Dòng sự kiện:

Một bước lên sao, một bước thành... "tội đồ"

15:30 28/09/2015
May mắn được hóa thân thành Tiểu Long Nữ, Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh... trong bản "Remake", nhưng có người thì vụt sáng thành sao, có kẻ lại "ngã ngựa" thê thảm.

 

 

 

Trào lưu “remake” các tác phẩm kinh điển không lạ gì ở xứ Trung.  Từ Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ đến Hoàn Châu cách cách đều được Trung Quốc Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore dựng đi dựng lại nhiều lần. Nhưng,  không phải bản mới nào cũng thành công như bản gốc, trái lại, còn bị chỉ trích là phá hủy các hình tượng màn ảnh đã ăn sâu trong tâm trí fan châu Á. Tất nhiên, các diễn viên “xui xẻo” góp mặt trong bản mới cũng nhận đủ “gạch đá”.

1-      Tiểu Yến Tử (Huỳnh Dịch, Lý Thạnh)


Chỉ mới nhìn thấy ảnh Lý Thạnh trong poster "Hoàn Châu cách cách" bản mới, khán giả đã "nổi đóa"

Dù có ngoại hình xinh xắn, khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to ngang ngửa Triệu Vi, nhưng chỉ mới nhìn ảnh Lý Thạnh trong poster “Hoàn Châu Cách Cách” bản mới, khán giả đã rần rần phản đối và tặng cho cô cả rổ “gạch đá”. Bởi cả về nhan sắc lẫn thần thái,  Lý Thạnh đều thua xa “Én nhỏ” Triệu Vi.

Đã thế, nữ diễn viên còn luôn gắng “trợn” mắt to nhất có thể, nên bất cứ khuôn hình nào, mắt cô cũng... trừng trừng đáng sợ. Nỗi lo thua kém Triệu Vi khiến Lý Thạnh không còn là chính mình, khiến Tiểu Yến Tử của cô “lên gân” và “cứng đơ”, thiếu hẳn nét duyên dáng tự nhiên.

Vai diễn Én nhỏ đã đưa Triệu Vi "Một bước thành sao"

Trong khi Triệu Vi hóa thân “nhẹ” như không thành Én nhỏ  tinh nghịch, thông minh, vừa láu cá lém lỉnh vừa trong trẻo, hồn nhiên thì Lý Thạnh phài gồng mình chật vật để thể hiện nét nghịch ngợm của Tiểu Yến Tử, vai diễn đưa  Triệu Vi một bước thành sao.  Không lạ khi đến giờ, Tiểu Yến Tử Lý Thạnh vẫn chỉ là một cái tên “tầm tầm” trong rừng mỹ nhân Hoa ngữ.

Trước Lý Thạnh, Huỳnh Dịch cũng từng “mạo hiểm” vào vai Én nhỏ. Đánh giá một cách công bằng, ở thời điểm đó, Huỳnh Dịch đã khá nổi tiếng và diễn xuất được đánh giá cao. Những vai diễn nhí nhảnh, cá tính cũng thuộc sở trường của cô. Nhưng không biết vì lý do gì, khi hóa thân thành Tiểu Yến Tử, Huỳnh Dịch diễn “cứng” một cách khó hiểu, cứ như thể cô cũng “bị khớp” vì cái bóng của Triệu Vi. Tiểu Yến Tử của Huỳnh Dịch tuy không bị phản ứng dữ dội như Lý Thạnh, nhưng cũng không đem đến cho “Cô dâu lên nhầm kiệu hoa” chút tiếng thơm nào.

Cả Huỳnh Dịch và Lý Thạnh đều "ngã ngựa" với vai "Én nhỏ"

Sau thất bại cay đắng của hai nàng “Tiểu Yến Tử” Lý Thạnh và Huỳnh Dịch, fan châu Á đã tha thiết đề nghị Quỳnh Dao, “cha đẻ” của Hoàn Châu cách cách không làm mới tác phẩm kinh điển này thêm lần nào nữa, vì Tiểu Yến Tử - Triệu Vi đã trở thành bất tử.

2-      Tiểu Long Nữ (Trần Nghiên Hy)


Lý Nhược Đồng là Tiểu Long Nữ thành công nhất

“Thần điêu đại hiệp” là một trong những bộ phim truyền hình được dựng lại nhiều nhất. Tính sơ, đến nay đã có 7 nàng  Tiểu Long Nữ  là: Trần Ngọc Liên, Phan Nghinh Tử, Lý Nhược  Đồng, Ngô Thanh Liên, Lưu Diệc Phi, Trần Nghiên Hy. Có thể nói, bất cứ nữ diễn viên nào cũng ao ước được vào vai diễn kinh điển này, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp. Phải là mỹ nhân, phải diễn xuất tốt và phải có khí chất thanh tao mới có cơ hội trở thành Tiểu Long Nữ.

Theo nhận xét của đa số khán giả, chỉ có 3 nàng Tiều Long Nữ xứng đáng vào hàng kinh điển là: Trần Ngọc Liên, Lý Nhược Đồng, Lưu Diệc Phi. Trong đó, xét về nhan sắc và thần thái, không ai vượt được Lý Nhược Đồng. “Cô cô” của Lý Nhược Đồng có diện mạo “ngọc khiết băng thanh”, nội tâm sâu sắc, ngoài “lạnh” trong “nóng”, xứng đáng là Tiểu Long Nữ số một trong lòng fan. “Tiểu Long Nữ” Trần Ngọc Liên cũng để lại dấu ấn khó phai, nhưng về tạo hình và khí chất thì dường như thua Lý Nhược Đồng chút đỉnh. Có thể nói, đặt lên bàn cân, đây là hai nàng Cô Cô “một chín một mười”, ai hơn ai, còn tùy thuộc vào “ gu của mỗi khán giả.

Lưu Diệc Phi "ăn điểm" nhờ dung mạo tuyệt sắc và khí chất "thần tiên tỷ tỷ"

Thua kém Trần Ngọc Liên và Lý Nhược Đồng về diễn xuất, nhưng Lưu Diệc Phi lại nổi trội hơn về nhan sắc và thần thái, đặc biệt ở khí chất thần tiên thoát tục. So với hai đàn chị, Lưu Diệc Phi còn “ăn điểm” ở những góc quay tuyệt đẹp, vô cùng ảo diệu, đặc biệt trong những màn phô diễn tuyệt chiêu võ thuật của phái Cổ Mộ.   

Các nàng Tiểu Long Nữ còn lại, dù không được xem là “kinh điển” nhưng cũng vẫn được yêu mến, trừ Ngô Thanh Liên và Trần Nghiên Hy. Tiểu Long Nữ của Ngô Thanh Liên khiến khán giả sốc khi vận trang phục đen tuyền từ đầu đến chân. Ngoài việc không được đánh giá cao về nhan sắc, thần thái của Ngô Thanh Liên còn quá u sầu khiến Tiểu Long Nữ của cô khá… rầu rĩ làm fan của Kim Dung phát hoảng. Tuy nhiên, do rất được yêu thích và đã chứng minh được thực lực qua hàng loạt vai diễn xuất thần trước đó nên danh tiếng của Ngô Thanh Liên không bị “sứt mẻ” sau “cú vấp” Tiểu Long Nữ.

Nhưng, Trần Nghiên Hy lại không được may mắn như thế. Cô thậm chí còn bị “rùa xả” thậm tệ  hơn cả Lý Thạnh và bị dư luận “kết án” như một tội đồ vì đã hủy hoại hoàn toàn hình tượng Tiểu Long Nữ.

Trong mắt fan Kim Dung, Trần Nghiên Hy là một "tội đồ" vì "phá nạt" hình tượng Tiểu Long Nữ

Thực ra, Trần Nghiên Hy có diện mạo trong sáng, mộc mạc, ngây thơ và diễn xuất rất “ổn” nếu được vào vai sở trường. Vấn đề là, biên kịch Vu Chính lại chọn cô vào vai Tiểu Long Nữ. Như thể muốn chọc tức khán giả, Vu Chính đã “nhào nặn” nên một Cô Cô hoàn toàn khác biệt so với nguyên tác, từ mái tóc “trái đào” từa tựa “Na tra” đến tính cách dạn dĩ, thậm chí còn chủ động “cua trai”. Tạo hình không phù hợp còn khiến nhan sắc Trần Nghiên Hy thêm “tầm thường” nếu đặt cạnh các Tiểu Long Nữ trước, và  là “thảm họa” nếu so với nguyên tác.

Khán giả tức giận còn bởi nguyên do, nếu khôn ngoan và không quá tham vọng, lẽ ra Trần Nghiên Hy nên từ chối lời mời của Vu Chính. Tuy nhiên, sự đã rồi và chắc chắn, nàng Tiểu Long Nữ này còn phải lãnh “bia miệng” trong suốt sự nghiệp không biết bao giờ mới vươn lên thành sao!  

3. Nhậm Doanh Doanh (Viên San San)


"Thánh cô" Viên San San "nhợt nhạt" từ hình thức đến khí chất, diễn xuất

Như luật bất thành văn, tất cả các nữ diễn viên đảm nhận các nhân vật nữ chính trong truyện Kim Dung luôn phải xinh đẹp, và đẹp tự nhiên không dao kéo. Bởi thế, ngay từ đầu, Viên San San gặp phải bất lợi lớn do đã từng phẫu thuật thẩm mỹ, và ngay cả khi đã tân trang nhan sắc, diện mạo của cô cũng khó có thể gọi là mỹ nhân.

Bất lợi thứ hai là cô được biên kịch Vu Chính quá ưu ái. Các phim do Vu Chính “chấp bút” kịch bản, nữ diễn viên chính luôn là Viên San San dù diễn xuất của cô chưa khi nào được đánh giá cao. Thậm chí, các an-ti fan còn giễu cợt gọi Viên San San là “Viên đơ đơ” do biểu cảm “trăm cảnh như một”. Ngoài Vu Chính ra không ai hiểu nổi vì sao Viên San San lại được “chấm” vào vai diễn kinh điển: Thánh cô Nhậm Doanh Doanh.

Tuy thế, bất lợi lớn nhất của Viên San San không phải là hình thức hay diễn xuất, mà là  trước đó, các fan của Kim Dung đã có một thánh cô hoàn mỹ để tôn thờ: nữ diễn viên Hứa Tịnh. Đảm nhận vai Nhậm Doanh Doanh trong bản dựng Tiếu ngạo giang hồ 2001 khi đã ngoài 30 tuổi, nhưng Hứa Tịnh đã hóa thân tuyệt vời vào một trong những mỹ nhân đáng nhớ nhất của Kim Dung, tạo nên một thánh cô bất tử trong lòng khán giả. 

Trong lòng khán giả, Hứa Tịnh là Thánh cô hoàn mỹ nhất

Dưới ngòi bút của Kim Dung, Nhậm Doanh Doanh được miêu tả như một tuyệt tác: Xinh đẹp tuyệt trần, võ công siêu phàm, trong sáng nhân hậu. Do bị Đông Phương Bất Bại giam trong động sâu nhiều năm và sau đó, ép làm Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo luôn phải ẩn mình sau lớp mạng đen, nên ở Nhậm Doanh Doanh  toát lên khí chất cao quý, thanh tao, thoáng chút u buồn,  bí ẩn khiến nàng càng thêm quyến rũ.

Thánh cô Nhậm Doanh Doanh là một trong những vai diễn xuất sắc nhất của Hứa Tịnh

Tiếu ngạo giang hồ là một trong những tác phẩm được dựng lại nhiều nhất. Không ít mỹ nhân hàng đầu của màn ảnh Hoa ngữ đã thử sức với vai thánh cô như: Trần Tú Châu (1984), Lưu Tuyết Hoa (1985), Trương Mẫn (1990), Quan Chi Lâm (1993), Lương Bội Linh (1996), Phạm Văn Phương (2000), Viên Vịnh Nghi (2000), Hứa Tịnh (2001). Tuy nhiên, người thành công nhất là Hứa Tịnh. Cô đã thể hiện tinh tế một thánh cô vừa đa cảm vừa kiên định, vừa sắc sảo vừa si tình, vừa quyến rũ “chết người” vừa trong sáng vô ngần, khiến Kim Dung cũng phải thốt lên: “Đây chính là Doanh Doanh mà tôi vẫn luôn hình dung!”.

Viên San San đã phải hứng không biết bao nhiêu "gạch đá" sau vai diễn Nhậm Doanh Doanh

Luận về nhan sắc, diễn xuất, khí chất, Viên San San đều đứng "chót" trong bảng xếp hạng các nữ diễn viên từng đảm nhận vai thánh cô, nói gì đến việc so kè với tượng đài trong lòng khán giả: Hứa Tịnh. Với diễn xuất “tầm tầm”, vẻ ngoài xinh xắn nhưng  không có nét riêng, Viên San San đã tạo nên một thánh cô quá đỗi “tầm thường” so với nguyên gốc, khiến các fan của Kim Dung “nổi đóa”.

Bất chấp sự phản đối của dư luận, Vu Chính vẫn cứ nhiệt tình lăng xê “gà cưng” trong nhiều bộ phim khác, nhưng hóa ra lại phản tác dụng, vì Viên San San luôn có tên trong danh sách các nữ chính bị ghét nhất trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc một thập kỷ qua.

4-      Hoắc Kiến Hoa (Tiếu ngạo giang hồ)


Hoắc Kiến Hoa đã tạo nên một Lệnh Hồ Xung quá ủy mị, thiếu hẳn khí phách của một trang anh hùng lãng tử

Đã nhắc đến Viên San San thì không thể không nhắc tới Hoắc Kiến Hoa, nam diễn viên thủ vai Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo giang hồ 2013 do Vu Chính là biên kịch kiêm đạo diễn.

Trước khi phim ra mắt, không ít fan của Kim Dung đã mừng thầm khi Hoắc Kiến Hoa đảm nhận vai Lệnh Hồ Xung. Xét hình thức và kinh nghiệm diễn xuất, có vẻ anh rất hợp vai. Thậm chí, khi Vu Chính tung trailer phim, Hoắc Kiến Hoa cũng nhận được vô số lời khen về tạo hình và phong thái vừa lãng tử vừa rắn rỏi.

Thế nhưng khán giả đã thất vọng tràn trề khi phim chính thức ra mắt. Dù không bị ghét như thánh cô Viên San San nhưng với diễn xuất chỉ ở mức… diễn viên thần tượng,  Hoắc Kiến Hoa đã không khắc họa được chiều sâu nội tâm của nhân vật Lệnh Hồ Xung. Anh thể hiện khá tốt một Lệnh Hồ Xung hiếu nghĩa, si tình và lắm khi yếu đuối, nhưng không làm toát lên được khí chất ngang tàng, kiêu hãnh, phiêu diêu tự tại của một trang anh hùng lãng tử  đã được Kim Dung dày công chấp bút.

Cũng may là sau khi phim ra mắt, khán giả mải mê “ném đá” thánh cô Viên San San nên phần nào quên mất Hoắc Kiến Hoa. Chứ nếu đặt Lệnh Hồ Xung “nhợt nhạt” của anh cạnh những Lệnh Hồ Xung “tiền bối” như  Lương Gia Nhân, Châu Nhuận Phát, Lữ Tụng Hiền, Nhậm Hiền Tề, Mã Cảnh Đào và đặc biệt là Lệnh Hồ Xung “kinh điển” - Lý Á Bằng thì Hoắc Kiến Hoa rất xứng đáng nhận một điểm trừ về diễn xuất.

Lệnh Hồ Xung là một trong những vai "để đời" của Lý Á Bằng

Cần phải nói thêm, dù nổi tiếng nhưng Lý Á Bằng từng bị fan Kim Dung chê là “không phù hợp phim cổ trang”. Thêm vào đó, tướng mạo của anh cũng chỉ  “thường thường”. Không ai ngờ, Lý Á Bằng đã nhập vai xuất sắc, và chính Lệnh Hồ Xung đã trở thành dấu son sáng chói trong sự nghiệp của Lý Á Bằng.

Ngay sau Tiếu ngạo giang hồ, anh được giao một vai quan trọng không kém: Quách Tỉnh trong Anh hùng xạ điêu, đóng cặp với Châu Tấn. Và đây chính là bộ phim đã xe duyên cho hai người. Tiếc là, cặp “tiên đồng ngọc nữ” này đã không thể cùng nhau bước vào lễ đường.

5-      Lâm Y Thần (Anh hùng xạ điêu)


Lâm Y Thần không "lột tả" được nét lém lỉnh, ma mãnh và trí thông minh tuyệt đỉnh của Hoàng Dung

Năm 2008, một lần nữa, Anh hùng xạ điêu được tái dựng. Ngay khi công bố tên nam, nữ diễn viên chính, khán giả đã lo ngại tác phẩm của Kim Dung sẽ bị biến thành một dạng phim võ hiệp - thần tượng, bởi cặp đôi Hồ Ca và Lâm Y Thần đều thuộc trường phái diễn viên thần tượng. Lâm Y Thần lúc đó rất nổi tiếng, đặc biệt sau phim Ngây thơ. Những nhân vật có tính cách hoạt bát, trong sáng, đáng yêu và khá... ngu ngơ là sở trường của cô. Hoàng Dung cũng là một cô gái lém lỉnh, nhanh nhẹn, hoạt ngôn, nhưng tuyệt đối không ngu ngơ. Trái lại, đây còn là mỹ nhân thông minh tuyệt đỉnh và sắc sảo bậc nhất trong truyện Kim Dung.

Với khuôn mặt bầu bĩnh và vẻ ngoài quá ngây thơ, hiền lành, Lâm Y Thần thiếu hẳn khí chất cần thiết để có thể tạo nên một Hoàng Dung sắc nét như Kim Dung từng khắc họa. Chưa hết, do quá quen với lối diễn xuất hời hợt của dòng phim thần tượng,  Lâm Y Thần chỉ đủ sức phác thảo một Hoàng Dung tinh nghịch, xinh xắn, quá mức trong sáng, ngây thơ, và hoàn toàn bỏ quên sự thông tuệ, ma mãnh, con người nửa chính nửa tà cùng tính cách đa chiều của Hoàng Dung. 

Lâm Y Thần quả là được thần may mắn chiếu mệnh. Dù thất bại nặng nề với vai Hoàng Dung nhưng cô vẫn là một ngôi sao trong lòng khán giả ưa chuộng phim thần tượng. Tất nhiên, kể từ đó, nữ diễn viên không  “đụng” tới một nhân vật nữ nào khác trong truyện Kim Dung.

SÔNG THAO

Nguồn: Gia đình Việt Nam