Dòng sự kiện:

Kỹ năng bố mẹ phải dạy con thuộc lòng để tránh bị bắt cóc

19:30 07/08/2015
Những kỹ năng này cần được củng cố hàng ngày tới mức bé phải thuộc lòng và biến nó thành hành vi ứng xử của mình để tránh bị bắt cóc.

Tin liên quan

  • Kỹ năng đi đường an toàn bố mẹ cần dạy bé
  • 7 kỹ năng tự vệ nhất thiết phải dạy trẻ
  • Dạy con những kỹ năng thoát hiểm cực cần thiết khi có hỏa hoạn
Bé 4 tuổi bị bắt cóc tống tiền

Tối 6/8, Đại tá Mai Vĩnh Bình, Trưởng Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ một cháu bé nghi bị bắt cóc, tống tiền. Bước đầu đã khoanh vùng và xác định được nghi can là một người đàn ông. Việc bắt cóc với mục đích tống tiền.

Đại tá Bình chia sẻ với báo Người lao động, trưa cùng ngày, ông Huỳnh Quang Đông (ngụ thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) trình báo với công an cho biết lúc hơn 10h sáng  6/8, con gái ông là cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo (4 tuổi) khi đang chơi nhà hàng xóm bỗng dưng bị mất tích.

Đến 10h30 cùng ngày, trong khi vợ ông là bà Nguyễn Thị Kim Loan đang ở TP.HCM thì một số máy lạ gọi vào điện di động bà Loan, giọng một người đàn ông nói: “Con của vợ chồng bà nằm trong tay tui. Vợ chồng bà không muốn mất con thì phải đưa tui 1 tỷ đồng. Nếu gia đình bà báo công an thì phải gánh chịu hậu quả”. Nghe vậy, bà Loan hoảng sợ, ngất xỉu.

Lát sau, người đàn ông trên tiếp tục gọi vào điện thoại của bà Loan. Lúc này, cháu của bà Loan nghe máy. Khi biết bà Loan đang ở TP.HCM, số máy lạ trên nhắn tin vào máy bà Loan với nội dung: “Một lần nữa, tui báo cho ông bà biết là không được báo công an”.

(Ảnh minh họa)

Đến hơn13h30 cùng ngày, cháu Thảo đột nhiên về nhà trong tình trạng đói lả, mình đầy bùn đất, trên người có nhiều vết xước. Sau khi được chăm sóc bình phục, cháu Thảo chỉ dẫn người thân đến nơi bị bắt cóc, cách nhà vài trăm mét. Cháu Thảo kể lại là bị một người đàn ông bắt, dán miệng bằng băng keo rồi bỏ vào bao. Tại hiện trường, ông Đông tìm thấy một cái bao, dôi dép, băng keo.

Theo đại tá Bình, ngay sau khi tên bắt cóc nhắn tin cho bà Loan, gia đình đã bí mật báo tin cho công an. Bằng biện pháp nghiệp vụ , Công an huyện Sơn Hòa đã tổ chức trinh sát, khoanh vùng đối tượng và đã thu một số tang vật của vụ bắt cóc.

Đại tá Bình cho biết thêm, theo lời khai ban đầu của cháu Thảo, sau khi tên bắt cóc dùng băng keo dán miệng, bỏ vảo bao bố mang vào rẫy mía để ở đó rồi bỏ đi nơi khác, cháu Thảo đã tự giải thoát và chạy về nhà. “Chúng tôi đã xác định được nghi can và việc điều tra đang tiến triển tốt” - đại tá Bình nói.

Kỹ năng dạy bé tránh bị bắt cóc

Thời gian gần đây, liên tiếp có những thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1-6 hoang mang, lo lắng. Bố mẹ nên dạy con những kĩ năng gì hàng ngày để trẻ có thể đối phó và biết cách tự bảo vệ mình kẻ xấu?

Về việc trang bị kỹ năng cho con trẻ, trước tiên chính bản thân quý phụ huynh không nên quá kỳ vọng rằng trẻ có thể nhớ và thực hành tốt mọi điều mình dạy, mình nhắc bởi trẻ con vẫn mãi là trẻ con, thấy quà bánh, đồ chơi hoặc những lời dụ dỗ ngon ngọt thì bao nhiêu kỹ năng phòng vệ cũng đều bị lãng quên hết.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung – Giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt chia sẻ, các mẹ nên dạy con những kỹ năng sau để tránh bị bắt cóc. Cần nhớ, những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày, hàng năm để trẻ thuộc nằm lòng cũng như biến nó thành hành vi ứng xử của mình.

Bố mẹ cần phải dạy bé các kỹ năng tránh bị bắt cóc.

-  Thứ nhất: Hãy dạy trẻ nói “không” với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi,.. của người lạ. “Người lạ” nên được giải thích cụ thể với trẻ là những người trẻ chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với trẻ, là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,..

-  Thứ hai: Hãy dạy trẻ có thói quen chia sẻ những câu chuyện mà trẻ gặp thường ngày, từ đó phân tích cho trẻ biết đâu là câu chuyện an toàn, tốt cho trẻ, đâu là những tình huống có thể khiến trẻ bị đau, gặp nguy hiểm,…

-  Thứ ba: Hãy cùng trẻ xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải.

-  Thứ tư: Hãy “giới hạn những người tin cậy” cho trẻ biết, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thấy cô, anh chị trong gia đình. Hãy hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà,..) thì hãy nói “không”, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.

- Thứ năm: Để không bối rối trong trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ.

- Thứ sáu: Hãy dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như: quầy thông báo tại siêu thị; đồn công an… mỗi khi đi siêu thị hoặc đi ngang qua những nơi giúp trẻ có thể nhận diện đó là đồn công an.

- Thứ bảy: Nếu đến chỗ đông người, tốt nhất người lớn luôn theo sát trẻ, tránh lơ là vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cha mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]u5YJOHrzNP[/mecloud]


TAG