Dòng sự kiện:

Mách cách "trị" trẻ biếng ăn mà không phải ép

02:34 23/06/2015
Trẻ biếng ăn là vấn đề khiến nhiều bố mẹ đau đầu. Để dỗ trẻ ăn, nhiều mẹ còn bày hết trò, thậm chí hò hét, la mắng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ.

Mỗi trẻ em là một cá thể khác nhau và có nhu cầu ăn uống khác nhau. Rất nhiều gia đình, vì muốn dỗ cho trẻ ăn nên đã làm mọi cách để ép con ăn. Tuy nhiên, ép con ăn khi bé không muốn ăn lại vô tình gây ra rất nhiều nguy hiểm. Dưới đây là những tác hại của việc ép con ăn mà các bậc cha mẹ cần biết:

Trẻ càng biếng ăn hơn

Một nghiên cứu trên hơn 300 gia đình có trẻ từ 2 tuổi đến 4 tuổi và một khảo sát trên trẻ 7-9 tuổi ở Canada cho thấy: những gia đình có cha mẹ càng ép trẻ ăn cho "tròn bữa" thì trẻ lớn lên càng có nguy cơ bị rối loạn ăn uống như chán ăn, biếng ăn.

Nguyên do là ép trẻ ăn món trẻ không muốn khiến các bé mất khả năng tự quản lý thói quen ăn uống của mình, từ đó trẻ hoặc ăn quá ít, hoặc ăn quá nhiều khi lớn lên.

Trẻ biếng ăn là nỗi sợ của bất kì cặp bố mẹ nào.

Hội thảo công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ Đông Nam Á cho thấy: 50% trẻ em Việt Nam thiếu các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ép ăn quá mức của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này

Nếu bị ép ăn, trẻ sẽ dùng thức ăn để mặc cả với cha mẹ như tuyệt thực hay nôn ói để chọc giận người lớn, khiến mẹ phải cho quà thì mới chịu ăn. Dần dần, khi lớn lên, trẻ lại tiếp tục xem việc học, việc tự lập của mình là điều kiện mặc cả với cha mẹ.

Mỗi khi ép con ăn, cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng, bực dọc. Tuy nhiên, cha mẹ không biết rằng, lúc này, con cũng bị mệt mỏi, bức bối không kém. Thậm chí, khi trẻ lớn lên dễ trở thành người hay căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm hoặc có khuynh hướng hung hăng, gây hấn.

Khiến trẻ không thể phân biệt đói - no

Cũng theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cơ thể trẻ có thể tự cảm nhận được mức độ no và đói. Tùy theo thể trạng và khả năng hấp thụ mà mỗi trẻ sẽ có mức ăn khác nhau. Các bà mẹ thường so sánh con với những đứa trẻ khác và ép con ăn.

Trẻ không có cảm giác đói.

Tuy nhiên, nếu trẻ đã cảm thấy no và không muốn ăn nữa thì mẹ nên dừng lại. Việc ép con ăn cố sẽ khiến cơ thể con mất khả năng phân biệt đói và no, càng biếng ăn, thậm chí sợ ăn.

Thừa cân

Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Nguyên nhân là khi trẻ bị ép ăn nhiều, dẫn đến lượng lipid trong máu cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Không những thế, nếu tình trạng này kéo dài thì những trẻ em này sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh khác khi trưởng thành.

Tạo thói quen xấu trong ăn uống

Một điều nữa mà các bậc cha mẹ nên biết là khi trẻ bị ép ăn sẽ trở nên gầy hơn và bị suy dinh dưỡng hơn những trẻ không bị ép ăn. Điều này dẫn đến một kết quả xấu đó là: bố mẹ tìm cách ép trẻ ăn vì chúng gầy, nhưng trẻ tiếp tục gầy vì chúng bị ép ăn.

Trẻ không muốn ngồi vào bàn ăn.

Hơn nữa, trong lúc ép con ăn thường bố mẹ sẽ có chính sách trao thưởng nếu con ăn hết. Việc này ảnh hưởng xấu đến thói quen ăn uống của trẻ, trẻ ăn vì “phần thưởng” chứ không phải ăn vì chúng muốn ăn, hay cảm nhận được thức ăn ngon.

Lời khuyên của các chuyên gia

Các chuyên gia dinh dưỡng đều cho biết, tùy theo thể trạng và khả năng hấp thụ mà mỗi trẻ sẽ có mức ăn khác nhau. Vì thế, để không phải ép trẻ ăn, các bậc cha mẹ nên nhớ những điều dưới đây:

- Ngay từ khi bé mới được sinh ra, người lớn cần nắm rõ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy tập cho con thói quen ngồi ăn tập trung ngay từ ngày đầu tiên, tránh đưa con đi rong. Không nên vừa ăn vừa xem tivi, nghịch đồ chơi, hay đi rong ngoài đường sẽ khiến con mất tập trung, mải chơi nên lười ăn.

- Khi nấu ăn cho trẻ, mẹ cần chế biến những món riêng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Cách chế biến cần hấp dẫn và thay đổi liên tục để kích thích vị giác và sự ngon miệng của trẻ.

- Hạn chế cho bé ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy bé cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát.

- Người lớn cần tạo cho bé thời gian để tăng các hoạt động thể chất. Cho bé vui chơi hay tham gia tập thể dục sẽ là cách để bé khỏe hơn, hạn chế thời gian xem tivi hay ngồi ì một chỗ.

- Trong mọi trường hợp không nên được bắt buộc trẻ em ăn vì điều này xem ra còn nguy hiểm hơn là sự suy dinh dưỡng. Hãy để chúng ăn khi chúng có nhu cầu và hào hứng với việc ăn uống.

- Cho bé đi khám định kỳ, người lớn cần thường xuyên ghi lại các chỉ số về chiều cao, cân nặng của bé để dễ dàng phát hiện những biểu hiện lạ như cân nặng của bé tăng đột biến hay những mầm mống bệnh tật mới hình thành.

- Khi thấy con có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc quá biếng ăn, cần đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị đúng nhất theo chỉ định của các bác sĩ.

Khi một đứa trẻ bắt đầu có dấu hiệu biếng ăn, nếu bố mẹ không ngăn chặn kịp thời thì tình trang cơ thể thiếu dưỡng chất sẽ trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Hãy dùng tất cả các biện pháp thật đúng và chính xác để ngăn ngừa và chữa biếng ăn cho trẻ.

Hỗ trợ kịp thời cho hệ tiêu hóa của trẻ

Việc làm trước tiên là phải dùng các biện pháp để tăng hiệu suất hấp thụ dưỡng chất có trong thức ăn trong mỗi bữa ăn của bé.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chua phát triển đầy đủ nên chưa hoàn thiện và rất non yếu. Cho nên khi ăn uống bé khó có thế hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Điều phụ huynh phải làm là hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn bằng cách bổ sung lợi khuẩn cho bé bằng đường ăn hoặc uống. Nhiều mẹ học cách làm sữa chua để bổ sung lợi khuẩn cho con. Sữa chua sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.

Nhiều mẹ tìm những thực đơn cho trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng để bổ sung dưỡng chất cho bé. Đi kèm các thực đơn này là những món ăn rất giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa nên cho dù trẻ ăn ít nhưng vẫn có được lượng dinh dưỡng đầy đủ cho quá trình tăng trưởng và phát triển.

Ăn sữa chua làm kích thích tiêu hóa của trẻ.

Nếu cách này không thành công và tình trạng trẻ biếng ăn ngày càng trầm trọng hơn, mẹ nên cho bé gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn tốt nhất.

Giúp bé ăn ngon miệng hơn

Để giúp bé ăn ngon miệng hơn, mẹ có thể áp dụng hai cách đó là tăng cường các chất kích thích thèm ăn và ngon ngon như Vitamin nhóm B, kẽm, lysine,…và cách còn lại là hãy trở thành một nghệ sĩ trong nhà bếp để chế biến những món ăn bổ dưỡng, thơm lừng và vô cùng bắt mắt.

Với cách đầu tiên, mẹ có thể bổ sung vitamin nhóm B, kẽm và lysine cho con bằng cách lựa chọn rau củ quả, ngũ cốc và cũng có thể là sữa công thức.

Với cách thứ hai, mẹ nên để ý tới màu sắc, mùi vị và cách trình bày các món ăn vì chúng rất quan trọng trong quá trình giúp bé ăn ngon miệng.

Cho bé ăn khi bé thực sự đói và muốn ăn

Mẹ hãy dành thời gian theo dõi bé để biết khi nào bé thực sự đói và muốn ăn để cho bé ăn kịp thời. Điều này rất quan trọng. Nó giúp bé biết đâu là no, đâu là đói và tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn. Khi đói, dạ dày của người tiết ra nhiều enzym để kích thích cảm giác thèm ăn, ngay cả ở trẻ em cũng vậy. Khi bé đói và muốn ăn, mẹ nên cho bé ăn với một lượng thức ăn vừa đủ để bé có thể ăn ngon lành ở bữa ăn sau.

Tạo lập thói quen ăn uống khoa học cho trẻ nhỏ

Hãy cho trẻ luyện tập các thói quen tốt ngay từ khi còn bé, đặc biệt là ăn uống. Với thói quen ăn uống khoa học, bé sẽ phát triển một cách toàn diện hơn. Chỉ cho trẻ ăn ba bữa chính và hai bữa phụ trong ngày và dãn cách thời gian mỗi bữa ăn là 2 tiếng đồng hồ. Mọi bữa ăn đều phải được diễn ra tại một thời gian nhất định trong ngày.

Tập thói quen muốn ăn cho trẻ.

Ngoài ra, mẹ phải giúp bé tránh các thói quen xấu như ăn vặt trước bữa cơm, xem tivi hoặc chơi khi ăn.

Mọi người cùng chung tay giúp trẻ hết biếng ăn

Nhiều trẻ có cảm giác sợ hãi khi bước vào một bữa ăn vì chịu áp lực ăn uống từ bố mẹ. Bố mẹ không nên ép bé ăn bằng phương pháp dọa nạt hay bạo lực. Điều này chỉ làm cho tình trạng biếng ăn ở trẻ trở nên trầm trọng hơn thôi. Hãy cùng tất cả các thành viên trong gia đình tạo không khí vui tươi trước và trong bữa ăn để bé không có cảm giác bữa ăn là “một cuộc chiến”. Một cuộc thi ăn giữa ông bà hoặc bố mẹ với bé, ai ăn hết trước sẽ được massage chẳng hạn. Hãy linh hoạt trong phần thưởng để tránh làm bé chỉ ăn khi phần thưởng là bánh kẹo, đi chơi,…

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé tham gia các lớp bơi lội, võ thuật,…để cơ thể bé vận động nhiều. Vận động nhiều sẽ làm cơ thể mau đói và giúp bé ăn ngon hơn.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp cho các mẹ trả lời được câu hỏi Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hãy chăm con có khoa học để bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí não nhé các mẹ!

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)