Dòng sự kiện:

“Mẹ ơi, tại sao người ta lại chết?"

02:00 22/07/2015
Khi trong gia đình có một người qua đời, trẻ sẽ lơ mơ không hiểu được chết là như thế nào. Khi trẻ nhỏ hỏi về cái chết, chúng thường lo lắng nhất về sự an toàn của chính mình.

Hãy nhớ rằng sự hiểu biết của một đứa trẻ tuổi mầm non về cái chết là không đầy đủ. Sẽ không có gì lạ nếu bạn nghe thấy con nói những câu như "Con biết bà đã mất rồi nhưng ngày mai con vẫn sẽ nhìn thấy bà đúng không ạ?".

Nếu như cha mẹ nói sự thật về cái chết của những người thân, trẻ sẽ dễ bị sốc. Vì vậy đừng sử dụng những ngôn từ khoa học trả lời trẻ. Hãy lựa lời nói cho trẻ hiểu và cảm nhận được rằng “chết” là một điều bình thường, giống như một chuyến đi công tác, chỉ khác là chưa xác định được thời gian trở về mà thôi. 

"Thay vì lúng túng mãi mới nói về cái chết, hãy giảm bớt sự nghiêm trọng của vấn đề. Phản ứng thông minh là quay lại hỏi ngược trẻ: "Con nghĩ gì về điều này", tiến sĩ tâm lý Myrna Shure (Mỹ) gợi ý.

Nếu câu trả lời của trẻ cho thấy con thực sự lo lắng rằng sẽ không có nơi nương tựa khi có điều gì đó xảy ra với bố mẹ, bạn có thể nói với con là bạn sẽ luôn đảm bảo bé được yêu thương, chăm sóc.

Nếu một ai đó mà trẻ biết qua đời, hãy nhắc cho bé biết người đó tốt bụng, đôn hậu thế nào bằng cách chia sẻ những câu chuyện hay xem lại các bức ảnh của người ấy. Nói với bé về thiên đường là nơi tốt đẹp, nếu bạn muốn.

Hãy nói rằng dù trẻ không còn nhìn thấy người ấy nữa, bé vẫn có thể luôn nghĩ về hay trò chuyện với họ.

Nếu một vật nuôi chết, đừng nói những điều như "Thật buồn khi bạn ấy ra đi nhưng chúng mình sẽ sớm có chú chó khác". Bởi trẻ mầm non thường coi vật nuôi như một thành viên trong gia đình. Nếu bạn trả lời như vậy, trẻ có thể nghĩ "Nếu con chết, mẹ sẽ sớm có em bé khác đúng không?".

Bạn cũng có thể gặp những câu hỏi tương tự như "Sau này mẹ có chết không?", "Nếu mẹ chết, ai sẽ chăm sóc con", "Gấu bông có lên thiên đường không?"... Hãy nhớ những nguyên tắc trả lời như trên nhé!

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin