Dòng sự kiện:

Mở đoạn bài văn 0 điểm: Giáo viên mổ xẻ, phụ huynh lên tiếng

18:14 20/11/2015
Người trong nghề nhìn nhận điểm 0 trong mở đoạn bài văn tả mùa yêu thích của học sinh lớp 7 có lỗi thiếu sót của giáo viên là không giải thích. Phụ huynh chia sẻ bài văn của con cũng lên tiếng về việc này.
[mecloud]OIZelkkBuw[/mecloud]

Mới đây, chị Huệ (Hà Nội) vừa chia sẻ bài văn kiểm tra giữa kỳ của con (học sinh lớp 7) bị 0 điểm với phân vân: Vì mở đoạn không đúng văn mẫu, không đúng yêu cầu? Chia sẻ của chị lập tức có tranh luận trái chiều...

Đề bài: Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa yêu thích.

Mở đầu học sinh viết: "Một buổi sáng thức giấc, bạn chợt thấy những cơn gió se lạnh len lỏi qua từng góc phố, từng hàng cây, mơn man trên da mặt, xua đi cái nóng oi ả của mùa hè. Đó là bước chuyển mình dịu dàng, tinh tế của mùa thu - mùa tôi yêu thích nhất...".

Đoạn văn mở đầu được cô giáo nốt bên lề 0 điểm, không kèm lời phê đã khiến chị Lê Huệ phân vân: Lúc nào mẹ cũng dạy con cách học văn là phải khác các bạn! Cách hành văn, cảm văn thì lại càng cần phải khác hơn. Không biết có phải chính các yêu cầu của mẹ mà bài văn kiểm tra giữa kỳ của con chưa được cô đánh giá cao và còn bị 0 điểm cho phần mở đoạn vì mở đoạn không đúng với yêu cầu?


Cách dạy và học văn trong trường phổ thông đã có nhiều thay đổitích cực. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ của chị đăng tải trên Facebook lập tức có nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, vì con tư duy ngược với suy nghĩ thông thường của cô nên không ăn điểm thôi! Nhưng không ít bình luận thắc mắc: Mở đầu con viết hay, logic và nhiều cảm xúc như vậy sao cho 0 điểm?

Cô Nguyễn Ngọc Hà, giáo viên văn Trường THCS Quảng Lạc (Lạng Sơn) cho biết “Cảm nhận ban đầu của tôi khi đọc câu mở đầu là hay. Học sinh viết mở đoạn hay, tư duy sáng tạo, logic, có sự hấp dẫn. Em cũng viết đúng yêu cầu đề bài, không giống với đa phần các bạn.

Thường đa phần học sinh khi nhận được đề bài như vậy sẽ viết ở dạng một năm có bao nhiêu mùa, em thích nhất là mùa này… Dĩ nhiên là có những học sinh cảm nhận được sâu sắc như em học sinh viết bài văn kia. Nếu đúng đó là cảm nhận của chính học sinh thì nên khuyến khích”.

Cô Hà cho biết trong quá trình dạy học, đã có những lúc cô gặp những đoạn văn hay như người lớn viết, hoặc hay nhưng giống bài văn nào đó, phải tranh luận với các đồng nghiệp.

“Trong quá trình học, học sinh tham khảo nhiều sách, nên có thể em ngấm hoặc chép lại. Nhưng nếu học sinh đã viết ra, thì phải chấm. Bài nào cho điểm cao, tôi vẫn nhận xét như “Em viết hay, sáng tạo”. Nếu cho điểm thấp hoặc có gì đặc biệt như sao chép SGK, tôi cũng chú thích cho học sinh biết”.

“Vì không được xem cả bài viết, nên tôi không biết cả bài văn này bao nhiêu điểm, và những phần khác nữa được chấm như thế nào. Thông thường nếu là một bài văn 10 điểm thì phần mở bài được 1 điểm, thân bài 7 điểm, kết luận được 1 điểm và 1 điểm dành cho trình bày.

Trong trường hợp này, khi cho điểm cô giáo nên ghi chú lý do điểm 0 ở bên cạnh. Hoặc vì tế nhị, không muốn để những học sinh khác thấy nhận xét trên bài của bạn, cô giáo nên nói riêng với học sinh lý do tại sao.

Tôi nghĩ rằng cô chấm 0 điểm chắc chắn có lý do, có dụng ý mà cô không nói ra. Bởi vì, câu văn đó đọc lên ai cũng thấy rằng hay, cô giáo cũng chấm điểm ở bài văn cẩn thận, cho điểm rõ ràng từng phần”.

Cô Nguyễn Thị Thuận, hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) nhận xét: “Với những bài văn phát biểu cảm xúc như đề văn đó, các giáo viên rất trân trọng sự mới lạ. Một bài văn thường có barem điểm chấm về nội dung và hình thức. Phần nội dung thường được 8 điểm, hình thức được 2 điểm.

Cô Thuận cho rằng mặc dù có barem, nhưng barem điểm trong văn không như toán. Có nhiều cách đánh giá khác nhau với một bài văn.

"Khi tôi còn làm tổ trưởng tổ chuyên môn đã thống nhất, luôn nhắc nhở trong nhóm không được cho học sinh mặc đồng phục trong các bài tập làm văn.

Một học sinh có thể viết: “Em không thích mùa nào cả, em không hài lòng với mùa nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, cảm xúc mỗi mùa mang lại cho em khác nhau…”. Một bài viết có chính kiến, có tâm trạng, đưa ra được các lập luận có logic, hoàn toàn có thể chấm điểm cao.

[mecloud]ldbLdIuWfO[/mecloud]

Theo cô Ngọc Hà, "trong trường hợp này, có lẽ giáo viên nên trao đổi trực tiếp với phụ huynh”. Cô Hà cũng cho rằng, học sinh nên thắc mắc ngay với cô giáo khi thấy cách chấm điểm chưa ổn.

Trên báo Vietnamnet, chị Vũ Hoàng Huệ, người chia sẻ hình ảnh mở đoạn bài văn 0 điểm của con chia sẻ: Tôi không muốn cộng đồng mạng đi quá xa mà chửi bới giáo viên. Khi chia sẻ đoạn văn kiểm tra của con trên Facebook cá nhân, mục đích không phải để chỉ trích cô giáo hay cô chấm thi. Trước khi chia sẻ, tôi đã hỏi và được biết điểm 0 của con được đánh giá cho mở đoạn. Tôi chia sẻ để muốn xem ý kiến bạn bè tôi xem con mở đoạn như thế có được không? Sai ở điểm nào?

Thực tình, khi nhận bài thi của con, tôi có nhiều phân vân là có nhất thiết câu mở đoạn phải vào thẳng được vấn đề không; mở đoạn bắt buộc phải phải chỉ là 1 câu hay có thể 2 - 3 câu. Có thể, do cách chấm theo barem và cô làm theo barem đó thôi. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, băn khoăn của tôi ở điểm 0, ở mở đoạn trong đoạn văn đó. Những phần sau, tôi không ý kiến gì khác”.

Về bài văn gây tranh cãi, chị Huệ cho rằng: "Dễ dàng nhận thấy những comment trên mạng xã hội tỏ ra thích thú và khâm phục khi cháu dùng những từ rất dễ để cảm nhận như: “những cơn gió se lạnh len lỏi qua từng góc phố, mơn man trên da”… Hay "mùa thu như một bước đệm nhịp nhàng, một sự giao thoa tuyệt vời...". Người đọc có thể cảm nhận ngay những gì cháu diễn tả về mùa thu hiện diện bên ngoài kia".

"Tôi muốn nhấn mạnh một điều, một số bạn nếu chưa rõ về câu chuyện xin đừng kết tội cho cô. Ở đây chỉ đơn giản là chúng ta cùng trao đổi về một vấn đề và tìm ra một cách dạy văn sao cho vừa phù hợp với con và cách dạy của nhà trường…" - chị Huệ khẳng định.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang hot: [mecloud]wuyp1XsCV1[/mecloud]