Dòng sự kiện:

Mẹ quá dịu dàng với con trai có làm con “nữ tính hóa"?

19:20 24/09/2015
"Con trai tôi rất tình cảm, thích trò chuyện với mẹ và thích được mẹ bế. Nhưng đôi khi tôi lo lắng rằng nếu mình quá dịu dàng với con thì cháu sẽ yếu mềm và bị “nữ tính hóa”. Tôi cần phải làm gì để con trai trưởng thành mạnh mẽ những vẫn tình cảm với bố mẹ?".
Đối với bé trai, cha mẹ cần phải hình thành cho con những đức tính mạnh mẽ, kiên trì ngay từ nhỏ. Bé trai thường có xu hướng thích vận động, thích các tình huống để ganh đua. Vì vậy cha mẹ cần tạo cho con môi trường kích thích khả năng độc lập, bằng cách dùng các trò chơi như xếp hình, chơi cờ...

Khi con còn nhỏ, thường thì mẹ và bà hay dành thời gian để chăm sóc và gần gũi với bé hơn. Tuy nhiên để tạo cho con tính cách mạnh mẽ, hãy hình thành sợi dây liên kết giữa bố và con trai ngay từ khi còn nhỏ.

Theo các nhà tâm lý học, mẹ thường có xu hướng nuông chiều và bao bọc trẻ trong khi bố sẽ dạy cho trẻ sự mạnh mẽ. Những trò chơi chung của hai bố con sẽ giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc bản thân. Và khi cậu bé biết kiểm soát những vui buồn, giận hờn của mình thì sẽ biết cách thể hiện bản thân mà không có những hành động thái quá.

Đến tuổi vị thành niên, những ảnh hưởng từ người bố sẽ trở nên rõ nét hơn. Sự thân thiết giữa bố và con trai từ nhỏ sẽ giúp cậu bé thấy thoải mái và an toàn hơn khi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. 

Dù vậy, cần hiểu rằng sự mạnh mẽ không đối lập với tình cảm, yêu thương. Đừng nhầm lẫn rằng dạy con biết yêu thương gia đình, biết thể hiện tình cảm với mẹ, với chị, với người thân… sẽ làm bé bớt đi sự “mạnh mẽ” mà trở nên “ủy mị”, “mềm yếu”.

Khi bé học được cách nói với bạn rằng: “Con yêu bố mẹ!”, bạn nên mừng. Đó chính là nền tảng để con bạn trở thành một người đàn ông biết trân quý gia đình mai sau.

Tạo cơ hội cho con trai sớm thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán:

Dạy con các kỹ năng dành cho con trai

Ở các bé trai, những kỹ năng quan trọng cần biết nên là sơn một cánh cửa, đóng một cây đinh, vặn chặt các con ốc vít, tìm cách sửa một số thiết bị hư hỏng trong nhà, lắp ráp hoặc sửa chữa một số chi tiết đơn giản của chiếc xe đạp, kể cả thay bóng đèn và các thiết bị điện gia dụng (nếu bé đã trên 12 tuổi).

Bạn cũng nên dạy trẻ giúp mẹ việc nhà từ sớm. Một bé trai cũng cần biết cách giặt quần áo, gấp quần áo, rửa chén, nấu một bữa ăn đơn giản, dọn dẹp lau chùi nhà cửa.

Dạy con chơi ít nhất một môn thể thao

Môn thể thao chọn cho bé trai nên có yếu tố mạnh mẽ và phối hợp đồng đội. Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, võ thuật là những môn rất thích hợp với các bé trai. Thông qua các môn thể thao, trẻ sẽ sớm học được tinh thần đồng đội, sự quyết tâm, sự nỗ lực, biết thế nào là “chơi đẹp”, thế nào là ứng xử “thượng võ” với đối thủ… Những tố chất này là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển nhân cách của một bé trai.

Dạy con không mau nước mắt

Hãy bắt đầu bằng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Con trai thì không khóc chỉ vì té ngã chút xíu như vậy, con ạ!”. Có thể bé vẫn hay mè nheo lắm, song khi nghe và “thấm” dần, được nhắc nhở nhiều dần, bé sẽ hình thành được cách thể hiện sự mạnh mẽ nhiều hơn.

Hình thành cho trẻ tình yêu gia đình

Cách con đối xử thế nào với gia đình mai sau phụ thuộc rất nhiều vào cách uốn nắn, dạy dỗ từ thơ bé. Ví dụ nếu con thấy bố đánh mẹ nhiều lần, chắc chắn lớn lên, con rất dễ trở thành một người hung bạo, thích xử trí mọi việc trong nhà với vợ mình bằng bạo lực. Nếu con từng thấy bố bỏ bê bữa cơm tối của gia đình, chỉ đi nhậu suốt thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sau này con… cũng thế!

Tập nếm trải thất bại

Thất bại là điều dễ dàng quật ngã sự tự ái của đàn ông. Thất bại có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của một bé trai hơn một bé gái. Chính vì vậy, bạn cần giúp con nếm trải và đương đầu với thất bại từ rất sớm.

Dạy con biết che chở và yêu thương phụ nữ

Đòi hỏi đầu tiên là người bố không sử dụng bạo lực trong gia đình. Bạn cần giúp con ý thức được rằng “mạnh” nghĩa là bảo vệ và chở che chứ không phải là chèn ép hay bắt nạt người yếu thế.

Nếu như bạn luôn chủ động xách giúp vợ mình các vật nặng, luôn nói con hỏi xem mẹ có mệt không, luôn dạy con cách nhường nhịn một chút cho em gái…, trẻ sẽ dần dần xác lập được rất rõ vai trò “che chở”, “bảo vệ” của mình.

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam