Dòng sự kiện:

Người tiêu dùng Việt liệu có yên tâm hơn khi biết được thông tin này?

21:27 04/12/2015
Kể từ ngày 8/1/2016 tới đây, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen vì một Thông tư liên quan tới loại thực phẩm này sẽ chính thức có hiệu lực.

 

 

 

[mecloud]yxPQVyYE62[/mecloud]
Cụ thể, theo thông tin từ báo Trí Thức Trẻ, từ ngày 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn (GMO) lưu thông tại Việt Nam sẽ phải ghi nhãn “biến đổi gen” trên bao bì. Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN về việc hướng dẫn ghi nhãn mác này được Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành.

Đối với những sản phẩm có diện tích để ghi nhãn nhỏ hơn 10cm2 thì trên nhãn bắt buộc phải có tên hàng hóa và cụm từ “biến đổi gen”. Những nội dung bắt buộc còn lại không thể hiện trên nhãn thì phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa.

Thông tư này áp dụng cho thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm.

Quy định ghi nhãn này không áp dụng cho thực phẩm biến đổi gen tươi sống, thực phẩm biến đổi gen chế biến không bao gói và trực tiếp bán cho người tiêu dùng; thực phẩm biến đổi gen sản xuất chỉ nhằm mục đích xuất khẩu thì việc ghi nhãn phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.

Thông tư cũng quy định rõ, thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa không phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch này không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8/1/2017.

Trường hợp thực phẩm biến đổi gen đang lưu thông trên thị trường chưa tiêu thụ hết thì được tiếp tục lưu thông nhưng không quá thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

Miễn ghi nhãn bắt buộc đối với một số thực phẩm biến đổi gen như: Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; thực phẩm tạm nhập tái xuất; thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, thực phẩm gửi kho ngoại quan; thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.

Các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm, nhập khẩu về để sản xuất nội bộ không bán ra thị trường, chỉ vận chuyển nội bộ giữa các kho từ tỉnh này qua tỉnh khác thuộc cùng một hệ thống trong doanh nghiệp cũng được miễn ghi nhãn biến đổi gen.

Trước đó, cây biến đổi gen đã được trồng đại trà tại hơn 30 quốc gia trên thế giới từ hàng chục năm nay nhưng vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh lợi ích của giống cây này.

Cũng giống các nước trên thế giới, ở nước ta vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều về thực phẩm GMO. Nhóm ủng hộ cho trồng đại trà vì đây là thành tựu khoa học về giống của thế giới. Với các giống GMO sẽ chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh, năng suất cao gấp đôi giống truyền thống, đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều nước tiến bộ như Mỹ đều đang cho phép, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Luồng quan điểm thứ hai cho rằng không nên cho phép trồng và cho phép làm thực phẩm cho người vì chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định không gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho con người. Nguy cơ phụ thuộc giống cây trồng GMO của các công ty nước ngoài làm biến mất những giống cây truyền thống có chất lượng tốt hơn, thông tin từ báo PLTPHCM.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ: “Cách đây nhiều năm, tôi có tham gia một hội nghị về cây trồng GMO ở Pháp nhưng ở ngoài dân họ biểu tình phản đối không cho trồng. Lúc đó có ý kiến nhà khoa học dẫn một báo cáo khoa học thế giới cho thấy họ thí nghiệm trên chuột, khi chuột ăn bắp GMO thì sau một thế hệ, con chuột mọc lông trong cổ họng, sau 2-3 thế hệ thì ngừng sinh sản. Ý kiến khác thì cho rằng thí nghiệm không thuyết phục vì không có cơ quan độc lập giám sát, kiểm chứng. Dân số ngày càng đông đúc, vấn đề an ninh lương thực nóng lên, chỉ có cây trồng GMO mới giải quyết được. Còn nếu có độc tố thì giống truyền thống cũng có, xác suất có hại rất thấp”.

Từ năm 2010 đến nay, nước ta mới chỉ cho trồng khảo nghiệm cây bắp GMO. Năm 2014, Bộ NN&PTNT mới phê duyệt bốn giống bắp GMO đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của Công ty Syngenta Việt Nam và Dekalb Việt Nam (Monsanto). Và để được trồng đại trà trong nước thì phải còn qua nhiều khâu kiểm định, phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế từ nhiều năm nay người dân Việt Nam đã và đang ăn, uống gián tiếp lẫn trực tiếp thực phẩm được chế biến từ cây trồng GMO nhập khẩu.

Vì thế, trước khi vấn đề tranh cãi lợi hại của thực phẩm GMO chưa “ngã ngũ”, việc dán nhãn mác để người tiêu dùng phân biệt, tự do lựa chọn lúc này là vô cùng cần thiết.

Chi Chi (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip hot:[mecloud]K1ipf1JP9m[/mecloud]