Dòng sự kiện:

Nghịch cảnh 2 bé Huyền - Thoại muốn "bỏ" chùa, ngủ lề đường cùng cha

16:52 11/06/2015
Hai cô bé Huyền – Thoại được gửi vào chùa và đang có một cuộc sống khá đầy đủ, ổn định, không phải lang thang ngoài đường. Tuy nhiên, hai bé đều một mực nói muốn về với cha để phụ bưng hủ tiếu, ngủ thì đến trạm xe buýt.

Chỉ vài tháng, anh Tuấn đã xài hết số tiền từ thiện. Không còn phòng trọ, ba cha con lại dắt díu ra lề đường sinh sống. Ngày họ lang thang, tối ngủ gầm cầu, trạm xe buýt. Anh Tuấn kể lại:“Cách đây gần một tháng, có hai người đàn ông đến thuyết phục tôi gửi hai cháu vào chùa. Họ nói sẽ bảo lãnh hai bé. Đói qua nên tôi đồng ý để họ gửi cháu vào trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Pháp Võ (P.Phú Xuân, H.Nhà Bè)”.

Không còn nhà, tiền cũng hết nên ba cha con trở lại cuộc sống ngoài lề đường như trước kia.

Cuộc sống đủ đầy trong chùa

Tìm đến ngôi chùa Pháp Võ trên đường Huỳnh Tấn Phát, thầy Minh Hạnh (Hiệu trưởng trung tâm) xác nhận hai bé Huyền và Thoại đang ở trong trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi với 80 em khác. Tại đây, hai bé được các nhà sư trong chùa nuôi dưỡng được đã gần một tháng.


 

Hai bé Huyền - Thoại được gừi vào trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của chùa Pháp Võ.

Thầy Minh Hạnh nhớ lại: “Khoảng 1 tháng trước có hai người đàn ông ngoài 40 tuổi dẫn hai cháu đến, ngỏ ý nhờ nhà chùa nuôi nấng. Họ bảo thấy hai bé cứ lang thang ngoài đường, bộ dạng xơ xác nên mới thuyết phục người cha cho vào chùa để có cuộc sống tốt hơn. Họ đã đứng ra làm giấy bảo lãnh ngay sau đó”.


Ở trong chùa, cả hai được chăm lo đầy đủ từ bữa ăn.


 

Đến giấc ngủ.

Người hiệu trưởng khi ấy hoàn toàn không hay về câu chuyện ba cha con Huyền – Thoại từng xôn xao cộng đồng. Ông chỉ nhớ hai bé lúc ấy đen nhẻm, tóc tai bù xù và có vẻ đang đói. Sau khi làm thủ tục với công an, hai đứa trẻ được nhà chùa nhận nuôi nấng.


Thầy Minh Hạnh và các sư rất quý Huyền - Thoại, hai đứa trẻ cũng trìu mến gọi thầy là ông ngoại.

Vào trong chùa, cuộc sống của hai cô bé thay đổi, không còn cảnh lang thang, bữa đói, bữa no.“Hai cháu được chúng tôi đối xử bình đẳng như bao bé khác, ăn mặc đầy đủ nên chỉ sau một thời gian cả hai trông trắng trẻo hơn trước”, thầy Minh Hạnh nói.

Do đang trong thời gian nghỉ hè,  nên Huyền – Thoại chỉ ăn, ngủ và vui chơi cùng các bạn. Nhà chùa đang làm giấy khai sinh cho hai bé để kịp đi học trong năm học sắp tới ở các trường công lập trên địa bàn.



Vào chùa gần 1 tháng, cả hai dễ dàng hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

 

Đang ngồi chơi xích đu với bạn, cô bé Huyền thích thú nói: “Ở đây thì con sung sướng, ăn bữa nào cũng có cơm, lại còn được uống sữa. Con hay chơi thảy đá, xích đu, cầu trượt, thổi bong bóng với các bạn, vui lắm”.

 

Nhưng vẫn muốn về với bố

 

Từ khi gửi hai cô con gái vào trong chùa, anh Tuấn đã ba lần ghé thăm, mỗi lần nửa tiếng.“Thấy cha, hai bé mừng rỡ chạy lại ôm hôn rồi hỏi bố đang ở đâu vậy, bao giờ quay lại đón”,thầy Minh Hạnh chia sẻ.


Cả hai rất nhớ và luôn nói muốn về với bố.

Theo thầy, dù hòa nhập cuộc sống nơi đây tốt, không có biểu hiện sợ hãi nhưng hai bé vẫn hay nhắc về bố, có nhiều lần đòi về. “Khi ấy tôi hỏi nếu con về với bố thì sẽ ăn ngủ ở đâu? Cháu ngây thơ trả lời là cùng ba sống ngoài đường, ngủ trạm xe buýt và phụ ba bưng hủ tiếu”, hiệu trưởng trung tâm cho biết.


Dù ở chùa được chăm sóc, luôn được cười đùa.


Nhưng nhớ bố nên cô bé Huyền có lúc vẫn thui thủi một góc.

Hoặc chơi một mình, thay vì tụ tập với các bé khác.

Tại sân chơi, nhiều lần đang vui chơi cùng với bạn, hai bé lại chạy đến nói với hiệu trưởng: “Ông ngoại ơi, bố con giờ đâu rồi, con nhớ bố lắm”. Có lúc chúng tiu nghỉu chơi một mình, ngồi thui thủi một góc. Vài lần thăm con, anh Tuấn có ngỏ lời xin cho nhận lại con nhưng nhà chùa chưa thể đồng ý. Theo thầy Minh Hạnh, vì cha con mới xa nhau nên các bé nhớ cha và đòi về là điều dễ hiểu.


 

Ông Hạnh cho biết, nhà chùa chưa thể trả hai bé cho anh Tuấn vì sợ cả hai sẽ lại lang thang như trước.

 

Thầy bộc bạch: “Nhà chùa không giữ bé mãi và luôn tạo điều kiện cho cha con gặp nhau. Qua tiếp xúc, tôi thấy anh Tuấn nghiện rượu, lười làm việc lại không có một giấy tờ tùy thân nên khó có thể đảm bảo cuộc sống cho các bé. Trả Huyền – Thoại về với cha để chúng lại vất vưởng đường phố thì chúng tôi không đành lòng”, hiệu trưởng trung tâm chia sẻ.

 

Tiếp xúc với anh Tuấn, người cha này luôn bày tỏ nguyện vọng đón con về nhà. Nhưng trước câu hỏi sẽ làm gì để lo cuộc sống hai đứa thì anh Tuấn chỉ trầm ngâm. “Thì cũng như trước thôi, mình đi đâu chúng theo đó. Tôi ngủ ngoài đường thì chúng cũng vậy, còn không thì phụ bưng hủ tiếu. Nếu có thể, tôi sẽ mang hai cháu về quê chứ không ở đây nữa”, anh trả lời.


Nhìn ánh mắt ngây thơ của hai em, chúng tôi không tránh khỏi xót xa
 Lẽ ra với số vốn mà các nhà từ thiện đã tin tưởng để cho cha con anh làm ăn, anh có thể dùng nó để tạo lập cho 3 cha con một cuộc sống yên an, nhưng anh đã dùng nó ra sao để bây giờ 2 bé phải chịu cảnh mồ côi, còn anh sống thảm hơn cả trước khi được giúp đỡ?
Anh Tuấn nói khi có tiền, anh sẽ đón hai con về quê, làm ăn chân chính, nhưng liệu người ta còn dám tin anh một lần nữa không? Hai em Huyền - Thoại vẫn mong được về với bố, nhưng nếu về, với người cha không lo nổi cuộc sống cho chính mình, tương lai các em sẽ đi về đâu?
Trước đó, ba cha con anh Tuấn nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ của nhiều tấm lòng hảo tâm. Và họ đã có một số tiền nhất định để kiếm một nơi sinh sống ổn định. Anh Tuấn đưa hai bé Huyền – Thoại đi thuê căn phòng trọ nhỏ ở xã Phước Kiểng, H. Nhà Bè. Hai bé cũng được giúp đỡ để được vào học miễn phí tại trường tiểu học Lê Quang Định. Bản thân anh Tuấn tiếp tục đi dán điện thoại, laptop…
Tuy nhiên, anh Tuấn đã tiêu hết số tiền hảo tâm hơn 60 triệu đồng và lại hông chịu tu chí làm ăn, chứng nào tật đấy nên thành ra giờ còn thảm hơn trước. 

Trước kia, cuộc sống lề đường của ba cha con khiến nhiều người cảm động.
 
PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)