã hội. Nghe thì to tát nhưng thực ra lại bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Mình để Kapi tự quyết từ rất nhỏ, ai mới gặp cũng có thể thấy được Kapi là một đứa trẻ rất cá tính.
Chị Hoàng Anh và con trai.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, quyết việc nhỏ, Những việc như ăn gì, mặc gì, thậm chí đi chơi đâu, con đều có thể tự quyết định được, mình "gài" lựa chọn thôi. Hồi Kapi 2 tuổi, mình thường hỏi: "Kapi ơi con muốn mặc áo đỏ hay áo xanh?". Cu cậu nói luôn một trong hai lựa chọn đó.
Mình thường đi siêu thị cùng Kapi và để con tự chọn sữa nhưng mình cũng luôn nói rõ "Con chọn về phải uống nhé, con tự chọn đấy". Mình "ỷ lại" vào cu cậu đến độ hôm trước đi siêu thị đứng ngơ ngẩn ở hàng sữa không biết chọn cái gì và sợ hơn nữa là mình chọn về rồi lỡ nó không ưng không uống thì cũng tiêu, vì mẹ chọn mà, không thể ép con được.
Việc ăn cũng do con tự quyết. Hồi Kapi bé khoảng 18, 20 tháng thì mình lên kế hoạch trước với con là tối nay mình sẽ ăn gì. Đến bây giờ thì Kapi tự chọn ba bữa ăn cho mình. Đã chọn là nhất định phải ăn.
Một từ khóa để bồi đắp tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm của con là "phải tin con". Nếu Kapi bảo đau bụng, mình tin là đau bụng, bảo no rồi, mình tin là no rồi. Vì lòng tin của mẹ khiến con tự tin hơn vào quyết định của mình. Có thể lần này mình tin nhầm, bị Kapi "lừa" đi chăng nữa, mình vẫn nhìn vào mắt con và nói "Mẹ không bao giờ nói dối con, mẹ tin Kapi cũng không bao giờ nói dối mẹ". Cứ lặp đi lặp lại như vậy, mình tin rằng Kapi sẽ tự tin hơn khi ra quyết định (vì có mẹ ủng hộ mà).
Ngoài việc cơ bản là ăn và mặc ra, giờ Kapi lớn rồi, việc gì liên quan đến con, mình đều hỏi ý kiến con hết, còn việc liên quan đến hai mẹ con thì được bàn luận. Nên câu cửa miệng của mình là "Để về hỏi Kapi xem thế nào đã".
Chẳng hạn nếu muốn cho ai đồ của con, như bữa nay cho bảng chữ cái ABC, mình nói với bạn "Để mình hỏi Kapi đã, của con mà". Rồi về bàn với Kapi: "Kapi ơi giờ con lớn rồi, không cần bảng chữ cái nữa, mẹ cho em Sushi nhé, em Sushi nhà cô Kim Anh ý". "Được thôi mẹ".
Nhưng không phải lúc nào mình cũng nghe theo con, nếu không ổn thì phải thuyết phục: "Kapi ơi, mai cuối tuần con muốn đi đâu?" – "Con muốn đi siêu thị" – "Vào siêu thị làm gì con, đẹp trời mình đi công viên đi" – "Con muốn đi siêu thị" – "Con cứ thử đi công viên xem, nhất định sẽ rất vui mà". Kapi vẫn không đồng ý nên thảo luận dừng ở đó. Hôm sau mình vẫn đưa con đi công viên. Con rất vui vẻ, hào hứng. Lúc về mình nói: "Kapi con thấy không, đi công viên cũng rất vui mà, đâu phải chỉ có siêu thị là vui đâu, con phải thử, phải tin mẹ chứ". Lúc này thì Kapi gật gù đồng ý.
Lần khác, Kapi lỡ đi nặng ra nhà. Xong dám kêu mẹ dọn, Mình thản nhiên "Ủa, mẹ đâu có bày ra nhà đâu mà dọn. Con dọn đi, con làm con tự chịu chứ?", rồi mình hướng dẫn con cầm giấy để xử lý. Cuối cùng lại thành ra Kapi hào hứng với trò đó, vui vẻ làm.
Giờ thì những lần như Kapi làm đổ sữa, đổ nước, thậm chí đi nặng ra nhà… đều tự dọn hết. Không buồn gọi mẹ nữa. Chắc nghĩ mẹ lười quá, có gọi cũng không làm hộ đâu. Nói chung lười một chút mà con ngoan thì mình lười thêm chút nữa cũng không sao.
Bạn thử nghĩ xem một đứa trẻ 3 tuổi, tự quyết định về việc mình ăn gì, mặc gì, đi đâu, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, có thói quen tự đi giải quyết hậu quả, thì đến lúc nó 18 tuổi có tự chọn được trường không? Có tự tìm được đam mê của mình và có cả can đảm để theo đuổi đam mê không? Có tự chọn được việc làm không? Có tự chọn được bạn, chọn được vợ không?
Mình tin là Kapi sẽ có, vì dù cuối cùng con có đúng hay sai, vẫn có mình đứng sau ủng hộ. Mình sẽ không giải quyết hậu quả hộ cho con, nhưng sẽ đứng cùng, cổ vũ để con tự chịu trách nhiệm về những gì con làm.
Hoàng Anh
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua