Dòng sự kiện:

Kỹ năng sống đã giúp 2 em bé thoát chết trong gang tấc thế nào?

14:00 11/08/2015
Hai vụ việc thoát chết hy hữu của em bé 4 tuổi (bị bắt cóc) và em bé 7 tuổi (bị rơi xuống giếng) khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ.

Tin liên quan

  • Kỹ năng bố mẹ phải dạy con thuộc lòng để tránh bị bắt cóc
  • Kỹ năng đi đường an toàn bố mẹ cần dạy bé
  • 7 kỹ năng tự vệ nhất thiết phải dạy trẻ
  • Dạy con những kỹ năng thoát hiểm cực cần thiết khi có hỏa hoạn
  • Bà mẹ 8 con chia sẻ 9 kỹ năng sống cần dạy bé trước 6 tuổi
Các bậc cha mẹ hãy cùng nhìn lại vụ việc để có những bài học kinh nghiệm dạy con kỹ năng sống cho riêng mình.

Bé 4 tuổi tự giải thoát khỏi bọn bắt cóc thế nào?

Chuyện bé gái Huỳnh Kim Ngọc Thảo, chỉ mới 4 tuổi, con của chị Nguyễn Thị Kim Loan (ở xã Suối Bạc, H.Sơn Hòa, Phú Yên) tự thoát khỏi bọn bắt cóc, tống tiền để tìm đường về nhà gây rúng động vùng quê yên bình này.


Khu vực cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo bị bắt giữ.

Trong khi gia đình cùng cơ quan chức năng đang tìm kiếm, cháu Thảo đã bất ngờ thoát nạn trở về. Nhìn con đường từ nhà cháu Thảo đến hiện trường xảy ra vụ án bắt cóc tuy lầy lội, bùn đất ngập ngụa nên khó ai tin một mình bé gái như cháu đã vượt qua. Đôi chân bé xíu của cháu đã dẫm phải gai, lá mía và bị cây cỏ cắt trầy xước.


Con đường mà cháu Huỳnh Kim Ngọc Thảo phải vượt qua, trở về nhà.

Theo lời cháu Thảo, Dũng là người đưa cháu đến khu vực đất trống, có 2 chòi bỏ hoang. Dũng nói với cháu Thảo là đưa đi câu cá.

“Anh Dũng nói là đưa cháu đi câu cá, nhưng đâu có cần câu. Một người khác đứng phía sau cháu, lấy bao chụp cháu lại”, cháu Thảo thuật lại. Người dùng bao chụp cháu Thảo là nghi phạm Hào.

Sau khi bắt cháu Thảo, Hào đã dùng băng kéo trói tay, chân và bịt miệng cháu Thảo lại, rồi trùm bao lại. Trời mưa khiến nước thấm vào băng keo nên khi Thảo dùng chân đạp vào băng keo trói trên tay thì nó tuột ra.


Bé Ngọc kể lại sự việc với người thân.

Cháu liền tháo băng keo trên mắt, miệng, chân rồi tìm đường. Do cháu khá lanh lẹ nên đã leo lên tảng đá cao quan sát, rồi lần ra lối đi. Đi một lát, cháu đi băng qua đám mía, vào nhà một người trong xóm được người này cho nước uống. Người hàng xóm này đã đưa cháu về nhà.

Suốt đoạn đường từ nơi bị bắt, trở về nhà, cháu Thảo đạp phải gai, còn in hằn trên chân. Được trở về trong vòng tay gia đình, cháu Thảo vô cùng vui sướng và hạnh phúc. “Cháu mừng lắm vì được về nhà”, Thảo nói.

Việc cháu Thảo có thể từng bước tháo băng keo, tìm đường chạy về nhà khi bé mới chỉ 4 tuổi cho thấy cháu là một em bé cực kỳ lanh lợi và đây cũng là một bài học thực tế về kỹ năng sống đáng để cha mẹ lưu tâm, kể và dạy cho con mình.

Bé 7 tuổi lọt xuống giếng đợi cứu hộ

1h37 sáng 5/8, bé Tú Anh (7 tuổi, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) bị lọt xuống giếng đã được anh em cứu hộ thành công sau 9 tiếng trong lòng giếng tử thần. Hàng trăm bà con xung quanh vỗ tay vỡ òa vui mừng khi bé vừa được đưa lên khỏi miệng cống, mình mẩy đầy bùn đất.


Bé gái khi vừa được đưa lên khỏi giếng sâu. Ảnh: Tuổi trẻ

Bé Tú Anh tuy đã 7 tuổi nhưng thân hình nhỏ nên bị lọt vào một giếng công nghiệp có đường kính chỉ 40cm, bên trong giếng có một ống nhựa dài để hút nước có đường kính 10cm.

Khi lọt xuống giếng bé ôm được vào thành ống nhựa và rất may mặc dù giếng sâu tới 70m nhưng do có một cục đá nhô ra giữa thành giếng tại vị trí cách miệng giếng khoảng 10 mét nên bé được cục đá này chặn lại.

Sáng 5/8, lực lượng cứu hộ phải đào thêm một giếng khác song song do giếng mà bé gái bị nạn quá nhỏ đến đoạn bé gái mắc kẹt thì thông giếng cứu cháu bé. Ba máy xúc đã xúc hàng trăm m3 đất để tạo mặt bằng giải cứu.


Chiến sĩ cứu hộ cầm dây nối xuống vị trí bé bị kẹt và trò chuyện trấn an bé. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong quá trình giải cứu, lực lượng cứu hộ đưa đưa 1 ống xuống để tiếp nước và oxy cho cháu bé. Các thành viên trong đội cứu hộ cũng thay nhau trò chuyện, vỗ về và trấn an cháu bé.

Do ngâm mình dưới giếng sâu và hoảng loạn, lâu lâu bé Tú Anh lại khóc thét lên và cầu xin mọi người hãy kéo mình lên.

Tâm sự sau khi giải cứu được bé, đại úy Võ Thanh Tra (phòng 5, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương) cho biết đây là một cuộc giải cứu hi hữu nhất mà anh từng tham gia. Một chỉ huy lực lượng cứu hộ cho biết đã huy động gần 200 chiến sĩ từ lực lượng của tỉnh Bình Dương và lực lượng tăng cường của các thị xã tới hỗ trợ.


Khu vực xảy ra tai nạn.

Công cuộc giải cứu kéo dài do miệng giếng rất hẹp, lực lượng chức năng phải đào đất xung quanh để tiếp cận tới vị trí bé bị nạn. “Chúng tôi phải chạy đua với thời gian vì nếu trời mưa chỉ 5 phút thôi thì nước sẽ dồn tới vị trí bé dưới giếng thì chuyện xấu sẽ xảy ra” - vị cán bộ này nói.

Từng xẻng đất được lực lượng cứu hộ móc lên, từng chút nước, oxy theo đường ống đưa xuống giếng cho bé…

Cuối cùng, sau hơn 9 tiếng kiên cường của chính cô bé bị nạn và lực lượng cứu hộ, bé Tú Anh đã được đưa lên khỏi miệng giếng an toàn. Nhìn thấy mái đầu lấm lem đất cát của bé, hàng trăm người dân đã đồng loạt vỗ tay chúc mừng bé và lực lượng cứu hộ.

Vụ việc em bé 7 tuổi khi bị lọt xuống giếng đã rất bình tĩnh để không ngất, không ngủ, không tụt sâu thêm, quấn thừng rất chặt vào tay treo người lên (dưới sự tư vấn của các chú cứu hộ) đợi suốt 8, 9 tiếng đồng hồ để được cứu cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm về sức chịu đựng, sự kiên nhẫn...

Đây là những kỹ năng sống hết sức cần thiết mà các bậc cha mẹ cần phải dạy, rèn luyện cho con từ nhỏ mới có được.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]i6iNfgv33P[/mecloud]