Dòng sự kiện:

Mẹ hiếm muộn 10 năm mất con vì chờ ngày đẹp để sinh

Theo Vietnamnet
10:20 14/06/2018
Tất cả các thành viên trong gia đình đã chết lặng khi biết tin đứa trẻ mà họ mong chờ suốt 10 năm qua đã rời khỏi vòng tay mẹ mãi mãi...

Không hề muốn nhắc đến những câu chuyện buồn phía sau cánh cửa phòng khám sản và đỡ đẻ, tuy nhiên BS Đồng Thu Trang (SN 1986, khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) phải ngậm ngùi thừa nhận rằng, những sự việc này vẫn thường tồn tại. Nguyên nhân dẫn đến chuyện buồn ấy đôi khi lại đến từ những suy nghĩ nông cạn của nhiều gia đình.

BS Đồng Thu Trang thay trang phục vô trùng trước khi vào phòng mổ.

Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, BS Đồng Thu Trang đã từng bị ám ảnh bởi ánh mắt của người mẹ và các thành viên trong gia đình sản phụ khi bác sĩ báo tin đứa trẻ đã về với thế giới bên kia.

“Đó là một trường hợp vô cùng đau lòng”, BS Trang nhớ lại.

Sản phụ đã 40 tuổi với 10 năm liền điều trị hiếm muộn. Lần này, chị làm IFV (phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm) và may mắn đậu thai. Suốt quá trình mang thai, sản phụ được các bác sĩ theo dõi thai kỳ rất chặt chẽ.

Đến tuần thứ 38, sau khi cho sản phụ khám thai, siêu âm và chạy Monitoring (đo và theo dõi nhịp tim thai, đo cơn co thắt tử cung của sản phụ) các bác sĩ đã phát hiện tim thai em bé có dấu hiệu dao động không tốt. Vì vậy các bác sĩ đã tư vấn cho sản phụ làm thủ tục mổ đẻ ngay.

Nữ bác sĩ sinh năm 1986 cùng đồng nghiệp thăm khám và kiểm tra sức khỏe cho mẹ con sản phụ sau sinh.

“Tuy nhiên gia đình sản phụ lại chần chừ chọn ngày tốt nên chưa mổ. Đến ngày sinh, sản phụ cùng rất đông các thành viên trong nhà đã đến bệnh viện để làm thủ tục xin mổ đẻ" - BS Trang nói.

Chỉ ít phút sau khi người phụ nữ 40 tuổi bước vào phòng khám thai, những người thân trong gia đình đã phải chết lặng khi bác sĩ thông báo: Đứa trẻ bị mất tim thai.

“Đứa trẻ đó là một bé trai. Tôi vẫn nhớ, sau khi nghe được thông tin đó, người bố gần như chết đứng. Anh ta không thể nói được bất cứ lời nào. Những người thân khác trong gia đình thì nháo nhào, hốt hoảng và khóc lóc”, nữ BS sinh năm 1986 cho biết.

BS Trang chia sẻ nhiều trường hợp sản phụ vì không tuân theo chỉ định của bác sĩ đã dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trong khi đó, người mẹ với 10 năm khao khát tiếng khóc trẻ thơ thì dường như không tin vào kết luận này. 

Nhìn cảnh tượng đó, trong lòng bác sĩ Trang dấy lên niềm chua xót, tiếc nuối. Giá mà sản phụ đó nghe theo tư vấn chuyên môn của bác sĩ, có lẽ đã không xảy ra chuyện đau lòng đó. 

“Cái đáng buồn, đáng trách là rất nhiều người tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào những thông tin trôi nổi trên mạng hoặc quá mê tín mà gạt đi ý kiến của bác sĩ chuyên môn”- nữ BS sinh năm 1986 cho biết.

Theo nữ bác sĩ phòng đẻ A2 bệnh viện Phụ sản Hà Nội, có trường hợp sau khi khám thai bác sĩ đã tư vấn sản phụ lên bàn mổ nhưng gia đình nhất định không đồng ý. Họ nằng nặc yêu cầu phải để sản phụ đẻ thường. 

“Đó là trường hợp một sản phụ mang thai quá to. Khi khám, chúng tôi đã xác định được những vấn đề nguy hiểm nếu đứa trẻ được sinh theo phương pháp đẻ thường. Vì vậy chúng tôi đã tư vấn cho gia đình”, nữ BS chia sẻ.

Sản phụ này sau một hồi gắng sức rặn nhưng đứa trẻ chỉ lọt được phần đỉnh đầu ra ngoài. Cuối cùng, thai có hiện tượng bị suy, các bác sĩ phải đưa đi mổ cấp cứu. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, cả kíp đỡ đẻ mới thở phào nhẹ nhõm.

“Bên cạnh đó, lại có những gia đình nằng nặc đòi cho sản phụ sinh theo phương pháp thuận tự nhiên. Mặc dù trước đó bác sĩ đã cố gắng thuyết phục, tư vấn, chỉ định mổ nhưng họ nhất quyết không ký đồng ý dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị ngạt”, BS Trang nói tiếp.

Vẫn lời nữ BS, khi đã vào đến bệnh viện, sản phụ và những người thân trong gia đình cần phải tuân theo các chỉ định của các sĩ mới đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Như vậy sẽ giảm thiểu những hậu quả khó lường.

Nguồn: Gia đình Việt Nam