Dòng sự kiện:

Mẹ bầu tự bê đất lên sân thượng trồng rau, nuôi gà vịt cả nhà ăn không xuể

14:27 20/07/2016
Vừa mang bầu, vừa đi làm lại bị chồng phản đối quyết liệt nhưng chị Hà Anh vẫn không từ bỏ đam mê làm "nông dân" của mình.

Bắt đầu đam mê của mình từ hơn 2 năm trước, nông trại nhỏ trên cao của chị Phạm Hà Anh (Hải Phòng) giờ đây đã đầy ắp những luống rau xanh mướt cùng đàn gia cầm mập mạp. Quyết tâm của chị đến từ sự lo lắng vì thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường, khó phân biệt với thực phẩm sạch nên chị đã lên kế hoạch hoàn hảo cho nông trại nhỏ của mình.


Cả đàn chim bồ câu được nuôi trên sân thượng.

Thời gian đầu thực hiện, vì chưa có đất trồng nên chị chọn nuôi một số con vật trước như ngỗng, ngan, bồ câu và cả thỏ. “Nuôi vì chúng đẹp” là một trong số những lý do dễ thương mà bà mẹ trẻ này chia sẻ.




Được hỏi đến khó khăn khi nuôi các con vật trên sân thượng, chị Hà Anh chia sẻ rằng việc mang đồ lên cho chúng là mệt nhất. Còn về phần vệ sinh thì không có vấn đề gì vì trên tầng thượng có cống thoát nước nên chị quây rào luôn tại đó để nuôi, chỉ cần xả nước cho sạch là xong.

Lúc mới bắt đầu làm, chị Hà Anh dù đang mang bầu nhưng vẫn quyết tâm thực hiện sở thích của mình. “Khó khăn nhất lúc đó là chồng không ủng hộ, phản đối kịch liệt vì mình vừa mang bầu và lại còn đi làm nên anh sợ mình vất vả. Nói thật đến giờ vẫn nghĩ là lúc đó mình cũng liều thật, mới mang bầu được 2 tuần thôi nhưng mình vẫn bê đất lên tận sân thượng tầng 4, cũng chỉ vì đam mê, vì mong sẽ gây dựng được khu vườn thật nhanh. Mãi sau, khi đã bê được kha khá rồi thì mình thuê được một chị ve chai đến làm giúp”, chị chia sẻ.

Khi đã chuẩn bị đủ đất, chị lại tiếp tục tự lo liệu chọn giống, mua vật tư thiết kế khu vườn. Không chỉ tầng thượng, chị Hà Anh còn tận dụng cả hai ban công dài 11m để nuôi trồng, thỏa mãn sở thích của mình.

Để trang trải cho khu vườn, chị Hà Anh đã bỏ ra một số tiền không phải là nhỏ. Tổng chi phí cho việc mua nguyên vật liệu và giống cây cũng lên đến gần 30 triệu.


Về công việc trồng rau, lúc đầu chị mới chỉ trồng một số loại rau ăn như rau cải, rau muống, … kết hợp với đó là một số loại quả như dưa lưới, dưa lê, dưa vàng,… Và sau một thời gian, “rau mẹ đẻ rau con” cùng với bàn tay khéo léo, vườn rau nhà chị đã phát triển đến mức “ăn không kịp”.



Thời gian chăm sóc vườn của chị Hà Anh cũng rất gọn gàng. Buổi sáng, tranh thủ lúc con chưa ngủ dậy thì chị lên tưới cây, chăm sóc vườn tược, cho ngỗng, cho thỏ ăn… Đến buổi chiều lại lên một lần nữa, lặp lại những việc như thế, có thêm thời gian thì bắt sâu, vệ sinh chuồng cho các con vật. Không cần nhiều thời gian chăm sóc, vườn rau nhà chị vẫn cung cấp đều đặn những ngọn rau xanh, ngon lành.

Không chỉ vậy, rau trong khu vườn gia đình ăn không xuể, chị Hà Anh hái bớt đem cho người thân. Sau đó, chị còn trồng thêm rau mầm và bán cho hàng xóm xung quanh, thậm chí còn giao rau cho một số nhà hàng.

 Chị Hà Anh còn cho biết thêm: “Sau khi trồng rau được một thời gian thì biết mình bị bệnh, khi đó mình sinh bé được 13 tháng. Hơn thế, gia đình mình cũng có điều kiện nên chồng mình không đồng ý việc mình làm chút nào. Nhưng với mình, lao động chân tay như vậy là niềm vui, là cách giúp mình quên đi những phiền muộn, cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Thực sự là khi thu hái thành quả tự tay mình là ra, vui lắm, từ nhỏ mình đã có tính này rồi nên khó ai có thể ngăn cản được mình”.





Không chỉ vậy, chị còn kỳ công làm cả tỏi đen và dầu gấc để bán. Chị cho biết, tỏi lấy từ quê nhà người quen còn gấc là khi bị bệnh được nhiều người cho nên rất ngon và sạch. Chị còn chia sẻ rằng, mỗi mẻ tỏi đen bán được chị đều trích một phần để làm từ thiện cho các bé có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật.

Theo PNO