Lời 'tự thú' của một cô giáo mầm non
LTS. Sau bao vụ việc trẻ bị bạo hành trẻ em diễn ra khắp nơi, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một bài viết của một nữ phóng viên có bút danh là Dương Tuệ Mẫn - trước đây từng là cô giáo dạy trẻ.
Đã chia tay với cái nghề một thời mơ ước hơn 4 năm nay, nhưng những hình ảnh trẻ bị bạo hành vẫn cứ ám ảnh mãi trong cô.
Tâm sự với chúng tôi, nữ phóng viên có bút danh Dương Tuệ Mẫn cho biết: “Tôi quyết tâm chia sẻ với các ông bố bà mẹ trẻ về những tháng ngày làm giáo viên mầm non.
Một công việc mà tuổi thơ tôi hằng mơ ước nhưng cuối cùng tôi phải tự “cuốn gói” ra khỏi ngành vì cảm giác tội lỗi và những mưu mẹo trong những trung tâm tư thục tôi từng dạy”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết này để quý phụ huynh có thêm một góc nhìn về giáo dục mầm non hiện nay, từ đó biết cách mà lựa chọn trường học cho con.
Từ ước mơ đến hiện thực phũ phàng
Sau khi kết thúc phổ thông, tôi đỗ hai trường, một trường đại học và trường cao đẳng. Tất nhiên, bố mẹ muốn tôi bước chân vào giảng đường đại học.
Dù vậy, khi còn ngồi ghế giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi vẫn quẩn quanh với ước mơ trở thành cô nuôi dạy trẻ.
Tôi đã xin làm giáo viên mầm non để học nghề và thật may mắn, tôi được nhận vào một trường, ở đó đang áp dụng chương trình giáo dục sớm.
Bố mẹ nào biết đến chương trình giáo dục này thì các mẹ sẽ thấy nó thật tuyệt vời đối với lũ trẻ! Trong môi trường ấy, mối quan hệ giữa các cô và trò được liên kết chặt trẽ bằng tình yêu thương.
Ở đó, trẻ học mà như chơi, chơi mà như học. Chúng không bị ép buộc điều gì, chúng được làm những điều chúng thích, tuy nhiên, vẫn dưới sự quản lý của các cô và chúng vẫn thu về những kiến thức bổ ích.
Ở đó, tôi không coi mình là cô giáo mà tôi là mẹ của chúng, bạn của chúng, là người cùng chơi với chúng.
Trong môi trường ấy, tôi rút ra một điều, dù là giáo viên hay phụ huynh, hãy dùng tình yêu thương và sự bình tĩnh của mình để rèn dũa lũ trẻ. Tình yêu thương sẽ làm tan chảy mọi sự bướng bỉnh và khó bảo. Các phụ huynh hãy kiên trì.
Tôi chăm sóc và dạy trẻ ở nhóm tuổi từ 1 tuổi đến 3 tuổi. Một môi trường nói không với bạo lực, kể cả từ cái đánh vào lòng bàn tay con cũng không được phép.
Ở đó, không một giáo viên nào có quyền chê bai các bé. Tất cả giữa cô và trò là những tiếng cười, những cái thơm má, những lời nói dịu dàng nhưng trò rất nghe lời cô.
Sau khi học nghề ở đó được hơn một năm, tôi nghĩ mình đã đủ kỹ năng để xin cho mình một nơi tốt hơn và có một mức lương ổn định.
Ngày tôi nghỉ dạy, lũ trẻ ở lớp 4-5 tuổi không chịu học bài. Chúng khóc trong suốt bữa ăn vì biết cô không còn gặp tôi mỗi ngày. Lũ trẻ lớp tôi thì ôm chặt lấy cô không cho tôi đi, chúng mếu máo nói: “Cô đừng đi, con không cho cô đi…cô ở lại dạy chúng con”.
Với tôi đó là những ký ức đẹp nhất trong đời làm cô nuôi dạy trẻ, bởi sau đó tôi đã sa chân vào những “động” chăm trẻ ở Hà Nội khiến tôi bàng hoàng đến mức quyết định từ bỏ luôn nghề nuôi dạy trẻ.
Sau hai tháng nghỉ làm, tôi đã xin cho mình công việc mới, đó là một trung tâm mầm non tư thục ở khu vực Định Công, Hà Nội.
Bắt đầu ở đây, tôi thử việc 3 ngày, đó là ba ngày địa ngục với lũ trẻ ở trung tâm này.
Tôi đến phỏng vấn vào sáng thứ hai. Chưa đầy 15 phút nói chuyện với chủ Trung tâm, tôi được nhận vào và bắt đầu công việc với trẻ.
Trung tâm này là một căn nhà 4 tầng. Từ tầng 1 đến tầng 3 là các phòng học. Tầng 4 và Tum là nơi gia đình chị chủ sinh hoạt và bếp.
Tôi lên tầng 2 có 2 phòng, một phòng các bé tuổi nhỏ nhất. Phòng đối diện trẻ từ hơn 2 tuổi đến 4 tuổi, đó là lớp tôi phụ trách khoảng 15 trẻ đang chuẩn bị ăn sáng.
Bạo hành trẻ đang là vấn nạn nguy hiểm ở cấp học mầm non (ảnh nguôn giaoduc.net.vn - chỉ mang tính minh họa).
Hai tay cô, 1 tay bưng bát cháo, tay còn lại cầm thìa inox xúc như một chiếc máy. Lần lượt từng trẻ thấy cô xúc và đưa cháo đến miệng mình thì tự há và nuốt thật nhanh như một cỗ máy bé nhỏ.Tất cả trẻ được ngồi gọn một chỗ như lợn con. Lúc ấy có tôi và 3 cô khác nữa. Mỗi cô sẽ gọi 4 bé ra ngồi xung quanh cô để ăn sáng.
Bốn trẻ ăn chung một cái thìa, chung một bát cháo. Cứ như vậy lần lượt đến hết bốn bát cháo. Hết phần mình các cô sẽ gọi tiếp bốn bạn khác thay thế.
Tôi bật khóc ngay sau một giờ thử việc
Hầu như không đứa trẻ nào không nôn ói một hai lần trong bữa ăn. Cô B. hét lên, sau đó là 3 tiếng Bốp! Bốp! Bốp khiến tất cả các đôi mắt đều đổ dồn về nơi phát ra âm thanh ấy.
Tôi sợ đến sởn da gà khi thấy cô nàydùng chính những chiếc thìa trên mâm là dụng cụ trừng phạt trẻ khi nôn, ói. Tay cô cầm cán thìa đập bôm bốp vào hóp đầu đứa trẻ tội nghiệp.
Thấy vậy, bé bên cạnh nhìn bạn bị đánh rùng mình sợ hãi không dám khóc, không dám ói nữa.
Hình ảnh cháu bé bị đánh đập thậm tệ tại cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội) (Ảnh cắt từ clip - mang tính minh họa).
Nhận ra vẻ mặt buồn của tôi, các cô không hài lòng. Một cô giáo (SN 1991, tốt nghiệp đúng chuyên ngành một trường cao đẳng sư phạm mầm non) vừa cười vừa nói với tôi:Tôi ngồi đó, chết lặng và nghẹn lòng hòa trộn với sự bất lực, chua xót. Không thể chịu đựng thêm vì ức chế trong câm lặng. Tôi vội vàng đứng lên giả bộ đi lấy khăn ăn cho các con, tay đưa vội lên lau nước mắt.
“Ngày đầu em vào đây, em cũng như chị. Em thấy trẻ bị đánh như vậy, em sợ lắm. Nhưng giờ thì quen rồi, đánh chúng nó em lại thấy sướng tay!”.
Nói xong cô bật ra tiếng cười ha hả cùng những đồng nghiệp, còn tôi thở dài buồn bã. Trong suy nghĩ tôi tự hỏi:
“Ai cũng nói tuyển giáo viên mầm non phải tuyển đúng chuyên môn. Đúng chuyên môn là đây chứ đâu. Những người không có tình yêu thương thực sự thì sao làm sao sống và yêu nghề nuôi dạy trẻ được?”.
Sau khi con bị trừng phạt bằng những nhát thìa bốp bốp trên hóp đầu. Đau nhưng bé không dám khóc, còn cô B. tiếp tục bón những miếng cháo con vừa ói ra bắt con ăn hết chỗ ấy.Chợt một bé chưa kịp nuốt nên ói ra ngoài. Cô B.vội vàng đưa bát cháo đang cầm trên tay hứng chỗ cháo trẻ vừa ói ra, miệng quát the thé.
Tất nhiên, những cô khác cũng đánh nhiệt tình như cô B. vậy.
Tôi lợm giọng khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Lúc ấy, mắt tôi cứ nhòa đi, không biết làm thế nào, nhưng tôi biết mình đã rơi vào một cái “động” chăm trẻ chứ không phải trường mầm non.
Tôi bị các cô nhắc nhở cho trẻ ăn chậm, không đạt chỉ tiêu vì thời gian chỉ trong 15 -20 phút, 2 cô phải cho 15 trẻ ăn xong (hôm nay ngoại lệ nên có 3 cô).
Đặc biệt hơn, mỗi bữa trẻ phải ăn những bát cháo rất lớn. Một bát cháo người bình thường ăn khó khăn mới có thể ăn hết được nhưng các con không được bỏ thừa dù chỉ 1 thìa.
Buổi trưa cũng tiếp tục món cháo ấy, một số trẻ ăn được cơm nhưng chúng nhai chậm cũng bị các cô dùng “chiêu ra đòn” như lúc sáng.
Trong lớp hôm đó có một bé mới đến nên trưa bé không chịu ngủ, con chỉ nằm khóc.
Các cô thay nhau đi ăn, tôi nằm ôm, ru con ngủ và ăn sau. Khi con vừa ngủ, một giáo viên xuống thay tôi nằm cạnh bé.
Đang ăn cơm, bỗng tiếng cô tát vào mặt con bốp bốp vì lí do con không chịu ngủ mà đang nhìn trộm điện thoại của cô…Và cậu bé chỉ khóc dé lên một tiếng sau đó im bặt vì sợ hãi.
Tất cả mọi hành động vui chơi của các bé, khi không được các cô hài lòng đều được giải quyết bằng những phát tát vào hóp trán.
Chúng ăn quát, ăn tát nhiều đến nỗi, nhìn xung quanh lớp đứa trẻ nào cũng có vấn đề. Chúng không dám cười, đôi mắt đứa nào cũng ướt, đượm một màu sợ hãi.
Những đứa trẻ ấy xinh xắn, thông minh, đặc biệt chúng ăn được nên không bị ép ăn nhiều. Các con tự giác hơn trong bữa ăn.Có bé bị đánh đến nỗi lì đòn, hỏi không chịu nói, gọi bé cũng chẳng thưa. Trong số gần 20 trẻ chỉ khoảng 3,4 bé là ít bị đánh.
Bữa chiều, lại bát cháo to, khẩu vị y nguyên như bữa sáng. Vẫn một mùi cháo ninh với xu hào, khoai tây và thịt.
Cả cô và trò đều là cái máy xúc và máy nghiền cháo nhanh thoăn thoắt trong lớp học ảm đạm.
Ngày thứ 2 thử việc, Cô L., giáo viên dạy lớp lớn kể phụ huynh của bé K. đến và biếu cô 500.000 tiền bồi dưỡng, mong cô chăm sóc con họ chu đáo hơn.
Dù đã 5 tuổi nhưng K. vẫn ăn cháo mỗi bữa vì chỉ ăn cháo con mới ăn nhanh và ăn được nhiều. K. là một cậu bé cao, lớn, ăn uống được nên giờ ăn không là cực hình với con.
Nhưng một tuần 5 ngày đến lớp thì cả 5 ngày ăn một món cháo như thế này nên đứa trẻ nào cũng nôn ọe khi nhìn thấy các cô bưng khay cháo từ trên tầng đi xuống.
Theo lời cô L. kể, trưa hôm đó K. bị ói, cô đã hứng lại toàn bộ số cháo K. ói ra và trong chiều hôm đó, ngoài một bát cháo vật vã như các bạn, K. phải nạp thêm bát cháo ôi thiu để từ trưa mà con đã ói ra từ buổi trưa để lại. Thật kinh hoàng.
Bữa chiều: Vẫn màn ăn uống và tiếng khóc the thé như vậy, vẫn những đôi mắt nhìn thấy cháo đã ngán và ói khan chảy cả nước mắt mà lũ trẻ không dám khóc.
Đến lúc này, khi bưng khay cháo từ tầng 4 xuống lớp học ở tầng hai cũng làm tôi muốn ói vì chỉ duy nhất một mùi nồng của khoai tây, cà rốt ninh nhừ.
Bé K. được đưa lên tầng hai ăn vì tầng 1 đã ăn xong, nhưng còn cháo thừa nên K. phải ăn thêm.
Sau bao lần muốn ói và bị dọa dẫm, cậu bé liên tục lấy tay vuốt ngực, miệng nói: “Không ói, không ói…”Bụng con to như cái trống phưỡn ra phía trước. Khi ăn đến bát cháo thứ 2 con lắc đầu lia lịa nhưng ánh mắt và tiếng quát the thé của cô, cùng với đó, tay cô cầm sẵn chiếc thìa dứ dứ như sắp đánh khiến thằng bé vẫn há miệng đều đều.
Bỗng ào ào K. phun ra khi cô không kịp kiểm soát, mặc cho tiếng quát của các cô, miệng K. phun cháo như chiếc van xả lũ, cháo ồng ộc bắn cả lên áo cô L. đang ngồi đối diện cho ăn.
Cơn điên bốc lên, sau màn nôn, ọe của K. cô L. giận giữ lôi con vào nhà vệ sinh, đi bên cạnh là 2 cô khác cùng vào.
Họ dốc đầu bé K. vào bồn cầu khi cậu bé khóc thét sợ hãi. Lũ trẻ ngồi ngoài nháo nhác nhìn bằng đôi mắt kinh hoàng.
Sau màn dọa dẫm, K. về chỗ ngồi và ăn nốt phần còn lại. Đôi mắt con đỏ ngàu và chưa hết hốt hoảng sợ hãi. Tuyệt nhiên, nó ăn ngoan và quên hẳn những cơn nôn, ọe.
Tôi đứng đó chết lặng chỉ biết thì thầm: “Trời ơi, đây là lớp mẫu giáo thật ư? Tôi đang đứng ở đâu thế này?”.
Không hiểu trong lúc ăn, cô L. dẫn bé K. vào nhà vệ sinh va chạm thế nào khiến con bị rách một mép, chảy khá nhiều máu.
Khi K, đưa tay lên quệt má vô tình thấy máu nên sợ hãi nói lớn: “Cô tát con chảy máu”.
Cô L. nghiêm mặt quát: “Ai tát mày” và kéo K. vào gần để xem vết thương và ngọt nhạt: “Đây là con chơi, va vào cạnh tường, nên chảy máu. Con nhớ chưa? Nếu bố mẹ hỏi thì con phải nói là con va vào cạnh tường, nghe chưa?”
Thằng bé vẫn khăng khăng, cô tát con… cô L. lại quát lên: “Là do va vào cạnh tường. Bố mẹ nói thì phải bảo con va vào cạnh tường”.
Vừa nói, tay cô vừa chỉ vào mặt K. và bắt con nhắc lại y nguyên lời cô vừa nói. Cứ như vậy, K. như một cái máy.
Lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần duy nhất một câu:“Con chơi với bạn bị va vào cạnh tường”.
Thỉnh thoảng đang chơi với các bạn lại có một cô gọi con ra hỏi câu hỏi cũ. K. trả lời sai thì cô gắt lên, sau đó lại nhắc lại cho đúng ý cô.
Mỗi lần K. nói đúng lại được cô thơm má và vuốt ve cùng câu khen: “Con giỏi lắm, cô yêu K.”.
Đến lúc này, tôi thực sự tuyệt vọng và thầm nghĩ: “Khốn nạn, khốn nạn thật, bạo hành lũ trẻ đã là xấu lắm rồi, nay còn dạy trẻ nói dối.
Tương lai của bọn trẻ sẽ đi về đâu đây? Từ lúc này trong đầu tôi đang nghĩ cách làm thế nào để cứu lũ trẻ.
Nền giáo dục trong trung tâm này phải được thay đổi, nhất định phải thay đổi”...
Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn, kinh nghiệm và cách hành văn của riêng tác giả.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Ninh Bình: Một cháu bé 3 tuổi gửi ở cơ sở mầm non tư thục tử vong
- Hơn 40 trẻ mầm non ở Sài Gòn bị "nhốt" trong xe khách sau tai nạn
- Không đưa giáo viên thiếu chuẩn xuống dạy mầm non
- Cô giáo mầm non hiến thận cứu sống bé gái 5 tuổi
- Bộ GD&ĐT trả lời việc chuyển giáo viên xuống dạy mầm non
- Mầm non cho trẻ: Học phí của 10 trường 'sang chảnh' nhất Hà Nội
- Nghi án cô giáo mầm non dội nước vào đầu trẻ: Tạm đình chỉ công tác hiệu phó
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua