Dòng sự kiện:

“Ngãi mẹ sinh thành”- Hầu đồng và xẩm mừng lễ Vu Lan

16:25 10/08/2016
Vào lúc 20h30 tối ngày 12/8 (thứ 6 tuần này), Đêm nghệ thuật truyền thống “Ngãi mẹ sinh thành” mừng mùa Vu lan báo hiếu sẽ được tổ chức tại Laca cfe số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội, với sức chứa gần 200 khách.

Đêm nghệ thuật là sự hoà quyện giữa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống chủ đạo là xẩm, hát văn, quan họ, chèo… cùng một số ca khúc về mẹ của âm nhạc đương đại, hướng tới ca ngợi tình mẹ, ơn nghĩa sinh thành, nêu cao đạo hiếu cao đẹp của người Việt.

Sau khi công bố chương trình, rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự băn khoăn tại sao lại là “Ngãi mẹ sinh thành” mà không phải là “Nghĩa mẹ sinh thành” như người đời quen gọi. “Ngãi mẹ sinh thành” là một “tuyệt phẩm” âm nhạc dân gian cha ông ta đã để lại. Bài xẩm với những lời răn dạy nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng mang đậm tình yêu vô bờ của mẹ dành cho con chỉ với mục đích duy nhất những mong con khôn lớn thành người. Chính từ những tình cảm thiêng liêng ấy, chương trình Tinh hoa nhạc Việt số 2 quyết định lấy tên bài xẩm đặc sắc này thành chủ đề của đêm nhạc.

NSƯT Thúy Ngần

Nhóm Xẩm Hà Thành sau thời gian tạo được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng với hơn 3 vạn lượt xem chỉ sau ba ngày “tung” bài Xẩm Đường lưỡi bò đầy dí dỏm hóm hỉnh lại mang tính châm biếm. Giờ đây, nhóm sẽ tái xuất hiện với những giai điệu, lời ca, những bài xẩm trữ tình nồng thắm tình mẫu tử, lòng biết ơn của đấng sinh thành. Những “Thập ân”, “Công cha như núi thái sơn”, “Nhớ quê” sẽ được NSƯT Thúy Ngần cùng các thành viên trong nhóm thể hiện.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa

 

Đặc biệt, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, học trò trân truyền của nghệ nhân Hà Thị Cầu sẽ hát bài xẩm được lấy làm chủ đề của đêm nhạc. “Ngãi mẹ sinh thành” được nghệ nhân Hà Thị Cầu trực tiếp dạy chị. Đối với nhóm Xẩm Hà Thành, nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng là một người mẹ tinh thần, một người mẹ trong nghệ thuật nên cũng trong đêm nhạc hai nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Khương Cường sẽ thể hiện bài xẩm trên lời thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng để tưởng nhớ tới người mẹ tinh thần của nhóm Xẩm Hà Thành.

Nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh

Nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh, một trong những nghệ nhân hát văn nổi danh của phố cổ Hà Thành cũng đang rất mong chờ tới đêm diễn để anh được thể hiện những điệu văn cổ như văn thờ công đồng và giá Cô bé đem tới màu sắc tâm linh, anh chia sẻ: “Trình diễn trong các nghi lễ nhiều rồi nhưng đây là cơ hội để anh được trình diễn trước đông đảo khán giả trong một không gian nhỏ, ấm cúng và mang tính chất nghệ thuật như này, đặc biệt lại ngay tại phố cổ”.

Trong khi đó, nghệ sĩ Hữu Duy, một anh hai với chất giọng mượt mà tình tứ của xứ Kinh Bắc cũng sẽ mang những lời ca ca ngợi mẹ trình bày trên điệu Mười nhớ mà anh đã từng chinh phục khán giả khắp nơi để tới khán giả Hà thành. Bài hát văn “Nhớ mẹ ta xưa” (Lời thơ Nguyễn Duy) có lẽ sẽ là món quà đặc biệt dành cho những người con xa quê hương, xa mẹ mà NSƯT Thúy Ngần sẽ gửi tặng để cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời thơ ấu bên mẹ: “Mẹ ta không có yếm đào nón mê thay nón quai thao đội đầu rối ren tay bí tay bầu váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa…”

Ca sĩ Hà Linh

Một không gian thấm đẫm tình mẹ qua những bài ca mới mang chất dân gian cũng sẽ mở lối đưa khán giả về với những yêu thương dành cho mẹ. Có ai không nghẹn lòng khi những lời ca quen thuộc “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào…” được cất lên. Rồi lại trào nước mắt sau cả một đời đi phương xa lập nghiệp với bao bon chen vất vả ngồi nghĩ lại mới thấy: “Mẹ ơi! Con đã già rồi con về với mẹ khóc như trẻ con… Mẹ ơi thế giới mênh mông mênh mông không bằng nhà mình…” Nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Hà Linh sẽ dẫn dắt khán giả vào những tình cảm ấy. Và rồi, Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong vai trò MC cũng lần đầu tiên cất tiếng hát tràn đầy ý nghĩa cho những ai còn mẹ và cả những ai đã mất mẹ trong nhạc phẩm “Bông hồng cài áo”.

Ảnh: Tuấn Kiệt, Nguyễn Hoàng, TL

Nguồn: Gia đình Việt Nam