Dòng sự kiện:

Lộ trình ngôn ngữ theo độ tuổi để biết trẻ chậm nói hay không

16:47 26/12/2016
Nhiều cha mẹ băn khoăn, lo lắng khi con chậm nói và không biết như thế nào là con chậm phát triển ngôn ngữ? Sau đây là những bước phát triển âm thanh - ngôn ngữ của trẻ theo độ tuổi.

Lúc sinh: Trẻ biết khóc

2-3 tháng tuổi: Trẻ có tiếng khóc khác nhau ở từng trường hợp khác nhau, trẻ biết tạo âm thanh thủ thỉ, a ê để "giao tiếp" với ba mẹ.

3-4 tháng tuổi: Trẻ bập bẹ, bi bô những âm thanh một cách ngẫu nhiên.

5-6 tháng tuổi: Trẻ bập bẹ, bi bô các âm thanh một cách nhịp nhàng, có vẻ có nhịp điệu.

6-11 tháng tuổi: Trẻ tạo âm thanh “bắt chước” như ngôn từ thật, có biểu cảm.

12 tháng tuổi: Biết nói 1-2 chữ, nhận biết tên, bắt chước những âm thanh quen thuộc, hiểu những mệnh lệnh đơn giản (như chào, bye bye...).

18 tháng tuổi: Sử dụng được 5-20 từ đơn, bao gồm cả tên.

1-2 tuổi: Có thể nói được câu 2 chữ, từ vựng tăng theo thời gian, biết vẫy tay tạm biệt, biết bắt chước tiếng động vật, biết dùng những từ đơn giản để thể hiện ý muốn.

2-3 tuổi: Nhận biết được các bộ phận cơ thể, biết kết hợp danh từ và động từ, sử dụng các câu ngắn, biết 3-4 màu sắc, biết “lớn” và “nhỏ”, có khoảng 450 từ vựng, thích nghe đọc truyện lặp đi lặp lại.

kham-bs.jpg
Khi con chậm nói, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để con được kiểm tra thính lực. Ảnh minh họa internet.
3-4 tuổi: Có thể kể chuyện, nói câu gồm 4-5 từ, từ vựng khoảng 1.000 từ, biết tên đường, biết hát vài bài hát mẫu giáo đơn giản.

4-5 tuổi: Nói câu dài 4-5 từ, từ vựng khoảng 1.500 từ, nhận biết các màu sắc, hình dạng, hỏi rất nhiều câu dạng “tại sao?” và “ai đó?”.

5-6 tuổi: Nói câu dài 5-6 từ, từ vựng khoảng 2.000 từ, biết đếm đến 10, biết tay phải và tay trái, biết liên hệ không gian (trước, sau, trên dưới, xa, gần), nhận biết “giống nhau” và “khác nhau”, biết địa chỉ nhà, sử dụng nhiều loại câu nói khác nhau.

Nếu con bạn không đạt được những bước phát triển này, nên cho bé đi kiểm tra tổng quát. Bác sĩ có thể có chỉ định xem xét đo thính lực cho bé, ngay cả khi bé có vẻ nghe tốt, hay giỏi nhận biết bằng mắt các dấu hiệu và lời nói. Việc phát hiện sớm các bệnh về giảm thính lực sẽ giúp cho việc can thiệp (nếu có) cho bé sẽ tốt hơn và kịp thời hơn.

Một số trường hợp, trẻ chỉ chậm nói sinh lý, và có thể chậm hơn so với những mốc kể trên. Tuy nhiên, nếu lo, hoặc thấy quá chậm, vẫn nên cho trẻ đi khám, để ít nhất xác định thính lực của trẻ bình thường.

BS Huyên Thảo/PNVN

Nguồn: Gia đình Việt Nam