Dòng sự kiện:

Làm sao để ngăn chặn trẻ bỏ nhà ra đi?

16:57 05/10/2015
Trẻ em đã “đi bụi” sẽ dễ dàng nhiễm các thói hư, tật xấu, đã đi bụi được một lần thì sẽ bỏ nhà đi tiếp lần hai, vô số lần tiếp theo…

Những lí do khiến trẻ bỏ nhà đi bụi

– Vì sợ cha mẹ đánh mắng là nguyên nhân thường gặp khiến các em bỏ nhà đi.

– Cuộc sống gia đình không hạnh phúc làm trẻ thấy chán chường, không muốn ở nhà.

– Cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, khiến trẻ bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

– Được quan tâm quá mức cũng là lý do khiến trẻ cảm thấy mất tự do, muốn thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ.

– Bị bạn xấu lôi kéo.

Ngăn chặn con lầm lạc

Ở bất kỳ lứa tuổi nào, trẻ em cũng khát khao một tổ ấm hòa thuận, hạnh phúc. Muốn con nên người, hơn bao giờ hết các bậc cha mẹ phải luôn quan tâm, chăm sóc con cái và tạo lập một gia đình có nền nếp. Chỉ có khi đó, những bậc phụ huynh ấy mới thực sự là “lá chắn” cho con mình và cũng là cách để bảo vệ con em trước những thảm họa, cạm bẫy xã hội đang rình rập…

Hiểu diễn biến tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ

Hãy đặc biệt chú ý khi trẻ ở độ tuổi 12 đến 17. Đây là tuổi có nhiều diễn biến mạnh mẽ về thể chất, có nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý, muốn khẳng định mình là người lớn, muốn sống tự lập nên dễ có những hành động dại dột, nông nổi. Khi cha mẹ, thầy cô giáo thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp thì dễ gây tổn thương đến tính tự trọng, tâm sinh lý của trẻ.

Gần gũi trẻ, quan tâm nhưng không quá mức

Cha mẹ lo lắng cho trẻ nhiều quá, cấm đoán trẻ nhiều quá sẽ làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không có sự hòa hợp, thống nhất, dễ hiểu lầm. Sự quan tâm thái quá cũng làm trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, cảm thấy bị xúc phạm.

Không bao giờ dạy trẻ bằng roi vọt

Dạy con bằng roi vọt là biện pháp phi giáo dục, gây vết thương sâu đậm trong tâm hồn trẻ dễ dẫn đến hành động bột phát như tự tử hay bỏ nhà ra đi thoát khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình, tham gia vào các nhóm quậy phá nhằm khẳng định mình.

Xử trí ra sao nếu trẻ bỏ nhà đi

Trước hết cha mẹ phải bỏ qua những bất hòa, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan chức năng để tìm con và đưa con trở về. Mọi sự trách cứ, kiểm điểm chỉ làm tình hình rối ren thêm.

Khi tìm thấy trẻm việc đầu tiên là tìm cách làm dịu tinh thần của con, tuyệt đối không được quở trách hay đánh đập trẻ. Nếu trẻ cương quyết không muốn gặp cha mẹ thì cần sắp xếp một “sứ giả” là người thân thiết, tin cậy của trẻ để thuyết phục trẻ.

Trẻ đã đi khỏi nhà một lần thì rất có thể sẽ tiếp tục bỏ ra đi lần hai, lần ba… Vì thế, hãy tìm hiểu nguyên nhân thực sự để cải thiện quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Trường hợp trẻ đòi bỏ nhà vì muốn tạo áp lực cho cha mẹ thì bạn không nên bỏ mặc hoặc thách thức trẻ mà hãy phân tích cho trẻ về những nguy cơ, hiểm họa có thể xảy ra nếu trẻ xa rời vòng tay gia đình.

[mecloud]jyLxd5ONHs[/mecloud]

Tố Tâm (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam