Dòng sự kiện:

Mẹ và con gái: Mối quan hệ tuyệt vời nhưng vô cùng phức tạp

16:54 19/11/2015
Mối quan hệ giữa mẹ và con gái rất tuyệt vời nhưng cũng vô cùng phức tạp. Chuyện 'bằng mặt nhưng không bằng lòng' hay quát mắng om xòm là điều thường thấy trong cuộc sống.
Nguyên nhân “xung đột" giữa mẹ và con gái

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới việc xung đột giữa mẹ và con gái chính là việc các bà mẹ luôn muốn làm mọi việc để kiểm soát cuộc sống của con. Trong mắt mẹ dù con gái có mười tám đôi mươi, thì vẫn chỉ là một đứa trẻ to đầu.

Vì sợ con không có đủ kinh nghiệm để đối phó và giải quyết những rắc rối trong cuộc sống mà mẹ luôn có tư tưởng muốn bao bọc, che chở con hoặc là kiểm soát rất chặt chẽ.

Khi những thắc mắc của mẹ không được con gái trả lời thỏa đáng, người mẹ sẽ tìm mọi cách để kiểm soát con như đọc trộm tin nhắn của con, theo dõi con, hoăc nghe điện thoại của con… Điều này sẽ khiến các cô gái cảm thấy bực bội, khó chịu và mất quyền tự do.

Kết cục, hoặc là con sẽ im lặng không phản kháng lại và dần tạo khoảng cách với mẹ, hoặc sẽ tỏ thái độ khó chịu bằng thái độ giận dữ dẫn đến mâu thuẫn giữa hai mẹ con. 

Ngoài ra, việc mẹ luôn cằn nhằn, càm ràm, xét nét kiểu như con gái là phải đi đứng, ăn nói dịu dàng, không được nhai nhanh, sao con mặc quần áo thế kia, đầu tóc như vậy mà xem được à? Hay sao con trang điểm lòe loẹt quá vậy…. cũng khiến con gái khó chịu và phản kháng lại mẹ.

Cô con gái sẽ ngay lập tức bộc lộ thái độ giận dữ, cáu kỉnh hoặc im lặng "ngậm bồ hòn làm ngọt" để mọi chuyện qua đi. Nhưng mọi chuyện không nên kết thúc bằng cách đó.

Cách giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ và con gái

Đối với mẹ

Lắng nghe không mắng mỏ

Con cái có những tính cách riêng khác biệt với bố mẹ, hãy tôn trọng điều đó. Khi con cái chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm riêng tư, sâu kín, người mẹ hãy tạo cảm giác thoải mái nhất cho con để chúng vô tư thể hiện. 

Đừng vội phán xét

Ai cũng có lúc phạm sai lầm và trưởng thành bằng chính những sai lầm đó. Khi biết mình đã sai, con cái cần một điểm tựa tinh thần và cha mẹ chính là bến bờ để con cái trở về và thấy yên bình nhất.

Hãy để con sống độc lập

Tin tưởng con cái sẽ giúp con ngay từ nhỏ đã biết tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Khi trưởng thành, chúng sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và biết trân trọng nó.

Tìm hiểu sở thích của con

Những sở thích cá nhân, những hoạt động ngoại khóa con thích tham gia ở trường chính là chỉ dẫn hữu ích giúp cha mẹ biết thiên hướng của con.

Khen ngợi

Những lời khen giống như những viên thuốc tăng lực kích thích sức sáng tạo ở trẻ. Khi con hoàn thành tốt một việc, dù là nhỏ, hãy khen ngợi bé và từ đó bé sẽ hình thành sự tự tin.

Dành nhiều thời gian cho con

Cha mẹ hãy cùng học, cùng chơi với con, tạo ra những hoạt động lý thú, bổ ích để kết nối cha mẹ và con cái. Hình thức tâm sự, trò chuyện riêng tư không nên áp dụng quá nhiều bởi sẽ tạo sự không thoải mái, con có thể nghĩ cha mẹ đang “điều tra” mình.

Đối với con gái

Trân trọng mẹ

Mẹ chỉ mong những gì tốt nhất đến với con. Đôi khi cha mẹ có thể cáu gắt, khó tính bởi chúng ta quá lo lắng cho con, hãy thông cảm và luôn tôn trọng cha mẹ, nếu cảm thấy không hợp lý, con có thể từ tốn đưa ra ý kiến của mình và nhẹ nhàng giải thích cho cha mẹ hiểu con.

Chia sẻ với cha mẹ

Khi con mở lòng chia sẻ với cha mẹ, cha mẹ sẽ là những người bạn tốt nhất của con. Vì vậy, con gái hãy dành thời gian đi chợ, mua sắm với mẹ, đi tập thể thao, câu cá với bố. Hãy biến khoảng thời gian đó trở nên ngọt ngào và đặc biệt hơn bằng sự chia sẻ, quan tâm đến từ hai phía.

Trở thành người bạn của cha mẹ

Khi muốn thực hiện ước mơ của mình, cha mẹ sẽ là bệ phóng cho con. Bởi cha mẹ luôn yêu thương và ủng hộ con vô điều kiện, tình yêu thương này sẽ không bao giờ phai nhạt theo thời gian, con sẽ có thêm nguồn động lực để đương đầu với bất cứ khó khăn nào. Cha mẹ cũng là một lý do để con thêm tự hào trước mỗi thành công và thấy cuộc sống này ngọt ngào hơn.

Linh An

Nguồn: Gia đình Việt Nam