Dòng sự kiện:

Kinh nghiệm trồng dưa lưới trong thùng xốp quả nào cũng ngọt lịm

21:03 31/07/2016
Ngắm nhìn vườn dưa trĩu quả sau mỗi chiều tan ca là niềm vui của anh Nhân (một nhân viên nghành dược, 24 tuổi, sống tại Đà Nẵng).

Ngoài dưa lê và dưa lưới, vườn nhà anh Nhân còn trồng nhiều loại rau khác như rau bí, khổ qua, nấm, rau mầm và cây cảnh các loại: nắp ấm, thuỷ sinh...


“Để có những trái dưa vừa ngon ngọt lại vừa an toàn là điều không hề khó. Thực tế mặc dù khá bận rộn với công việc nhưng tôi vẫn sở hữu những luống dưa trổ đầy quả ngọt. Sau đây tôi xin chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lưới và dưa lê trong thùng xốp, không cần làm giàn leo.

Điều kiện môi trường: Hầu như dưa có thể trồng ở rất nhiều vùng miền, chỉ cần nơi thoáng gió, nhiều nắng vì cây dưa phải được tắm dưới ánh nắng tối thiểu 4h/ngày nếu thiếu nắng trái nhạt và nhỏ; thứ nữa là ít mưa vì dưa không chịu được úng.

Chọn hạt giống: hiện tại ở Đà Nẵng tôi chỉ mới thử trồng 3 loại dưa đó là dưa lưới ruột xanh của Phú Nông, dưa dài mật ong và dưa lê hoàng kim. Tôi khuyến khích người mới trồng nên trồng 3 loại trên, các bạn tránh hạt dưa nga vì cây kháng sâu bệnh yếu hơn. Gieo hạt trong bóng mát đến khi cây ra 2 lá thật trở lên thì cho ra chậu.

Làm đất: Công đoạn này khá quan trọng. Tôi trộn đất theo tỷ lệ: 2 đất cát (nắm đất lại thả ra thấy vụn là dùng được còn nắm lại mà nó đóng cục luôn là đất nhiều sét không dùng) + 2 trấu hun + 2 phân bò ủ hoai + 5 - 10 vỏ trứng (cung cấp canxi cho cây chắc khoẻ) + 0,5 bã cà phê phơi khô + 1 xỉ than đập vụn. Chia mỗi gốc dưa tầm 40 lít đất. Đổ đất vào thùng rải kín 1 lớp vôi mỏng rồi phơi nắng từ 5 - 7 ngày để ngừa sâu bệnh sau đó trộn đều lên là có thể bắt đầu trồng.

Cách chăm sóc: Tôi tưới cho mỗi cây 1 ngày 2 lít nước chia làm 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, tuyệt đối không tưới vào trưa nắng vì dưa rất dễ héo và chết. Chú ý khi tưới nên tưới quanh gốc, không tưới nước lên lá vì dễ sinh sâu bệnh. Tôi bón phân mỗi tuần 1 lần, khi cây còn nhỏ chưa có hoa thì bón mỗi tuần nửa muỗng cà phê phân NPK 18-14-7-TE (2g) bón cách gốc 5-7cm (đào cái lỗ chôn phân xong lấp lại). Khi cây đã có hoa thì bón NPK 15-5-20, cây dưới 12 lá thì nửa muỗng cà phê, trên 12 lá thì 1 muỗng cà phê phân bón (5g), bón xa gốc như trên.

Ngoài ra, để dưa ra quả chất lượng có thể bón tăng cường phân hữu cơ như phân bò, phân trùn quế, bã cà phê (mỗi lần 1 nắm tay). Hạn chế bón bánh dầu vì công đoạn ủ bánh dầu phát mùi rất thối dễ làm ảnh hưởng đến hàng xóm, ngoài ra bánh dầu ngọt bón vào dưa sẽ dụ kiến tha rệp lên.

Khi dây dưa đã vươn đến ngang người, tôi bấm tất cả các nhánh phụ chỉ chừa lại nhánh chính, khi cây được 25-30 lá hoặc trái bằng nắm tay thì tôi bấm ngọn chính để dây dưa tập trung nuôi quả. Như vậy, dây dưa sẽ hạn chế vươn cao.

Ngừa sâu bệnh: Nếu các bạn trồng đúng theo cách tôi hướng dẫn thì cây rất ít gặp sâu bệnh. Thỉnh thoảng dưa bị bọ trĩ, bù lạch, dòi đục lá xâm hại mà không đáng kể. Để trị bọ trĩ, bù lạch thì tôi phun confidor và anvado (phun xen kẽ để tránh sâu kháng thuốc) mỗi tuần 1 lần, 2 lít thuốc pha phun được cho 20-25 cây dưa, phun kĩ dưới lá và ngọn. Cách ly trước thu hoạch 15 ngày. Nhiều người thắc mắc là phun thuốc sâu với bón phân hoá học thì không còn là rau sạch, theo quan điểm của tôi, rau sạch là rau bón phân đúng liều lượng và cách ly thuốc sâu theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, nếu không quả dưa sẽ nhạt và dễ dính sâu bệnh nữa.

Thu hoạch: mỗi dây dưa tôi chỉ để 1 quả với dưa lưới (quả nhỏ mà cây to thì để 2 quả), dưa lê để 2-3 quả. Thu hoạch xong nhổ cả cây và nhặt sạch rễ (lưu ý không băm cây ra bón lại vô chậu vì dễ dính sâu bệnh trong cây cũ). Sau đó tôi xới đất lên rồi rải lớp vôi mỏng phơi 5-7 ngày là có thể ươm trồng vụ dưa tiếp theo.

Chúc mọi người có được vườn dưa như ý”

 

Theo PNO