Dòng sự kiện:

Mẹ đẻ non vì cố nặn sữa non tích trữ cho con

03:06 30/07/2015
Nghe các chị em sản phụ khác mách là nên lưu lại những giọt sữa non đầu tiên của thai kỳ để dành cho con, chị N. cũng nghiến răng chịu đau nặn sữa. Sau vài lần nặn sữa, chị N. thấy đau bụng.

 

 

 

Theo tin tức từ báo Infonet, mang thai ở tuần thứ 36, chị Nguyễn Thanh H., Chùa Bộc, Hà Nội được bạn bè kháo nặn sữa non để dành cho con và nặn sữa để tránh sau khi sinh mất sữa và tắc tia sữa. Tối nào trước khi đi ngủ, chị H. cũng dành cả tiếng đồng hồ ngồi vê đầu ti nặn sữa non với hy vọng dành được những dòng sữa non đầu tiên cho con.

Dù bụng to, đau lưng, chị H. vẫn cố nặn từng giọt một. Ngày nào nhiều thì được 2ml, có ngày nặn đỏ cả ngực chỉ được vài giọt sữa màu vàng nhạt. Chị H. trân trọng từng giọt, chị lấy xilanh hút vào rồi cho vào túi chuyên dụng đựng sữa để vào một khay trong ngăn đá.

Hình ảnh xilanh chứa sữa non vừa vắt được một mẹ bầu đang mang thai chia sẻ trên mạng. 

Nặn quá nhiều lần, đầu ti của chị H. đau nên trước khi nặn chị phải massager vài phút rồi mới nặn, vừa dễ ra sữa non, vừa đỡ đau.

Chính đêm hôm đó, chị vừa đi ngủ thấy bụng đau và có cơn co tử cung như muốn sinh. Chị và chồng vội vàng vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sinh. Chị H. lo lắng vì chưa đến ngày sinh nên hai vợ chồng đi thẳng vào viện với hi vọng được các bác sĩ đầu ngành can thiệp.

Sau khi khám, bác sĩ thấy chị bắt đầu xuất hiện cơn co tử cung, càng ngày càng nhiều nhưng tử cung không mở. Sau 1 ngày nằm viện, chị H. vẫn xuất hiện cơn co tử cung và xuất huyết âm đạo. Các bác sĩ phải mổ cấp cứu để cứu hai mẹ con chị.

Lúc tỉnh lại trong phòng hậu sinh, chị H. mới kể lại việc mình thường xuyên nặn sữa non để vào tủ lạnh cho con dùng dần. Tuy nhiên, con chị bị vàng da phải chiếu điện nên không về nằm chung với mẹ được. Toàn bộ sữa non của chị đành bỏ lại ở nhà.

Sản phụ L.A.N. trú tại Phú Diễn, Hà Nội cũng xảy ra trường hợp tương tự như vậy. Chị N. mang thai ở tuần 31, vì thấy trên mạng mọi người truyền kinh nghiệm nặn sữa non để lưu lại cho con uống. Chị N. cũng nghiến răng chịu đau nặn sữa. Sau vài lần nặn sữa, chị N. thấy đau bụng. Chị đi siêu âm, bác sĩ cảnh báo có thể sinh non bất cứ lúc nào vì thường xuyên xuất hiện cơn co tử cung. Sau đó, chị N. phải nằm treo chân và theo dõi. Bác sĩ nghiêm cấm chị không được nặn sữa non vì nặn sữa có thể gây đẻ non.

Trao đổi trên báo Vnexpress về phong trào vắt sữa non nguy hiểm của bà bầu, tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, bà bầu không nên vắt sữa non với ba 3 lý do. Thứ nhất, vắt sữa non kích thích đầu vú, gây tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây sinh non. Đặc biệt với những trường hợp từng đẻ mổ hay có nhau tiền đạo, nếu có cơn gò tử cung sẽ dễ gây ra xuất huyết âm đạo ồ ạt, rất nguy hiểm.

Thứ hai, sữa non thực sự rất tốt và quý với trẻ mới sinh. Thông thường, khi sinh con, bà mẹ có cơ chế sinh lý tiết prolactin giúp tạo sữa đáp ứng vừa đủ nhu cầu của con. Khi đó, trẻ vừa chào đời có thể bú mẹ ngay và hưởng trọn lượng sữa non quý giá. Một số trường hợp trẻ phải cách ly mẹ có thể phải bú sữa công thức. Mặc dù so với sữa mẹ thì sữa công thức không tốt bằng, nhưng cũng không có nghĩa là có thể ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Thứ ba, khâu bảo quản sữa non nếu không đảm bảo các yếu tố như bình chứa hay bàn tay người vắt vô trùng, nhiệt độ phù hợp... thì có thể nhiễm khuẩn và trở nên nguy hiểm với hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ sơ sinh.

Cũng theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, thực tế có một bác sĩ nước ngoài khuyên các mẹ mang thai vắt sữa non cho trẻ trong trường hợp bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Khi đó, trẻ sinh ra có thể bị hạ đường huyết nhanh chóng nên cần được ăn ngay và tốt nhất là được dùng sữa non của mẹ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính an toàn, hiệu quả và liệu có sự khác biệt về dinh dưỡng giữa sữa non trước sinh và sữa non được sản xuất sau sinh.

Trong thời kỳ thai nghén, các mẹ bầu nên chăm sóc, vệ sinh đầu ti nhẹ nhàng để chuẩn bị cho việc tiết sữa tốt sau khi sinh bé, thay vì cố gắng nặn những giọt sữa non vì việc này vừa không cần thiết vừa có thể mang tới nguy cơ sinh non.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]b24WAa51Xb[/mecloud]