Dòng sự kiện:

Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội, vung tiền "săn" thực phẩm ngoại

21:10 01/03/2016
Thực phẩm “made in China” đang bị chính người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay do nghi ngại chất lượng an toàn thực phẩm.

 

 

 

 

Thay cho  sản phẩm nội, người Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang có xu hướng “sính ngoại”. Họ sẵn sàng bỏ tiền đặt mua các sản phẩm từ nước ngoài dù đắt hơn gấp nhiều lần hàng “nội”,  nhất là các mặt hàng dành cho trẻ em

Hiện tại, các sản phẩm có xuất xứ Australia được người tiêu dùng Trung Quốc “tín nhiệm” hơn cả. Nếu như trước đây, Trung Quốc chủ yếu chỉ nhập khẩu sắt và than đá từ Australia thì hiện tại, phạm vi hàng hóa nhập khẩu đã mở rộng hơn nhiều, tập trung vào mặt hàng thịt bò, sữa uống, sữa bột cho trẻ em, các loại vitamin và mật ong.

Sự sốt sắng của thị trường hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Australia. Năm 2015, giá cổ phiếu của Blackmores, một nhà cung cấp các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng đã có lúc đứng đầu thị trường chứng khoán Australia với mức giá 217,98 đô la Australia, tăng 534,03%.

Ngoài ra, các hãng sữa và mật ong của Australia cũng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sức mua từ Trung Quốc. Hãng sữa bột Bellamy tăng giá cổ phiếu hơn 700%, lợi nhuận ròng tăng 325% trong nửa sau năm 2015. Công ty Capilano, doanh nghiệp sản xuất mật ong lớn nhất Australia cũng có lợi nhuận tăng gần 53%.

Mật ong và sữa bột Australia đang gây sốt trên thị trường Trung Quốc

Các thương hiệu hàng đầu về sữa bột cho trẻ em như Bellamy, A2... đã gây ra một cơn sốt thực sự trên thị trường Trung Quốc những năm gần đây bởi đa số các vị phụ huynh người Trung Quốc đều tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng sữa Australia. Do sữa bột Australia thường xuyên bị cháy hàng tại Trung Quốc nên nhiều siêu thị lớn đã áp đặt giới hạn mua, mỗi vị khách chỉ được mua từ 2 – 4 hộp sữa/ lần. Đây cũng là lý do khiến xu hướng kinh doanh hàng xách tay, đặc biệt là sữa phát triển rầm rộ tại cả hai đầu cầu: Trung Quốc và Australia.

Tính tổng thể, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Australia đã giúp đất nước chuột túi tăng lợi nhuận ròng trong 6 tháng cuối năm lên 160% so với hồi đầu năm. Trong đó, riêng doanh số xuất khẩu hàng hóa sang  Trung Quốc đã chiếm 40%.

Có thể nói giới kinh doanh thực phẩm Australia đang “hốt bạc” từ nỗi sợ hãi hàng “nội” của người tiêu dùng Trung Quốc.

SÔNG THAO (tổng hợp)

Theo Gia đình Việt Nam