Dòng sự kiện:

Nghị lực của Mẹ 9x ung thư giai đoạn cuối vẫn cố sinh con ở tuần 29

03:19 14/07/2016
Ung thư phổi giai đoạn cuối, người mẹ 9x Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi (Hà Tĩnh) vẫn quyết chịu đựng để giữ thai cho con được sinh ra. Khi thai ở tuần 29, các bác sĩ Bệnh viện K đã phải mổ chị ở tư thế ngồi.

mẹ ung thư hy sinh tính mạng để cứu con

Cảm động rơi nước mắt mẹ ung thư quyết đánh đổi tính mạng để sinh con

Niềm vui mang thai chưa được bao lâu thì sóng gió ập xuống với người mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi (Hà Tĩnh). Khi thai nhi phát triển tới tuần thứ 11, chị Trâm thấy trên cổ xuất hiện rất nhiều hạch. Chị có đi khám ở bệnh viện nhưng bác sĩ cho biết không có vấn đề gì bất thường. 

Tới tuần thứ 14 của thai kỳ, chị Trâm đi khám và được bác sĩ chẩn đoán có u tuyến giáp. Khi các dấu hiệu bệnh lý nặng hơn, cơ thể mệt mỏi quá sức chịu đựng, chị Trâm quyết định đi khám ở bệnh viện K.  

Bà Lê Thị Lan, 60 tuổi, mẹ của Trâm cho biết, trước đó sức khoẻ của Trâm bình thường, khi mang thai được 11 tuần, sờ thấy hạch ở cổ nên bệnh nhân đã đi khám ở phòng khám tư thì không phát hiện được bệnh. Đến tuần thứ 14-15, bệnh nhân có đi khám lần nữa nhưng các bác sĩ mới chỉ chẩn đoán nghi ngờ u tuyến giáp. Sau đó, khi các dấu hiệu nặng dần lên ở tuần thai thứ 19, bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện K và được chẩn đoán xác định là ung thư phổi giai đoạn 4 di căn sang gan. Lúc này bệnh nhân đã có những biểu hiện ho ra máu mức độ nhẹ, khó thở khi gắng sức. Để việc điều trị đạt hiệu quả, các bác sĩ tư vấn gia đình cân nhắc việc đình chỉ thai, tuy nhiên, tình mẫu tử thiêng liêng của Trâm quyết hy sinh để bản thân bệnh tật chứ không bỏ con đã lay động trái tim của những người thầy thuốc.

Cảm động trước sự hy sinh cao cả của người mẹ, PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K trung ương chia sẻ: “Chúng tôi đã hội chẩn các bác sĩ cả chuyên ngành ung thư và phụ sản để có giải pháp tốt nhất cho người bệnh và thai nhi và cũng phải dựa trên ý nguyện của bệnh nhân và gia đình. Việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thai kỳ đang ở giai đoạn nào, quyết định của người bệnh và người nhà người bệnh ra sao... Khi người bệnh có ý nguyện giữ thai, chúng tôi tư vấn bệnh nhân chủ yếu bằng các phương pháp dinh dưỡng hợp lý để vừa đủ sức khoẻ cho mẹ vừa đủ dinh dưỡng cho con”.

ThS. Lê Thị Yến, khoa Nội Quán Sứ và ThS. Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K trung ương, những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Trâm cũng cho biết, đến tuần thai thứ 27, Trâm mới chấp nhận điều trị khi cơ thể đã có nhiều biểu hiện trầm trọng lên. Bệnh nhân cũng từ chối thực hiện nhiều xét nghiệm và chỉ chấp nhận làm những xét nghiệm cơ bản để không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Việc điều trị cho bệnh nhân khi đó cũng chỉ điều trị triệu chứng viêm nhiễm bằng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, cho uống thuốc cầm máu, chọc dịch hàng ngày để giúp bệnh nhân dễ thở, hỗ trợ dinh dưỡng bằng tiêm truyền và ăn nhẹ.

Là người trực tiếp tham gia ca mổ, bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết: "Nghị lực phi thường và tình mẫu tử của bệnh nhân đã lay động tất cả các bác sĩ trong ca mổ".

Cũng theo lời bác sĩ Trần Đức Thọ, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, hạch dày đặc hai bên cổ, cộng thêm khối u trung thất khiến bệnh nhân khó thở. Trong suốt hơn 2 tháng nằm viện, hầu như bệnh nhân phải ngồi 24/24.

Dù mỗi ngày chỉ được ngủ 2 tiếng và những đau đớn của bệnh ung thư luôn hành hạ, nhưng người mẹ 9x vẫn không có ý định bỏ cuộc.

Ca mổ đặc biệt, nhiều nước mắt

Khi thai nhi phát triển tới tuần thứ 29, lúc này bệnh nhân Trâm xuất hiện khó thở nhiều hơn. Để giúp đỡ cho bệnh nhân, một ê kíp đặc biệt đã được thành lập bao gồm các bác sĩ tại bệnh viện K và bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

Đây cũng là lần đầu tiên 2 bệnh viện phải chứng kiến ca mổ lấy thai bất đắc dĩ với sự tham gia của 20 bác sĩ (bác sĩ khoa Hồi sức Bệnh viện K , bác sĩ khoa Sản bệnh lý và khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Phụ sản trung ương). Ca mổ diễn ra vào khoảng 20h ngày 10/7, do bệnh nhân khó thở không thể nằm, không thể gây mê, vì vậy chị Trâm phải ngồi mổ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ lấy thai.

Sau 30 phút em bé cất tiếng khóc chào đời khiến các bác sĩ của ê kíp vung mừng đến rơi nước mắt. Bé trai nặng 1,2kg và hiện được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu cho vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

mẹ ung thư phổi di căn vẫn mổ cứu sống con

Chị Trâm sinh được một bé trai nặng 1,2kg và bé đang được chăm sóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Liên Phương, Phó Trưởng khoa Sản Bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay: “Tôi có nói với sản phụ sẽ rất khó khăn vì thai nhi mới 29 tuần tuổi. Khi đó sản phụ chỉ nói: bác sĩ cứ cố gắng hết sức, con của em sẽ chiến đấu với cuộc đời".

Bác sĩ Nguyễn Liên Phương cho hay, đây là lần đầu tiên chị mổ đẻ bệnh nhân ở tư thế ngồi và thao tác thật nhanh để bệnh nhân không mất sức. Ca mổ thành công để lại niềm hạnh phúc và những giọt nước mắt cho sản phụ và bác sĩ. Với cháu bé nặng 1,2kg sẽ còn nhiều khó khăn nhưng nghị lực sẽ vượt lên tất cả để đền đáp lại tình yêu thương mà người mẹ dành cho.

Theo BS. Nguyễn Liên Phương, Phó trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương người trực tiếp tham gia ca mổ đặc biệt đó, đây lần đầu chị mổ cho bệnh nhân trong tư thế ngồi, bác sĩ cúi đầu ngang bàn để mổ, bệnh nhân suy yếu nên phải cố gắng mổ thật nhanh. Điều này cũng không phải dễ dàng khi phải mổ dọc, ruột dồn hết xuống vị trí mổ. Trong lúc đó, hai y tá nâng đỡ sau lưng bệnh nhân, một người phải nâng thành bụng.

Sau nửa giờ căng thẳng, ca mổ cuối cùng đã hoàn thành tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, em bé sinh ra là một bé trai nặng 1,2kg đã được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời để được hỗ trợ nuôi dưỡng trong lồng ấp. Bé được gia đình đặt một cái tên dễ thương là Gấu với kỳ vọng khi lớn lên bé sẽ luôn khoẻ mạnh như chú gấu nhỏ. Hiện tại sức khoẻ của bé ổn định. BS. Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ngay khi được trẻ được chuyển đến, các bác sĩ đã tiến hành đặt nôi khí quản cho thở máy, trẻ suy hô hấp rất nặng, lại non tháng. Hiện sức khỏe của trẻ đã được cải thiện hơn so với lúc sinh, thở máy cấp độ thấp hơn, được điều trị chống suy hô hấp, các biện pháp dự phòng nhiễm nhuẩn. Trẻ sẽ tiếp tục được chăm sóc đặc biệt cho đến khi cứng cáp, có thể tự thở được. Theo các bác sĩ, với trẻ sinh non tháng như trường hợp này có thể phải nằm việc 3 tháng.

Còn người mẹ vẫn tiếp tục được điều trị hồi sức tại Bệnh viện K, chờ khi sức khoẻ ổn định thì sẽ cân nhắc việc điều trị bệnh ung thư phổi một cách toàn diện, triệt để.

Theo SKĐS/Emđẹp