Dòng sự kiện:

Mưa lớn kéo dài, người dân miền Trung tiếp tục leo mái nhà tránh lũ

21:25 01/11/2016
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại miền Trung khiến nhiều nơi bị ngập lụt, nhiều ngôi nhà nước ngập tới mái, người dân buộc phải leo nóc nhà tránh lũ.

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại miền Trung khiến nhiều nơi tại tỉnh Quảng Bình lại bị ngập lụt. Nước lũ lớn và chảy xiết đã chia cắt một số đoạn trên đường 20 - Quyết Thắng (H.Bố Trạch) từ xã biên giới Thượng Trạch về xuyên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khiến nhiều người bị mắc kẹt trong hơn 3 giờ đồng hồ, trong đó có nhiều đoàn từ thiện đi cứu trợ cho người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ giữa tháng 10 qua.

Đường liên xã vào xã Phương Điền và Phương Mỹ (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập nước. Ảnh: Thanh niên

Đến sáng 31/10, nước lũ đã dâng ngập và chia cắt nhiều địa bàn như xã Phù Hóa (H.Quảng Trạch), xã Quảng Hải (TX.Ba Đồn). Mưa lớn cộng với việc các hồ thủy lợi xả nước cũng khiến các thôn Cao Xuân, Kim Nại (xã An Ninh, H.Quảng Ninh) bị ngập trong nước lũ. Đây là những địa bàn chịu thiệt hại nặng trong trận lũ lớn vừa qua.

Tại H.Tuyên Hóa, các xã ven sông Gianh như Châu Hóa, Văn Hóa... cũng bị ngập lụt. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, có 476 nhà ngập; trụ sở UBND các xã: Mai Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa và 9 trường học bị ngập. Mưa lớn cũng xảy ra tại TP.Đồng Hới vào sáng 31/10.

Tại Hà Tĩnh mấy ngày qua cũng có mưa rất to. Mưa lớn kéo dài ở huyện Hương Khê khiến nhiều ngôi nhà ngập mái.

Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê cho biết: "Mưa to nên nhiều tuyến đường và nhà dân bị ngập. Chúng tôi buộc phải cho hơn 25.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ".

Tại xã Hương Thủy, nhiều ngôi nhà nước ngập tới mái. Người dân buộc phải leo nóc nhà tránh lũ.

Nhiều ngôi nhà nước ngập tới mái. Người dân buộc phải leo nóc nhà tránh lũ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch xã Lộc Yên cho biết: "4h sáng người dân gọi điện cho tôi nói chị Nguyễn Thị Huyền, xóm Trung Sơn đau đẻ. Lúc đó, mưa to, nước sông dâng cao. Tôi phải điều động dân quân tự vệ cùng tôi đưa chị Huyền đến bệnh viện huyện Hương Khê. Từ chỗ đó đến bệnh viện cũng khá xa, nhưng may là mọi việc đều diễn ra thuận lợi".

Trước đó, lúc 3h sáng, một bệnh nhân bị bệnh thận cũng được xã điều động thuyền đưa đi chạy thận.

Đề phòng lũ quét ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hiện nay lũ trên sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa là 7,93 (11h/1), trên BĐ3 1,43m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,93m (12h/01), trên BĐ3 0,23m.

Lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 1/11 trên các sông như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,21m, trên BĐ3 0,71m; tại Hòa Duyệt 8,98m, ở mức BĐ2;

- Sông Gianh tại Đồng Tâm 15,41m, dưới BĐ3 0,59m, tại Mai Hóa 7,89m, trên BĐ3 1,39m;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,91m, trên BĐ3 0,21m;

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 3,09m, trên BĐ1 0,59m.

Dự báo: Lũ trên sông Ngàn Sâu và sông Thạch Hãn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh vào chiều tối nay, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 14,4m, trên BĐ3 0,9m; trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn ở mức 4,5m, trên BĐ2 0,5m; tại Hòa Duyệt đạt đỉnh vào sáng sớm mai (02/11) và ở mức 9,7m, trên BĐ2 0,7m.

Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên, đến đêm nay (01/11) mực nước các sông dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Lũ trên sông Gianh và sông Kiến Giang tiếp tục xuống. Đến đêm nay (01/11), mực nước tại trạm Mai Hóa xuống mức 5,5m, trên BĐ2 0,5m, tại Lệ Thủy xuống mức 2,5m, dưới BĐ3 0,2m.

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng xảy ra tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình) với độ sâu ngập khoảng 1-2,5m.

Cảnh báo: Trong đợt lũ từ ngày 01 đến ngày 04/11, mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên mức BĐ3; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.

Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2- 3

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam