Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển các trường đại học top đầu
Đại học Kinh tế quốc dân năm nay nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 điểm trở lên, cao hơn mức sàn 2 điểm cho tất cả ngành, khối thi. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo đánh giá phổ điểm Ngoại ngữ thấp không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh của trường vì đây là môn thi bắt buộc, đa phần điểm thấp nằm ở thí sinh các khối khác, những em chọn thi khối D điểm vẫn ở mức trung bình trở lên.
Ông cho biết, điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ do không còn cảnh thí sinh ồ ạt, chen chúc để nộp hồ sơ vào trường như năm trước mà trở về với quy luật như mọi năm. Song điểm chuẩn giữa các nhóm ngành vẫn có sự phân hóa rõ rệt, nghĩa là những ngành hot như Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế đầu tư, Kinh tế quốc tế điểm trúng tuyển vẫn cao. Các ngành không hot hoặc độ hot trung bình thì điểm chuẩn có thể giảm hơn một chút.
Năm trước, Đại học Kinh tế quốc dân có điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh cao nhất với 32,25 (đã nhân 2 môn tiếng Anh), các ngành điểm chuẩn cao khác như Kế toán 26, Kinh tế quốc tế 25,75, Tài chính Ngân hàng 25,25. Một số ngành bình thường như Hệ thống thông tin quản lý, Kinh tế nông nghiệp lấy 23 điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển cho từng ngành, nhóm ngành. Điều kiện là không có môn nào điểm liệt, tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp 3 môn xét tuyển tính cho 6 học kỳ từ 20 trở lên, không tính cho thí sinh diện tuyển thẳng và thi liên thông từ hệ cao đẳng của trường. Thí sinh xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành KT11, KT21, KT22, KT24 có điểm xét tuyển từ 7,5 trở lên; các ngành/nhóm ngành KT12, KT23, CN2, KT31 điểm xét tuyển từ 7 trở lên.
Thí sinh xét tuyển Chương trình tiên tiến TT1 - TT5 điểm xét tuyển từ 7 trở lên và điểm thi môn tiếng Anh từ 5 trở lên, hoặc có chứng chỉ tiếng Anh được miễn thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ. Các nhóm ngành khác nhận điểm xét tuyển từ 6 trở lên, không kể chương trình đào tạo quốc tế với mã QT21, QT31, QT32 và QT33).
Trường đưa ra công thức tính điểm xét tuyển để thí sinh tự tính điểm của mình khi nộp hồ sơ.
Học viện Tài chính nhận hồ sơ cao hơn mức sàn 2 điểm. Năm nay, trường được Bộ Giáo dục cho phép tuyển thẳng đối với học sinh THPT toàn quốc nên đã tuyển thẳng hơn 2.500 thí sinh, chiếm 50% tổng chỉ tiêu của trường. Học sinh tuyển thẳng gồm người tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự Olympic quốc tế, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có nội dung và đề tài dự thi về Toán, Tin, Hóa, Lý, Tiếng Anh, Ngữ Văn. Thí sinh có học lực giỏi từ năm 2 trở lên.
Nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố là 15, như Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Đại học Thủy lợi. Thạc sĩ Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi cho biết, trường nhận hồ sơ xét tuyển bằng với mức điểm sàn 15 cho tất cả ngành tại hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TP HCM. Riêng chương trình đào tạo tiên tiến nhận hồ sơ từ 16 điểm trở lên, cao hơn mức sàn 2 điểm. Năm nay, chỉ tiêu đào tạo của trường là 3.700. "Điểm chuẩn có thể không biến động nhiều dù phổ điểm các môn khối A năm nay lệch về bên phải, theo hướng cao hơn", ông cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Hà Nội cho biết, trường không quy định điểm xét tuyển cụ thể song chắc chắn là trên mức điểm sàn mà Bộ công bố. Theo bà Yến, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của các ngành những năm trước, năng lực, niềm đam mê của bản thân và tổng điểm thi mà mình có để lựa chọn ngành học cho phù hợp. Năm trước, ngành Y đa khoa lấy 27,75 điểm còn ngành thấp nhất là Y tế công cộng và Dinh dưỡng lấy 23 điểm. "Các em phải cân nhắc thật kỹ vì quy định bắt buộc là nộp hồ sơ xét tuyển rồi thì không được phép rút", bà Yến nhấn mạnh.
Năm nay, Đại học Y Hà Nội tuyển 1.100 chỉ tiêu, phân hiệu của trường tại Thanh Hóa sẽ tuyển sinh mùa đầu với chỉ tiêu 100 Y Đa khoa. Chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy tại đây không khác gì nhiều so với cơ sở chính.
Lãnh đạo một trường đại học đánh giá, 15 hay 17 điểm chỉ là điểm nhận hồ sơ mà trường công bố, thí sinh cần tỉnh táo khi nộp hồ sơ vì điểm chuẩn vẫn sẽ cao, có trường thậm chí cao hơn 7-8 điểm so với điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Năm nay, phổ điểm các môn Toán, Lý, Hóa lệch về bên phải một chút, lượng thí sinh đạt điểm trên trung bình khá nhiều, nên điểm chuẩn các ngành khối A, A1 sẽ cao hơn hoặc bằng năm ngoái. Dù phổ điểm tiếng Anh thấp, nhưng những thí sinh chọn thi khối D vẫn là những em có năng lực, đó là nguồn tuyển cho các ngành khối D của các trường. Do vậy, điểm chuẩn của các trường sẽ không chênh lệch nhiều. Việc Bộ Giáo dục quán triệt tuyển đủ hoặc ít hơn chỉ tiêu, không được vượt quá cũng là điều khiến các trường cân nhắc khi công bố mức điểm chuẩn.
"Khi nộp hồ sơ, các em nên tham khảo điểm chuẩn của trường qua các năm để làm căn cứ. Đừng thấy trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng hoặc cao hơn điểm sàn rồi ồ ạt nộp vào. Lượng hồ sơ tăng đột biến sẽ khiến cho điểm chuẩn một số ngành học tăng cao. Những thí sinh có điểm thấp hoặc nằm trong ngưỡng không an toàn dễ mất cơ hội vào trường phù hợp", một chuyên gia giáo dục nói.
Theo VNE
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua