Dòng sự kiện:

Ngưỡng mộ cách dạy kỹ năng sống cho con của người Nhật

02:00 02/09/2015
Không giống như Việt Nam, các bậc phụ huynh cho rằng việc rèn luyện kỹ năng sống là trách nhiệm của nhà trường, thì người Nhật lại cho rằng đó là vai trò của cha mẹ trước tiên.

Tin liên quan

  • Khám phá điều quan trọng nhất khi dạy trẻ kỹ năng sống ở Nhật
  • Trẻ em ở Mỹ học kỹ năng sống như thế nào?
  • Kỹ năng sống quan trọng nhất bố mẹ Anh thường dạy con
Ở Nhật, không có sách giáo khoa dạy riêng về kỹ năng sống, nhưng học sinh Nhật có một môn học Đạo đức ở trường cũng dạy những nội dung tương tự như các kỹ năng sống. Chẳng hạn như đó là thói quen sinh hoạt đúng mực, luôn xây dựng cho mình tinh thần tự giác, tự lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, vừa có tinh thần cầu thị, vừa có kỹ năng tự giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhân, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với người khác trong tập thể.

Người Nhật quan niệm dạy kỹ năng sống cho trẻ từ lúc mới sinh ra, chứ không phải đợi đến khi bé bắt đầu đi học. Vì vậy, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng ấy. 

Để bé trải nghiệm cùng thiên nhiên

Kỹ năng sống đầu tiên mà người Nhật dạy con trẻ chính là trải nghiệm cùng thiên nhiên để thích ứng với môi trường và học hỏi từ thế giới tự nhiên.

Trẻ em ở Nhật đã được bố mẹ bế đi dạo để cảm nhận không khí buổi sớm từ lúc 2 tháng tuổi, hay bé từ 3-4 tháng trở đi đã được bố mẹ đưa đi chơi dưới trời nóng mà chẳng cần mũ, hay dưới trời rét, hay những cơn mưa nhẹ…

Mục đích của các ông bố bà mẹ Nhật là để cho trẻ “tăng sức đề kháng” khi tiếp xúc và làm quen với môi trường thiên nhiên ngay từ. Họ không ngại con sẽ bị ốm nếu làm như thế, họ hiểu có trải qua môi trường như thế thì con trẻ mới được tôi luyện dần dần mà thích ứng. Và kết quả là họ nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.

Trẻ càng lớn thì các bậc phụ huynh càng để cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc, quan sát thiên nhiên để học hỏi. Để dạy trẻ biết trân trọng sự sống họ cho trẻ tập trồng hoa, trồng cây, nuôi thú hay hường xuyên dẫn đi các vùng ngoại ô để làm quen với động vật. Những dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ họ cho trẻ đi câu cá, nghịch ở sông, bắt ve bắt bướm.

Rất nhiều nơi trên khắp nước Nhật đã tái sinh lại khu cánh đồng cho đom đóm hồi sinh lại (vì trong suốt thời kỳ kinh tế phát triển quá độ đã khiến môi trường bị hủy hoạy dẫn đến loài đom đóm bị tận diệt, và đom đóm hồi sinh như một bằng chứng chứng tỏ môi trường sinh thái phát triển bền vững). Ngày nay cứ dịp tháng 5 đến tháng 7 trẻ em Nhật sẽ có dịp được thưởng thức màn đom đóm đầu mùa hạ như một trải nghiệm thật tuyệt vời cho tuổi thơ của các em.

Để trẻ tập luyện các môn thể thao ngoài trời dù nắng hay mưa hay tuyết để rèn nghị lực cho bản thân, yêu thích thể thao và nâng cao sức khỏe.

Gần đây, nhiều các nhà giáo dục đã vận động trào lưu cho trẻ trải nghiệm với nông nghiệp thông qua việc tự trồng trọt và thu hoạch nông sản: trồng lúa - gặt lúa, trồng rau – thu hoạch rau mà không dùng phân hóa học. Đây là trải nhiệm tuyệt vời giúp trẻ cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi thu hoạch được thành quả do sức lao động mình bỏ ra, hiểu được sự vất vả của những người làm nông nghiệp để biết yêu quý thức ăn, coi trọng sức lao động của người khác. Đồng thời thông qua trải nghiệm ấy trẻ học hỏi được rất nhiều kỹ năng sống cho mình.

Dạy trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ

Người Nhật rất chú trọng dạy trẻ tự lập ngay khi còn nhỏ. Đầu tiên là thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống tốt. 1 tuổi rưỡi khi bé bắt đầu muốn tự xúc sẽ để bé tập xúc, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến 3 tuổi sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, thay đồ, biết dọn dẹp đồ mình bày ra.

Cũng từ tầm 3 tuổi sẽ tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng. Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Chính việc cho trẻ tự làm việc nhà, tôn trọng mong muốn của trẻ chính là cơ hội tuyệt vời rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho trẻ. 

Tuy nhiên, không giống như các mẹ Tây, quẳng con ra ngoài và mặc kệ con đê con tự lập, thì các mẹ Nhật luôn để con tự làm mọi thứ trong mức khả năng tối đa có thể nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện và cung cấp những hỗ trợ cần thiết nhất để con có thể bước đầu tự lập, lặng lẽ giúp bé nâng cao sự tự tin nhưng vẫn không bị lệ thuộc cha mẹ.

Chẳng hạn như trên bàn ăn, cha mẹ Nhật lúc nào cũng đặt một chiếc khăn ướt và một chiếc khăn ăn để trẻ có thể học theo người lớn tự vệ sinh cho sạch. Bồn rửa mặt và đánh răng quá cao thì mẹ Nhật sẽ thiết kế một chiếc ghế để con trèo lên. Quần áo nhiều cúc con chưa biết cởi thì mẹ Nhật sẽ thiết kế những loại khoá kéo, kim băng cài hoặc cúc bấm đơn giản để con có thể tự mặc quần áo.

Bởi vậy, trẻ em ở Nhật Bản có tính tự giác rất cao, những em bé nhỏ có thể xách nhiều loại túi đến trường mà không cần sự trợ giúp từ bố mẹ, như túi sách vở, túi bao ngoài, túi đựng đồ ăn, túi quần áo… trẻ cũng ý thức được việc phân loại đồ dùng và phân loại rác. Những giờ học trên lớp cũng như ở nhà, trẻ cũng tự giác cất gọn đồ chơi vào các túi mà không cần sự nhắc nhở của giáo viên hay bố mẹ.

Tính kỷ luật của trẻ em Nhật Bản được các em rèn luyện một cách bài bản và chặt chẽ.

Coi trọng việc giáo dục đạo đức trong gia đình, vun đắp kỹ năng giao tiếp với mọi người

Người Nhật đặc biệt rất coi trọng giá trị đạo đức, đặc biệt là lòng trung thực, tinh thần trách nhiệm, sự nhẫn nhịn. Đây là những đức tính quan trọng để giúp trẻ hòa đồng với mọi người ở trong trường học cũng như ngoài xã hội. Để xây dựng những kỹ năng mềm cho con, thì cha mẹ luôn cố gắng trở thành người mẫu mực để con học tập hàng ngày.

Bên cạnh đó, phụ huynh Nhật không can thiệp vào cuộc cãi nhau của con khi chơi với bạn bè, để con học hỏi kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cũng là một kỹ năng sống. Cha mẹ sẽ không nhìn vào kết quả hành động của con để đánh giá, phán đoán mà sẽ nhìn vào mặt sau để đặt câu hỏi vì lí do gì con làm như thế, dù con có làm sai cũng tiếp nhận con trước cho con thấy mình là bờ vai tin cậy của con trước khi đưa ra lời khuyên bảo con.

Ngoài ra thói quen đọc truyện tranh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ với những câu chuyện gần gũi, các bài học giàu tính nhân văn được lồng ghép khéo léo giúp bé hình thành nhân cách: đó tình yêu gia đình, trung thực, bao dung, biết quan tâm tới mọi người, lễ phép… Đạo đức của con trẻ chính là từ những việc làm của cha mẹ và mọi người xung quanh mà hình thành. Hoặc nó là những ấn tượng khó phai về một câu chuyện cảm động nào đó mà trẻ được đọc hay chứng kiến.

Im lặng để lắng nghe, rồi trò chuyện cùng con khi con phản kháng

Không chen ngang khi con đang nói, không tỏ ra bức xúc hay quát mắng khi con nói ra ý kiến của mình, mà im lặng, kiên nhẫn lắng nghe, rồi nói chuyện cùng con.

Đây là một kỹ năng quan trọng nhất mà người Nhật dùng nó để giao tiếp với con cái.

Với cách giải quyết như thế đã giúp xua tan đi xung đột không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Những người Nhật học được từ gia đình mình cách ứng xử như này nên ra ngoài xã hội họ cũng đối xử với nhau nhẹ nhàng như vậy, tạo nên nét ứng xử tinh tế của riêng họ.

Chơi cùng con

Ngày nay, hầu như các ông bố Nhật Bản đều chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với vợ. Không hiếm cảnh các ông bố vừa địu, vừa dắt con đi học, đi chơi. Đặc biệt là chơi những trò chơi vận động như leo trèo, đạp xe, chơi bóng cùng con để dạy con các kỹ năng mềm, đồng thời tăng tình cảm với con hơn.

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video: 

[mecloud]C4VeMGMxoS[/mecloud]