Dòng sự kiện:

Mưa lũ nhấn chìm miền Trung, nhiều địa phương cô lập

17:04 15/10/2016
Lũ tại các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế lên nhanh trong đêm qua khiến hàng loạt nhà dân chìm trong nước lũ, nhiều địa phương bị cô lập.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa đông bắc khiến miền Trung mưa lớn trong nhiều ngày. Nước lũ đổ về tại các tỉnh từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên – Huế khiến nhiều công trình nhà dân bị nhấn chìm, đường sá bị chia cắt.

Tại Quảng Bình

Sáng 15/10, toàn tỉnh Quảng Bình đã bị lũ lớn tấn công, có nơi sắp chạm đỉnh lũ lịch sử. Thiệt hại về người tiếp tục gia tăng khi có thêm 2 người mất tích ở huyện Tuyên Hóa do bị lũ cuốn. Nhiều tuyến đường tại TP Đồng Hới vẫn bị ngập dù lượng mưa tại đây đã giảm.


ĐH Quảng Bình. Ảnh: Vietnamnet

“Mực nước sông Gianh đo được tại Mai Hóa lúc 5h sáng nay là 9,2 m cao hơn năm 2010 và sắp chạm đỉnh lũ lịch sử 2007 (9,57 m). Nước sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang là 3,53 m, tại Hàm Ninh là 3,49 m thấp hơn năm 2010.

Dự kiến hôm nay lượng mưa sẽ giảm nhưng nước sông sẽ vẫn tiếp tục lên do lũ từ thượng nguồn đổ về”, ông Ngô Hải Dương, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình nói.

TP Đồng Hới ngập chìm trong biển nước (Ảnh FB người Quảng Bình)

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chốn lụt bão huyện Tuyên Hóa, tính đến 23h đêm 14/10, trên địa bàn huyện có 2 người mất tích, 2 người bị thương .

Hai người bị mất tích do lũ cuốn trôi là Nguyễn Văn Phi bị lật thuyền ở xã Phong Hóa và một người khác bị cuốn trôi chưa rõ tung tích tại xã Thuận Hóa.

6.000 nhà dân ở Tuyên Hóa bị ngập nước, trong đó có hộ dân bị cô lập. Các tuyến Quốc lộ 12A, 12C, 15 và tỉnh lộ 559 qua huyện Tuyên Hóa bị chia cắt, không thể lưu thông. Ngay đường đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Hương Hoá cũng bị ngập sâu khiến huyện này gần bị chia cắt hoàn toàn.

Nhiều đoạn đường ngập sâu ở Quảng Bình đến 3m. Ảnh: Vietnamnet

Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa vẫn đang bị ngập sâu. Tại các vùng bị cô lập như xã Thượng Hóa, rốn lũ Tân Hóa vẫn đang chìm trong lũ lớn.


Mưa lớn cùng với lũ khiến nước dâng cao tận mái nhà người dân tại Quảng Bình. Ảnh: Báo Quảng Bình. 

Nhiều tuyến đường tại TP Đồng Hới vẫn đang bị ngập nước như Lê Lợi, Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu khiến việc lưu thông của người dân tại các khu vực này gặp nhiều khó khăn. 

Lũ đã xuống nhẹ tại các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch của huyện Bố Trạch. Khu vực Phong Nha chỉ còn bị ngập nước ở mức 1,5 -2 m.

Tại Hà Tĩnh

Chiều 14/10, Quốc lộ 15A nối TP Hà Tĩnh với huyện Hương Khê bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Đặc biệt, đập thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ làm nhiều ngôi nhà ở huyện miền núi Hương Khê chìm trong biển nước.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết tối 14/10, nhiều đoạn đường mòn Hồ Chí Minh ngập nặng do mưa lớn. Người dân ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trạch bị nước lũ chia cắt do thủy điện Hố Hô xả nước.

Nước dâng cao gần ngập mái nhà tại Hà Tĩnh. Ảnh: Zing

22h, tại xã Hương Giang, Hương Trạch, Hương Đô... mực nước đang dâng cao. Nhiều ngôi nhà nước ngập sâu hơn 1m. Chủ tịch xã Hương Liên (Hương Khê) Đinh Văn Sánh cho biết đang tiến hành di dời gần 70 hộ dân để bảo toàn tính mạng và tài sản.

Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho hay: Chiều nay, mực nước tại các con sông trên địa bàn đang rất thấp. Tuy nhiên, khoảng 17h trở đi, thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng 1800m3/s làm các xã bị cô lập.

Tại TP Hà Tĩnh, lượng mưa lớn trong chiều 14-10, cùng với lượng nước đổ về từ hồ Bộc Nguyên đã khiến toàn thành phố ngập sâu.

Một số đoạn trên QL1A, đi qua phường Hà Huy Tập, do lo sợ hồ Kẻ Gỗ xả lũ trong đêm, rất nhiều người dân đã ra phá con lươn giữa đường để nước thoát nhanh hơn bình thường.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) chạy lũ khi thuỷ điện xả lũ. Ảnh: Vietnamnet

Tại Huế

Chiều 14/10, ông Phan Thanh Hùng, Chánh VP Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, từ 23h ngày 13/10 đến 3h sáng hôm sau, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền gây gió mạnh, có lúc giật cấp 9, 10.

Tại thành phố Huế có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến 200-300mm.

Đến đầu giờ chiều ngày 14/10 đã ghi nhận một người đàn ông tử vong ở xã Phú Hải do trèo mái nhà chằng chống nhà cửa bị gió quật ngã và chị  Phạm Thị L. (34 tuổi, trú xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) mất tích do thuyền bị đứt dây neo trôi dạt.

Tại TP Huế, nhiều cây xanh cũng bị gió lốc quật gãy cành, đổ gốc…

Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống; hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La và sông Cả (Nghệ An) đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 15 tháng 10 trên một số sông như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 15,5m, trên BĐ3 2,0m; tại Hòa Duyệt 9,34m, trên BĐ2 0,34m;

- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 11,05m, dưới BĐ2 0,45m;

- Sông Gianh tại Đồng Tâm 13,95m, trên BĐ2 1,95m; tại Mai Hóa 8,86m, trên BĐ3 2,36m;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 3,45m, trên BĐ3 0,75m.

Dự báo

Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang tiếp tục xuống.

Đến chiều tối nay (15/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau:

- Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 5,4m, ở mức BĐ1;

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 14,5m, trên BĐ3 1,0m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,2m, dưới BĐ3 0,3m, sau xuống;

- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống dưới mức BĐ1;

- Sông La tại Linh Cảm lên mức 5,0m, trên BĐ1: 0,5m;

- Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 6,0m, dưới BĐ3 0,5m;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,0m, trên BĐ3 0,3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trọng tâm là các huyện sau: 

Nghệ An: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn;

Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh;

Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP. Đồng Hới.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam