Dòng sự kiện:

Làm gì khi trẻ liên tục phạm lỗi?

16:34 03/11/2015
Có những giai đoạn, trẻ muốn bộc lộ tính tự chủ và muốn thể hiện mình trước mọi người bằng cách chống đối. Sự “nổi loạn” này có thể khiến cha mẹ tức giận, nhưng đó chỉ là những biểu hiện thông thường và bạn cần có cách giải quyết riêng cho từng tình huống khác nhau.
Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ có khuynh hướng phạm lỗi khi tập tính tự chủ. Chẳng hạn, lúc uống nước làm nghiêng ly, đổ nước; ăn cơm làm rơi chén, đổ cơm; rửa tay làm tràn nước ra nhà…Tất cả xảy ra do trẻ còn vụng về nhưng chúng lại muốn những việc này không trải qua sự vụng về, đổ bể. Vì thế, bạn không nên tỏ vẻ khó chịu vì điều này mà hãy trấn an con rằng: “Không sao đâu, mai mốt con sẽ làm tốt hơn”.

Nên tránh những câu nói như: “Con vô tích sự quá, làm việc gì cũng không xong” bởi nó làm đau lòng và ngăn chặn tính ham khám phá của trẻ. Để phát triển, bé phải cảm nhận sự đồng tình của cha mẹ trong giai đoạn “phiêu lưu” của mình. Khi những phút bực dọc đã qua, bạn nên an ủi trẻ: “Mẹ rất hài lòng là con đã biết được điều này. Chắc chắn lần sau, con sẽ làm tốt hơn”. Nếu được bạn động viên và tin tưởng, tự trẻ sẽ biết phấn đấu.

Ở độ tuổi bắt đầu tập đi, bé muốn khám phá thế giới xung quanh nên thường “phạm lỗi” như muốn chạm tay vào bóng đèn đang cháy nóng, chọc tay vào ổ cắm điện, đập bể đồ chơi… Trẻ đang học về cuộc sống và gặp phải những nguy hiểm. Mức độ của các lỗi lầm này tùy thuộc rất nhiều vào sự lo lắng của chính cha mẹ. Càng cảm nhận được sự lo lắng của cha mẹ, trẻ càng làm cho sự lo lắng ấy tăng thêm. Một cách vô thức trẻ cảm nhận rằng, bạn thiếu tin tưởng vào chúng.

Ngược lại, nếu cảm thấy bạn bật đèn xanh cho con khám phá thế giới xung quanh, trẻ sẽ có những hành động tốt hơn. Do vậy, ngay cả khi còn nhỏ, hãy cho trẻ biết đó là những điều cấm kị: “Không được làm thế này, rất nguy hiểm. Lửa cháy phỏng. Dao đứt tay”. Nếu trẻ còn tái phạm, hãy mạnh dạn đánh vào tay trẻ. Bạn cũng nên tận dụng tối đa những dụng cụ an toàn được trang bị trong nhà như miếng nhựa tròn dán vào góc nhọn của bàn ghế, miếng nhựa ngăn chận cánh cửa đóng sập lại… bởi bé rất cần học được kinh nghiệm sống ngay tại nhà. Như vậy, trẻ sẽ được tiếp cận từ rất sớm những nguyên tắc an toàn và có thể tự xoay sở để tránh nguy hiểm.

Trẻ phạm lỗi vì chống đối thường thể hiện qua việc đổ bỏ thức ăn, xé sách vở, nói tục, vẽ bậy… Qua giai đoạn khám phá, trẻ nhận thức được đây là những điều không nên nhưng vẫn cứ làm. Điều này cho thấy, trẻ muốn lôi kéo sự chú ý để chống đối, thách thức. Trường hợp này, bạn nên giữ chặt trẻ đứng yên, nhìn với ánh mắt nghiêm khắc và hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra?”. Khi hỏi, bạn tránh chỉ trích mà để cho trẻ chịu trách nhiệm trả lời về hành động của mình, ngay cả khi bé không có khả năng giải thích điều này. Sau đó, nhắc lại chuyện cấm đoán, quở mắng thật nghiêm và bắt trẻ về phòng. Với trẻ dưới năm tuổi, nếu phạm lỗi nghiêm trọng ngay trước mặt khiến bạn rất giận dữ, bạn có thể đánh vào mông trẻ. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể có những hình phạt khác hợp lý theo cách dạy con của mình.

Theo Sức khỏe Đời sống