Dòng sự kiện:

Mẹ 'sốc' khi nghe con gái nói: 'Con muốn trở thành con trai'

Phụ nữ Việt Nam
20:36 11/03/2017
Để có được một buổi nói chuyện, chia sẻ với PV về việc con mình sinh ra với giới tính nữ nhưng cứ thích trở thành con trai, chị Nguyễn Hải Đông (42 tuổi, Khu đô thị Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội) đã phải chần chừ, cân nhắc rất lâu.

Nói ra sự thật đã là chuyện khó...

Lần một, khi vừa nghe qua điện thoại đề cập đến nội dung cuộc gặp, chị Đông từng từ chối ngay. Chị bảo không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì cả. Sau khi được thuyết phục, khẳng định với chị sự bảo mật về thông tin, hình ảnh cho mình và con, chị ngần ngừ nhưng vẫn đồng ý cho xin cái hẹn.

Một ngày sau, như thể nghĩ lại, chị Đông gọi điện lại, hủy hẹn, bảo là có việc bận. Tiếp ngày sau nữa, chị chủ động alo, bảo muốn hỏi lại thông tin về người đã giới thiệu cho phóng viên số điện thoại của chị, hoàn cảnh nhà chị… Sau vài hồi gọi đi, gọi lại như thể kiểm tra thông tin, cuối cùng, dường như chị Đông tạm cảm thấy có sự tin cậy, an tâm…

Cuộc hẹn với người mẹ ấy được diễn ra tại một quán nhỏ, lúc ban trưa, cách khá xa nhà chị ở. Câu đầu tiên mà chị muốn chia sẻ, đó chính là tin nhắn của con đã gửi vào điện thoại cho mình vào cái dạo ngay sau ngày Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Dân sự sửa đổi. Cháu đã gõ lại nội dung liên quan đến việc Luật cho phép xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính, bảo “Mẹ hãy đọc đi”. Chị nhìn qua, không đọc rõ, không nhớ cụ thể là điều số mấy, chỉ nhắn lại cho con một tin ngắn ngủi rằng: “Phải để mẹ xem xét đã!”. Sau đó, câu chuyện của chị và con dần được mở ra chậm rãi và buồn bã tựa như một cuốn phim quay chậm…

Con gái lớn của chị Đông còn trẻ lắm, cháu sinh năm 1998. Hồi nhỏ, cháu có vẻ ngoài khá xinh xắn, đáng yêu. Mọi biểu hiện, hành động, tâm tính của con, chị không có cảm giác điều gì “khác lạ”.

Cho đến khi con bước vào tuổi 12, chị Đông nhận thấy con có những thay đổi, khác biệt. Tính con bắt đầu ương ngạnh, cương quyết bất thường trong rất nhiều chuyện. Con không còn thích tham dự vào mấy trò chơi cùng em gái. Con không cho em ngủ cùng giường nữa. Con thích cùng bố đi đến tiệm cắt tóc ngắn theo kiểu con trai. Những chiếc quần đùi, áo phông cũng dần được con thích, đòi mua, đòi mặc thường xuyên hơn. Năm con lớn gần 15 tuổi, mối quan hệ của vợ chồng chị Đông rơi vào lục đục, ra tòa. Một mình chị đã nhận nuôi cả hai con.

Ngay sau ngày ở tòa về, đang trong lúc buồn, bối rối vì cuộc hôn nhân tan vỡ, chị Đông như bị đẩy rơi hoàn toàn vào một cú “sốc” khi nghe con gái lớn nghiêm túc bảo với mẹ: “Con là con trai! Con muốn trở thành con trai!”.

Cảm giác đầu tiên của chị trước tin đó, là sự sững sờ! Chị không thể nói hay có bất kỳ phản ứng gì, kể cả là khóc. Chị chỉ im lặng.

Vài tuần sau, chị Đông lặng lẽ dắt con đi đến bệnh viện chuyên khoa về thần kinh để thăm khám. Tại đây, chị nhận được tư vấn: “Cháu hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì về thần kinh. Vấn đề của cháu không liên quan gì đến việc chữa trị…”.

Chị Đông trở về, một mặt hiểu rằng những gì đang diễn ra với con là rất khó thay đổi, là mình chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận. Điều đó thể hiện ở việc chị vẫn im lặng, không chửi mắng, ngăn cản gì, để mặc cho con được tự do thể hiện vẻ ngoài “nam tính” như con muốn trong việc cắt tóc, mặc quần áo, mua giày dép, đồng hồ... Chị cũng không can thiệp gì khi thỉnh thoảng thấy con đưa về nhà một đứa con gái nào đó như là người yêu… (Ảnh minh họa)

Song mặt khác, chị Đông cũng luôn gặp khó khăn khi phải đối diện với sự thật về giới tính của con! Chị đã chuyển công việc, chỗ ở, cách nhà cũ hàng trăm cây số, đến một nơi không ai biết 3 mẹ con chị là ai. Chị hầu như không mời bất kỳ bạn bè mới nào đến chơi nhà. Mỗi lần đi chơi, đi nghỉ mát cùng cơ quan chỉ có chị và cô con gái nhỏ xuất hiện. Ngay cả trên facebook, zalo… các hình ảnh, hoạt động, sự kiện của gia đình cũng luôn vắng mặt người con lớn.

Người mẹ này “giấu con” kỹ lưỡng đến mức, có nhiều người quen vẫn đang tưởng nhà chị chỉ có hai mẹ con gái sống cùng nhau.

Còn chuyện tình cảm, sau khi ly hôn, chị Đông vẫn còn trẻ và xinh lắm. Cũng đã có một vài người đàn ông ngỏ ý muốn được tiến xa hơn nhưng chị đều cự tuyệt. Chị bảo, chỉ cần nhìn một vài người đến thu tiền vệ sinh, người sửa điện đến nhà, nhìn thấy vẻ ngoài “ngổ ngáo” của đứa con lớn, họ cũng đã giật mình. Nghĩ đến chuyện này thôi, chị Đông đã e ngại, lo sợ, đã nghĩ sẽ chỉ ở vậy mãi mãi, không bao giờ tính đến chuyện sẽ đưa một người đàn ông nào đó về nhà…

Đã hơn 4 năm trôi qua, xu hướng chuyển giới của con vẫn không có dấu hiệu thay đổi. Chị Đông thì vẫn giữ thái độ im lặng.

Có lẽ chính vì sự ám ảnh, khó có thể chấp nhận ở chị mà con lớn cũng dần xa mẹ. Cháu kiệm lời và mẹ con rất ít khi trò chuyện, tâm sự với nhau. Đặc biệt, để bàn, chia sẻ về chuyện giới tính của con thì càng hiếm. (Ảnh minh họa)

Chị bảo: “Tôi có cảm giác như không thể gần được nó nữa mà không biết làm cách nào. Nhiều đêm, tôi say rượu, khóc một mình suốt mà không biết tìm giải pháp ở đâu. Nhiều khi ức chế quá, tôi chỉ còn biết quát ầm lên với cả hai con là đời tôi khổ quá”…

... Làm như Luật còn khó hơn!

Gần đây, chị Đông biết con lớn đã công khai việc chuyển giới với bạn bè, với bố và ông bà nội. Chị biết con có ý định sẽ không ở Việt Nam mà sẽ cố gắng tìm học bổng đi du học.

Từ khi có Luật Dân sự sửa đổi 2015 cho phép xác định lại giới tính, chị Đông còn biết con có nhu cầu muốn được đổi tên cho giống con trai…Nhưng, chị cảm thấy quá buồn và trăn trở lắm: “Tương lai thì tôi không rõ sẽ thế nào nhưng Luật ra rồi và khi cho thực thi, tôi vẫn chưa đồng ý cho cháu đi đổi tên, đổi giấy khai sinh, giới tính trong sổ hộ khẩu. Như tôi từng nói với con qua tin nhắn, phải từ từ. Cháu vẫn còn quá trẻ và tôi sợ điều này gây nhiều khó khăn đến cuộc sống của cháu, của cả gia đình. Tôi cần có thêm chút thời gian, thêm chút thời gian... Tôi vẫn còn cảm thấy khó khăn quá khi nghĩ đến việc giới thiệu với mọi người, với đồng nghiệp, với cư dân nơi tôi ở về đứa con lớn rằng: Đây là đứa con chuyển giới hoặc đây là thằng con trai lớn của mình”.

* Khảo sát năm 2014 với 219 người về nhu cầu pháp lý của người chuyển giới (do ISEE-UNDP-USAID thực hiện) cho thấy: Hơn 80% người chuyển giới không hài lòng với tên gọi khai sinh của mình, và hơn 69% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó. Có tới 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên gọi trên giấy tờ, với 86,6% nghĩ rằng cần được đổi tên mà không bắt buộc phải trải qua phẫu thuật thay đổi giới tính.

* Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) tại Việt Nam mới đây đã nghiên cứu về “Nhu cầu tư vấn của phụ huynh khi biết con mình là người đồng tính”. Khảo sát được thực hiện dựa trên 60 mẫu nghiên cứu xuất hiện trên báo giấy, báo mạng, trang xã hội và các hội thảo... Kết quả cho thấy, gia đình có người đồng tính có nhu cầu cần được tư vấn là rất cao. Có đến 40% các bậc phụ huynh được hỏi cho biết họ có nhu cầu tìm hiểu kiến thức liên quan đến đồng tính, gần 32% quan tâm đến việc làm thế nào để chấp nhận và có những hỗ trợ con, gần 17% quan tâm đến cách để thay đổi về suy nghĩ/quan niệm và 10% lo lắng về chuyện gia đình và con cái của người đồng tính trong tương lai…

Nguồn: Gia đình Việt Nam