Dòng sự kiện:

Người phụ nữ đã cứu sống hàng triệu sinh mệnh trên thế giới

23:23 08/03/2016
Nhờ biệt tài giải mã, Joan Clarke đã cứu sống hàng triệu người vô tội bằng cách góp phần kết thúc sớm chiến tranh thế giới thứ hai.

 

 

 

 
 Keira Knightley (phải) - người thủ vai nữ chuyên gia giải mã Joan Clarke trong "The Imitation Game"

Vượt qua định kiến xã hội

Sinh năm 1917 tại vùng West Norwood, thành phố London (Anh), ngay từ nhỏ, Joan Elisabeth Lowther Murray (Joan Clarke) đã bộc lộ trí thông minh hơn người cùng niềm đam mê toán học.

Sau thời gian học tại trường trung học Dulwich, Clarke  được tuyển thẳng vào Newnham College - trực thuộc đại học Cambridge danh tiếng và tốt nghiệp chuyên ngành toán học với bằng xuất sắc.

Rất tiếc, do định kiến xã hội, Clarke đã không có cơ hội học lên cao. Dù là ngôi trường luôn mở cửa với các tài năng nhưng vào lúc đó, tại Cambridge chỉ có nam sinh mới được theo học.

Mặc dù cánh cửa học hành sớm đóng lại nhưng bằng cách này hay cách khác, Clarke vẫn nỗ lực theo đuổi niềm đam mê của mình. Năm 1939, bà vào làm việc tại Công viên Bletchley -  một trung tâm giải mã, chấp nhận một mức lương rẻ mạt. Tất nhiên, vì là phụ nữ, công việc mà Clarke được giao chỉ đơn giản là nhận điện báo.

Thế nhưng, đúng như câu nói “Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ ít lâu sau, tài năng giải mã của bà đã có dịp được ứng dụng. Clarke trở thành thành viên xuất sắc của Hut 8 - nhóm chịu trách nhiệm giải mã các tin điện báo từ hải quân Đức với người đứng đầu là Alan Turing - nhà toán học, logic học và mật mã học lừng danh.

Cứu sống hàng triệu sinh mạng nhờ tài năng giải mã


 Keira Knightley trong "The Imitation Game"

 

Những năm tháng Clarke làm việc tại Hut 8 cũng là giai đoạn bành trướng của phát xít Đức trên khắp các trận địa. Nhằm tái thiết lập hòa bình thế giới, cách duy nhất là “bẻ khóa”, nắm bắt các thông tin quân sự cơ mật của hải quân Đức. Hut 8 là một trong những nhóm giải mã “nòng cốt” lúc đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia giải mã phải đối mặt với Enigma - một loại máy có hệ thống đĩa quay dùng để tạo mật mã. Với khả năng tạo ra 100.391.791.500 cách mã hóa khác nhau, Enigma được xem là cỗ máy mã hóa tối thượng.

Nhờ trí thông minh tuyệt vời của Alan Turing, Hut 8 có trong tay vũ khí siêu lợi hại: một loại máy cơ - điện tử  mang tên Bombe, có khả năng giải mã 156.000 tỉ ký tự phức tạp. Nhờ thế, người Anh đã khám phá nội dung của 3.000 bức điện mật bên “phe” Đức chỉ trong vài phút. Trong đó, có những tin tối mật đặc biệt quan trọng như ị trí tàu ngầm do hải quân Đức sử dụng trên Đại Tây Dương, hay kế hoạch tấn công tàu cứu hộ của quân Đồng Minh. 

Có thể nói bằng tài năng giải mã, Clarke cùng Alan Turing và các đồng nghiệp trong Hut 8 đã cứu sống hàng triệu mạng người trong chiến tranh, thậm chí, góp phần kết thúc chiến tranh thế giới sớm 2 năm.  

Không chỉ là “cặp bài trùng” trong công việc, Clarke và Turing còn xem nhau như tri kỷ. Sau quá trình làm việc chung, giữa họ đã nảy sinh tình yêu. Điều khó hiểu là dù đính hôn nhưng hai người lại mau chóng  hủy hôn.

Điều khó hiểu hơn là trong khi Alan Turin được lịch sử ca ngợi như một người hùng thì người cộng sự đắc lực của ông - Joan Clarke lại hoàn toàn bị quên lãng. Là thành viên quan trọng và lâu năm nhất của Hut 8, nhưng hậu thế chỉ nhắc đến bà một cách ngắn gọn: "Một nhân viên mang tên Joan Clarke từng hứa hôn với Alan Turin”.

Không chỉ Clarke, các nữ chuyên gia  khác của Công viên Bletchley cùng nhiều bí mật về trung tâm giải mã hàng đầ này hiện vẫn được giữ kín.

"Họ là những người có trình độ cao nhất tại Bletchley, và họ xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử", Kerry Howard - nhà khoa học nghiên cứu về nữ giải mã viên trong chiến tranh đã viết thế!

SÔNG THAO (tổng hợp)

Theo Gia đình Việt Nam