Dòng sự kiện:

Người vợ xinh đẹp đảm đang phía sau nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch

21:58 25/10/2015
Lần đầu tiên ra nước ngoài, bà Phúc rất bỡ ngỡ. Bài học ngoại giao đầu tiên của hai vợ chồng Tổng lãnh sự Việt Nam là tập cầm dao nĩa để ăn theo đúng lễ nghi. Một lần, Đại sứ Pháp mời ông bà ăn cơm. Họ mang ra món thứ nhất.
Kế “hoãn binh” của ông Tổng lãnh sự

Không biết dùng dao nĩa, ông Thạch tìm cách “hoãn binh”: “Tôi không ăn đâu”. Đại sứ Pháp ngạc nhiên: “Tôi chỉ có hai món để mời ông thôi”. Thấy ông Thạch không ăn, bà Phúc cũng không ăn. Ông bà quan sát Đại sứ Pháp ăn món thứ nhất rồi vui vẻ dùng món thứ hai.

Trong kháng chiến, ông bà được phát quân phục giản dị theo mùa: Đông, hè. Sang Ấn Độ, ông bà phải chú ý ăn mặc theo lễ nghi ngoại giao: Complet, áo dài, giày da..., những việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả với cán bộ kháng chiến. Môi trường ngoại giao thật xa lạ với bà Phúc.

Với vốn kiến thức tiếng Pháp và tiếng Anh của cô nữ sinh Hà Nội, bà Phúc cố gắng học hỏi để làm tròn nhiệm vụ phức tạp của một phu nhân tổng lãnh sự. Bà tranh thủ học thêm tiếng Anh cùng ông Thạch.

Ông học về chính trị ngoại giao, bà học về giao tiếp. Do có điều kiện tiếp xúc đời thường, bà Phúc biết nhiều từ tiếng Anh thông dụng. Trong các buổi chiêu đãi, có lúc ông Thạch phải quay sang hỏi vợ con cá này, con lươn nọ tiếng Anh là gì. Các nhà ngoại giao xung quanh cười, nói đùa: “Bà ấy là gia sư của ông à?”.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trả lời phóng viên

Bà Phúc thích đọc tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Những lúc rỗi rãi bà kể lại cho ông Thạch. Tình cờ một lần ông Thạch đã làm cho một đại sứ Mỹ ngạc nhiên và khâm phục khi biết ông biết truyện Cuốn theo chiều gió nổi tiếng của Mỹ.

Từ trước đến nay ông ta vẫn nghĩ người cộng sản không bao giờ đọc các loại sách ấy. Tiếng Anh là ngôn ngữ thường dùng của người Ấn Độ. Nhờ có ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp tốt, ông Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ được cảm tình của bạn.

Một thắng lợi của bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ thời ấy là Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã chính thức mời Hồ Chủ tịch sang thăm Ấn Độ. Thắng lợi này có sự đóng góp không nhỏ của Tổng lãnh sự Nguyễn Cơ Thạch.

Làm vợ nhà ngoại giao

Thời gian có mang con trai thứ ba, lại vừa có con nhỏ bà Phúc rất vất vả. Thông cảm với bà, dù rất bận công việc, ông Thạch vẫn dành thời gian làm việc nhà, trông con và chăm sóc vợ.

Suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tham gia các cuộc đàm phán trên mặt trận ngoại giao. Ông có nhiều sáng kiến, chuẩn bị tốt các phương án đấu tranh cho các cuộc họp hai bên và bốn bên khi mở cục diện “đánh và đàm”.

Các đồng nghiệp gọi ông là “Pêlê” trong hội nghị Paris kéo dài năm năm. Thời kỳ ông Thạch đi hội nghị Paris 1968-1973 cũng là thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt Hà Nội. Hồi ấy, bà Phúc là chủ nhiệm khoa dược bệnh viện Việt Đức, tuyến cuối cùng nhận các thương binh nặng và nạn nhân của các cuộc ném bom.

Bà liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua của bệnh viện Việt Đức. Hòa bình, ông bà sinh thêm ba con trai: Phan, Thiết, Bình Minh. Vừa công tác, bà Phúc vừa lo nuôi dạy các con ở nơi sơ tán.

Ông Thạch viết thư cho bà: “Em thay anh làm công việc cả của bố và mẹ, giáo dục, động viên các con học tập, rèn luyện để phục vụ đất nước. Anh bận quá, hay đi công tác xa, em giúp anh. Anh làm được việc một phần là vì em đã lo toan cho anh mọi việc gia đình, con cái, anh an tâm”.

Genève là địa bàn nhạy cảm tin tức quốc tế. Thực chất chuyến đi của ông Thạch là tìm hiểu đánh giá khả năng Mỹ có thể can thiệp trở lại khi ta sẽ đánh lớn ở miền Nam. Những báo cáo của bộ Ngoại giao cùng với những nguồn tin trên mặt trận chính trị quân sự đã góp phần đáng kể để bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 31/3/1975 có một quyết định chiến lược: Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tốt nhất là vào tháng 4/1975.

 Sau chiến tranh chống Mỹ, dù đã ở tuổi 50 bà Phúc lại tiếp tục đi học trường ngoại giao để chuyển sang một ngành hoàn toàn mới: Ngành ngoại giao. Từ đây, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thêm một đồng nghiệp tin cậy, thân thiết để trao đổi công việc. Đầu những năm 1980, thời kỳ quân đội Việt Nam tấn công quân Pol Pot ở Campuchia, Việt Nam bị Mỹ cấm vận và cô lập trên thế giới. Rất nhiều những tuyên truyền chống Việt Nam trên thế giới. Đấy là những năm tháng khó khăn của những người làm công tác ngoại giao Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngày đêm trăn trở: Làm thế nào cho thế giới, bạn bè hiểu Việt Nam?

Sau khi cân nhắc kỹ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mạnh dạn đề nghị UNESCO công nhận Hồ Chủ tịch là Danh nhân văn hóa thế giới và Anh hùng dân tộc. Nhờ những tuyên truyền, vận động ngoại giao cùng những tài liệu được chuẩn bị kỹ, UNESCO đã tôn vinh Hồ Chủ tịch là Danh nhân văn hóa thế giới và Anh hùng dân tộc. Đây cũng là một thành tích của Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc ấy.

(Còn tiếp)

Theo Hôn nhân & Pháp luật