Dòng sự kiện:

Mẹ một điện thoại, ba một điện thoại rồi vu cho con bị bệnh tự kỷ

Theo PNO
09:30 20/04/2017
Bé trai 4 tuổi chỉ quanh quẩn với chiếc điện thoại. Mẹ của bé một điện thoại, ba một điện thoại, ngày nào mọi người cũng có góc riêng với điện thoại. Đến khi bé không nói chuyện, cả nhà lại cho rằng bé bị bệnh tự kỷ.

Mẹ một điện thoại, ba một điện thoại rồi vu cho con bị bệnh tự kỷ

Đó là trường hợp của bé T.T.P. (4 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Em được sinh ra trong một gia đình giàu có, vì bé là cháu đức tôn nên được ông bà, cha mẹ yêu thương hết mực. Cuộc sống của P. không thiếu một thứ gì kể cả máy tính bảng, điện thoại.

Ba mẹ của P. cũng… bị cuốn vào điện thoại. Đi làm thì thôi, về nhà họ chỉ hỏi ông bà của P. về sinh hoạt trong ngày. Lúc nào cũng là câu trả lời bé ăn ngủ, xem điện thoại, xem máy tính bảng.

Vì không có ai bên cạnh nên P. luôn tìm đến điện thoại mọi lúc mọi nơi, ảnh minh họa
Tuy nhiên, cả ba mẹ P. đều nghĩ rằng như vậy là đã đủ đối với con. Đến khi P. được 4 tuổi thì cả nhà mới giật mình là ngoài cái điện thoại ra, P. không chú tâm vào việc khác. Nếu không đưa điện thoại, máy tính bảng cho P. thì bé quấy khóc, nổi giận. Cả nhà cho rằng P. có biểu hiện của bệnh tự kỷ nên đưa bé đến Bệnh viện Quận 2 TP.HCM để tìm hiểu.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận, chuyên gia tâm lý, khoa Tâm lý của bệnh viện cho biết: “Khi tôi hỏi về sự tiếp xúc từ người thân trong gia đình, ba mẹ của bé cho rằng mình vẫn ở bên cạnh con, vẫn đưa con ra ngoài chơi, đi công viên, đi ăn uống.

Tuy nhiên, ở nơi nào cũng vậy, ba thành viên trong gia đình đều có ba chiếc điện thoại và… cầm điện thoại ngồi ba góc. Sự tiếp xúc, thể hiện tình cảm, ngôn ngữ mới là vấn đề. Nếu chỉ chăm chăm vào điện thoại thì dù dẫn bé đến đâu cũng chỉ như ngồi ở nhà”

Điện thoại, máy tính bảng dần kéo người thân trong gia đình ngày càng xa cách hơn, ảnh minh họa.

Để kéo bé P. quay về với thực tại, tiến sĩ Thuận khuyên gia đình nên tìm cho bé một người bạn để chơi cùng để thu hút sự chú ý của bé. Phải mất đến 6 tháng thì P. mới tạm quên được điện thoại và chấp nhận người bạn cùng lứa tuổi của mình. Hiện P. đang dần hồi phục, đã có thể trò chuyện, tiếp xúc với người xung quanh. 

Đi làm… nhốt con trong nhà, bé mất luôn khả năng giao tiếp

Trong thời buổi con người phải gồng lên để chăm lo về kinh tế, đời sống gia đình thì các bậc phụ huynh bỏ quên con mình trong chính ngôi nhà của họ. Từ đó các bé sống… vật vờ, chỉ biết ra vào với bốn bức tường, rồi dần thu mình, mất luôn khả năng giao tiếp.

Khi bé gái N.T.N. (8 tuổi) và em gái mình N.T.T. (6 tuổi, cùng ngụ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đi học thì cô giáo phát hiện hai em không chịu tiếp xúc với bạn bè, không nói chuyện với cô giáo, chỉ ngồi im một góc, không tập trung và cũng không chịu học. 

Theo mẹ của hai em cho biết, ở nhà các em vẫn nói chuyện vui vẻ bình thường. Khi ba mẹ đi làm, bé N. vẫn biết cách chăm sóc em, cùng em ăn uống, chơi đùa. Nhưng cứ chuẩn bị đi học, cả hai đều than đau bụng không chịu đi. 

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận cho rằng đừng để những đứa trẻ tự xây ốc đảo cho riêng mình trong chính những ngôi nhà của chúng.

Được cô giáo thông báo và khuyên gia đình nên đưa hai bé đến bệnh viện kiểm tra về tâm thần vận động. Ba mẹ của N. và T. liền dẫn hai chị em đến Bệnh viện Quận 2, TP.HCM để tìm bệnh.

Chuyên gia tâm lý nhận ra cả hai chị em N. gặp vấn đề lớn về tâm lý. Suốt 1 tiếng đồng hồ ngồi tại khoa Tâm lý, cả hai đều im lặng, không vận động, không muốn giao tiếp với  các chuyên gia tâm lý. Qua tìm hiểu, Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận phát hiện ra rằng ba mẹ của hai bé thường để hai chị em ở nhà tự quản khi họ đi làm.

Từ nhỏ hai chị em đã tự bảo ban nhau, trước khi đi làm, mẹ hai đứa đều nấu cơm sẵn rồi dặn bé lớn ở nhà chơi với em, cho em ăn uống. Dần dần cả hai đứa đều không muốn ra ngoài, chúng chỉ giao tiếp, trò chuyện khi ở nhà. Bước ra cánh cửa gia đình, hai chị em sẽ có phản xạ im lặng, tự cô lập mình với mọi thứ xung quanh. Khi ở ngoài, cả hai chị em cũng không tiếp xúc với nhau.

Tiến sĩ Thuận cho biết: “Cả hai bé đều mắc bệnh tâm lý dạng khiếm khuyết tương tác xã hội, tương tác hành vi khi ở bên ngoài. Đây là một loại bệnh tâm lý thường gặp ở những gia đình mà các ông bố, bà mẹ bận việc không thể đưa các bé ra ngoài chơi.

Suốt ngày ở nhà khiến chúng dần hình thành những giới hạn về mặt tiếp xúc. Chúng không muốn giao tiếp với ai, chỉ sống bó hẹp trong nhà của mình và chỉ nói chuyện với người nhà mà thôi.”

Cha mẹ đừng nên đổ lỗi cho công việc mà quên rằng trong nhà mình còn có những đứa trẻ

Theo tiến sĩ Thuận, trường hợp của hai bé cần phải có những liệu pháp tâm lý lâu dài. Tuy nhiên, mẹ của bé cho rằng nhà xa, bận việc nên không đưa hai bé đến nữa. Đến bây giờ, tiến sĩ Thuận vẫn trăn trở vì nếu không được can thiệp kịp thời về tâm lý, thời gian tới hai bé sẽ ngày càng khép kín, rồi cứ thế sống thui thủi trong ngôi nhà của mình.

“Hai trường hợp trên chỉ là số ít vấn đề tâm lý mà những đứa trẻ ngày nay mắc phải. Dù bận rộn, mệt mỏi đến đâu thì phụ huynh cũng đừng quên rằng trong nhà mình có những đứa trẻ cần được nâng đỡ, chia sẻ hơn là để chúng một mình.

Trẻ nhỏ có quyền được tiếp xúc với xã hội, được học, được vui chơi. Đừng để chúng phải sống trong một ốc đảo thu nhỏ, rồi chúng cũng tự thu vào vỏ ốc của riêng mình.

Nếu thấy bé có những biểu hiện về như: không giao tiếp, không chịu đi học, không tự chủ, hay cáu gắt, sống thu người,... thì có thể trẻ đã có vấn đề về tâm lý. Phụ huynh nên đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý ngay, vì để thời gian dài thì rất khó để điều trị”, Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận cho biết.

Nguồn: Gia đình Việt Nam