Dòng sự kiện:

Ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện do rắn độc cắn

Theo Thanh Niên
15:00 01/05/2017
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong 3 - 4 tuần gần đây hầu như ngày nào cũng tiếp nhận các ca nhập viện do rắn độc cắn.

Điều đáng nói, không ít bệnh nhân đã chủ quan, nhập viện muộn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong số này có bệnh nhân Lý Văn Th. (39 tuổi, ngụ tại H.Lục Ngạn, Bắc Giang). Sau khoảng 5 tuần điều trị tích cực nhưng hiện bệnh nhân Th. vẫn trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo người nhà bệnh nhân, anh Th. bị rắn cặp nia cắn khi đang đi làm đồng nhưng nghĩ là bị rắn nước bình thường cắn nên không đi khám. Chưa đến 1 ngày sau đó, anh Th. thấy tức ngực, khó thở và được đưa vào viện. Một trường hợp khác cũng chủ quan khi bị rắn cắn là bệnh nhân Nguyễn Thị Ch. (61 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh).

Trước nhập viện khoảng 1 ngày, do sơ ý khi bắt rắn, bà Ch. bị rắn hổ mang chúa cắn vào tay nhưng lại tự sơ cứu tại nhà. Chỉ khi có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn và nôn nhiều, tay sưng to, bà Ch. mới đến bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhân nhiễm độc nặng do chủ quan khi bị rắn cắn. ẢNH THÚY ANH

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Sai lầm lớn nhất của nhiều người khi bị rắn cắn là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu. Nhiều người trì hoãn đến cơ sở y tế khiến nhiễm độc nặng nề, điều trị giải độc khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Có nhiều trường hợp phải điều trị dài ngày, chi phí tốn kém, khoảng 300 - 500 triệu đồng”.

Theo bác sĩ Nguyên, người bị rắn cắn không nên trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn vì gây tổn thương nặng hơn nhưng không lấy được chất độc. Không sử dụng các loại thuốc dân gian và chữa bằng mẹo, không chườm đá và sử dụng “đá chữa rắn cắn” để tiêu độc bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người bị rắn cắn cần nằm bất động vì vận động sẽ khiến nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn; cần được nẹp chân, tay bị rắn cắn. Nếu thấy bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo, khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để được điều trị huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt.

Các trường hợp bị rắn cắn chủ yếu là trong khi làm ruộng, bắt rắn, ngủ dưới sàn hoặc trong chòi ngoài ruộng... Để giảm nguy cơ bị rắn cắn, khi làm đồng nên đi ủng, dày cao cổ và mặc quần dài; không nằm ngủ trên nền đất hoặc sàn nhà; không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn, đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam