Dòng sự kiện:

Mất việc, khốn khổ vì thấy vàng trong rác

20:00 31/08/2015
Trong lúc đang phân loại rác, chị Mai phát hiện chiếc bóp có nhiều vàng. Sau 1 năm giao nộp cho cơ quan công an tìm chủ sở hữu mà không ai đến nhận. Trong khi đó, chị bị mất việc làm lâm vào cảnh cùng quẫn.
 Phạm Tuyết Mai, một nữ công nhân phân loại rác, 35 tuổi, tạm trú khóm 3, P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau, tình cờ phát hiện chiếc bóp có nhiều vàng trong lúc làm việc. Sau một năm giao nộp cho cơ quan công an tìm chủ sở hữu mà không ai đến nhận, tới nay người phát hiện vẫn chưa được nhận một phần hay toàn bộ số vàng. Trong khi đó, chị bị mất việc và lâm cảnh cùng quẫn.

Chị Mai cung cấp hồ sơ vụ việc.

Trao đổi với phóng viên báo Thanh niên hôm 30/8, chị Mai cho biết “Khoảng 15 giờ ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác thì tôi thấy có cái bóp da, mở ra xem tôi phát hiện có nhiều vàng nên nói cho những người làm chung biết và cất đi. Ít phút sau, lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau biết, lập biên bản giữ lại số vàng. Tôi không đồng tình giao vàng cho nhà máy, nếu trả thì trả cho người mất nên tôi gọi báo công an đến lập biên bản và nhờ thông báo tìm chủ sở hữu”.

Chị cho hay từ khi chị phát hiện số vàng đó thì cuộc sống gia đình chị lâm vào cảnh cùng quẫn. Ngày chị Mai phát hiện cái bóp có vàng, chị đã bị cho nghỉ làm. 5 ngày sau đó thì có quyết định cho nghỉ việc chính thức. Chồng chị đang bệnh viêm khớp không làm được những việc nặng nên chị Mai là lao động chính trong gia đình. Hai vợ chồng chị ở H.Đầm Dơi lên TP.Cà Mau thuê nhà trọ ở để đi làm thuê. Khi mất việc, chị phải đi làm thuê đủ thứ để lo cho chồng, con. Nhưng bây giờ thì quá túng quẫn khi công việc làm thuê của chị không ổn định, vợ chồng chị phải gửi con về quê nhờ mẹ chị nuôi giúp.

Nhà máy không tranh chấp”

Về phía Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành cho biết: “Số tài sản đó do chị Mai nhặt được nên phải báo và giao nộp cho công an. Giờ mọi việc giải quyết theo quy định, nhà máy cũng không tranh chấp. Nếu được coi là tài sản của nhà máy thì chúng tôi cũng chia đều cho công nhân đứng cùng băng chuyền với chị Mai hôm đó”.

Sau khi chị nộp số vàng cho Công an TP.Cà Mau thì đơn vị này đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, sau một năm kể từ ngày ra thông báo công khai không có ai đến nhận nên chị Mai có đơn yêu cầu xin nhận lại. Công an TP.Cà Mau hẹn chị Mai vào ngày 16/9 đến giải quyết. Theo biên bản ban đầu, số vàng chị Mai nhặt gồm: 1 vòng vàng, 4 dây chuyền vàng; 3 mặt dây lớn nhỏ; 10 nhẫn, 3 đôi bông tai, 1 mặt dây chuyền bị gãy... Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho biết tổng cộng là 2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K.  

Quá trình làm đơn xin nhận lại số vàng, chị Mai cũng đã nhận được văn bản trả lời của Công an TP.Cà Mau. Theo đó, cơ quan này cho biết sẽ áp dụng khoản 2, điều 241 bộ luật Dân sự (BLDS), xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Tức là sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước.

Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Mai, luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau) cho biết: “Trong trường hợp này nên áp dụng khoản 2, điều 239 BLDS, trường hợp vật không xác định được chủ sở hữu mới hợp lẽ. Nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số vàng đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật”. Việc cho rằng số vàng là vật bị đánh rơi, bỏ quên để giải quyết là không ổn bởi “chị Mai phát hiện trong rác chứ không phải nhặt”.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video: 

[mecloud]oxg2Tz7z5f[/mecloud]