Dòng sự kiện:

Kinh nghiệm trồng "vườn rau treo" mơn mởn của cô giáo Hà Nội

16:00 10/08/2016
Không chỉ có một vườn treo cây cảnh đẹp lộng lẫy trên sân thượng, chị Nga còn sở hữu một vườn... treo rau sạch xanh mơn mởn khiến ai cũng xuýt xoa.

16m2 tầng thượng trồng rau sạch... ăn quanh năm

Chen chúc giữa hàng loạt những căn nhà cao tầng đầy bê tông, nóng nực tại phố Vũ Hữu - Thanh Xuân - Hà Nội, vườn rau xanh của gia đình chị Nga nằm trên tầng thượng chót vót "vừa thỏa sức đam mê, vừa mát nhà, vừa có rau an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình".

Do diện tích khiêm tốn (16m2) và trồng trên tầng cao nên để rau thích ứng với môi trường đặc biệt và cho thu hoạch năng xuất như hiện tại, chị Nga cho biết bản thân đã học hỏi từ bạn bè có chung sở thích.

Chị chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm đúc rút có được:

Thiết kế vườn rau: Vì trồng trên mái nhà nên gia đình chị Nga lát nền chống thấm và mặt nền phải nghiêng từ 3-4 cm để khi tưới rau nước sẽ thóat nhanh không làm ngấm ướt mái nhà. Không đặt hộp trồng rau xuống trực tiếp nền mái mà nên đặt trên các giá sắt cao 30cm để các hộp rau thoáng mát bên dưới và thoát nước nhanh khi gặp trời mưa to, còn trời nắng thì không bị hơi nóng của mặt sàn bê tông truyền lên .

Chị Nga cho biết, gia đình chị thực sự đầu tư và nâng cấp vườn rau là vào năm 2010. Khi đó, toàn bộ hộp trồng rau bằng xốp bằng cũ được thay bằng các chậu nhựa thông minh và nâng giàn cao từ 10cm lên 30cm để dễ chăm sóc hơn. Đồng thời bên dưới các hộp thoáng gió lùa từ dưới cũng giúp hộp rau được mát hơn. "Đầu tư ban đầu mua hộp trồng rau và hàn giá sắt để kê hộp cũng khoảng 3 triệu đồng, nhưng với mình số tiền đó không quan trọng, thay vào đó mình được nhiều hơn mất vừa có niềm vui lại có rau an toàn cho gia đình", chị nhấn mạnh.

Trồng rau theo mùa: Chị Nga thường chọn các loại rau trồng theo mùa. Ví dụ, mùa đông chị trồng rau cải mào gà, cải ngọt, xà lách, đậu cô ve sữa, đậu đũa, bí dân tộc, su su, cà chua,... 

Còn mùa hè thì trồng rau muống, rau dền Nhật, rau ngót Nhật, cải mầm, rau muống mầm, bầu sao, bí đao chanh, bí dân tộc, đậu rồng... Với cách lựa chọn phù hợp và các loại rau dễ trồng như vậy nên rau thường phát triển rất tốt và cho thu hoạch đều đều.

Chọn mua giống cây: Để rau trồng được năng suất và rút ngắn thời gian trồng cho thu hoạch nhanh, chị thường kết hợp về quê mua cây giống tại trại giống hoặc xin của người thân nên rau trồng rất hiệu quả.

Qúa trình chăm sóc: Với các loại rau hái lá hay hái ngọn thì sau khi thu hoạch chị thường vun xới cho tơi gốc rồi trộn đất với phân gà hoai mục hay phân vi sinh rồi bón vào gốc để bù lượng đất bị trôi theo nước tưới và thêm dinh dưỡng cho cây phát triển nhanh.

Với các loại bầu, bí, đậu hái quả được trồng trong hộp nhựa thường ít đất, vì vậy để cây phát triển tốt và đậu quả thì cần phải tưới thường xuyên ngày từ 2-3 lần. Khi cây đậu quả thì ngoài tưới nhiều nước, mỗi tuần nên bón phân hữu cơ, hay phân vi sinh, NPK để quả nhanh to và tươi ngon. Chừng nào quả gần được thu hoạch thì dừng bón phân mà chỉ tưới nhiều nước để quả căng mẩy hơn.

Ngoài ra, cứ hai tuần chị Nga lại xin ruột cá nước ngọt về đun kĩ để nguội rồi pha loãng tưới cho rau nên cũng tiết kiệm được một khoản tiền mua phân bón, dùng cũng an toàn hơn.

"Nhờ cách chăm bón và vận dụng linh hoạt gieo hạt, trồng cây nên mình vừa tiết kiệm được thời gian sinh trưởng của cây lại vừa nhanh được thu hoạch rau quả nên khu vườn lúc nào cũng có các loại rau thay nhau xanh tốt", chị chia sẻ.

Niềm vui từ vườn rau

Chị Nga cho biết vườn rau không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình chị mà còn là nơi tích luỹ niềm vui khoẻ của bản thân mỗi ngày.

"Trước đây, khi còn đi dạy, dù công việc có bận rộn nhưng mình vẫn dành thời gian để chăm sóc vườn rau. Mình thường dậy vào lúc 5h sáng tưới cho cây cối và rau xanh rồi mới đi làm. Tối về lại dành chút thời gian để tưới tắm cho rau. Công việc vun xới và chăm bón rau chị thường dành vào thời gian nghỉ cuối tuần nên rau vẫn phát triển tốt.

Vài ba năm trở lại đây mình được nghỉ hưu nên có nhiều thời gian hơn vì vậy chăm sóc rau cũng thuận lợi hơn. Mỗi sớm chiều mình dành ra 2 tiếng để tưới và chăm sóc rau. Công việc không hề nặng nhọc, song cũng hơi bận rộn, tuy nhiên mình luôn cảm thấy rất vui khi được ngắm vườn rau được tưới đẫm nước đẹp hơn bao giờ hết...", chị Nga nói.

Theo PNO

Nguồn: Gia đình Việt Nam